Trong những tình huống khẩn cấp như bé bị hóc thức ăn, mỗi giây trôi qua đều rất quan trọng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của bé. Tuy nhiên, dường như mọi người thường luống cuống, sơ suất do hoảng sợ trong những tình huống như vậy. Từ đó sẽ khiến cho việc xử lý không được đúng đắn. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những sai lầm về cách xử lý khi bé bị hóc thức ăn để cùng khắc phục.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của trẻ bị hóc thức ăn
Việc nhận biết các dấu hiệu của bé bị hóc thức ăn là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn. Khi bé đang ăn đột ngột có những biểu hiện sau thì bố mẹ cần chú ý:
– Ho: Bé có thể bắt đầu ho liên tục và không rõ nguyên nhân.
– Sặc sụa: Bé có thể bị sặc. Cùng với đó, trạng thái sắc sụa sẽ nhiều hơn bình thường và có thể thấy khó khăn khi nuốt.
– Tím tái: Khuôn mặt của bé có thể chuyển sang màu xanh tím do thiếu oxi.
– Khó thở: Bé có thể gặp khó khăn khi thực hiện hít thở. Một số trường hợp trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường.
– Ngạt thở: Bé có thể có cảm giác ngạt thở và khó khăn trong việc lấy hơi.
– Trợn mắt: Đôi khi, bé có thể trở nên căng thẳng và trợn mắt trong tình trạng khẩn cấp.
– Cố ho, khạc: Bé có thể cố gắng ho hoặc khạc. Đây là phản ứng để cố gắng loại bỏ dị vật.
2. Những trường hợp dễ khiến trẻ bị hóc thức ăn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ. Dưới đây là các trường hợp sau đây đặc biệt dễ gặp:
– Trẻ còn quá nhỏ: Do trẻ chưa phát triển hoàn thiện khả năng phân biệt giữa đồ vật và thức ăn. Điều này dẫn tới thường có thói quen cho những vật nhỏ vào miệng mà không nhận ra rằng đó không phải là thức ăn.
– Thức ăn nguy hiểm: Các loại thức ăn như cá, gà có nhiều xương, hạt cứng, hoặc các loại quả có hạt như nhãn, vải, chôm chôm, … có thể dễ dàng gây ra tình trạng hóc khi bé không nhai kỹ hoặc nuốt nhầm.
– Thạch rau câu và thực phẩm mềm trơn: Các thực phẩm mềm, trơn như thạch rau câu có tính chất trơn trượt. Chúng sẽ dễ bị trôi tuột vào cổ họng khi bé chưa kịp nhai hoặc nuốt chúng.
– Hành động vừa ăn vừa chơi hoặc khóc: Trẻ thường có thói quen kết hợp ăn và chơi hoặc đang ăn thì khóc, quấy. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sặc hoặc hóc thức ăn.
3. Cần làm gì khi trẻ bị hóc thức ăn?
3.1 Những sai lầm về cách xử lý khi bé bị hóc thức ăn
Những sai lầm trong việc xử lý khi bé bị hóc thức ăn có thể làm tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những cách sơ cứu sai lầm mà nhiều bậc phụ huynh thường mắc phải:
– Cho tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra: Hành động này có thể gây nguy hiểm cho bé. Nguyên nhân vì dị vật có thể bị đẩy sâu hơn vào đường thở. Việc sử dụng vật khác để móc dị vật ra cũng có thể gây xước hoặc tổn thương niêm mạc họng của bé.
– Vuốt xuôi ngực: Một số người thường vuốt ngực cho bé mỗi khi bé sặc hoặc nghẹn. Tuy nhiên, hành động này có thể làm cho dị vật chui sâu hơn vào đường thở thay vì giúp bé thoát khỏi tình trạng hóc.
– Sử dụng các mẹo dân gian như cho bé nuốt cơm, hoa quả: Những mẹo này không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn có thể làm cho tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.
3.2 Những cách xử lý khi bé bị hóc thức ăn
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bé bị hóc dị vật, chúng ta đừng hoảng sợ. Đặc biệt, tránh dùng tay hoặc vật gì khác để cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng bé. Hành động này có thể làm cho dị vật bị đẩy sâu hơn vào đường thở. Lưu ý rằng việc móc họng có thể gây ra nôn ói và trẻ hít sặc lại chất ói có thể tạo ra tình huống nguy hiểm hơn.
Nếu bé vẫn tỉnh táo, không gặp khó thở và vẫn có thể khóc hoặc nói, chúng ta hãy khuyến khích bé ho và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Nếu bé thực sự bị hóc dị vật đường thở, bác sĩ sẽ loại bỏ nó một cách an toàn.
Tuy nhiên, nếu bé có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc hoặc nói được, ngay lập tức gọi xe cấp cứu và tiến hành các biện pháp sơ cứu kịp thời trong thời gian chờ xe đến.
4. Cách sơ cứu cho trẻ bị hóc thức ăn trong thời gian chờ cấp cứu
Trong trường hợp bé bị hóc thức ăn và cần sơ cứu trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, dưới đây là các biện pháp sơ cứu cụ thể cho trẻ
4.1 Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Sau đây là các bước cần thực hiện để sơ cứu cho trẻ dưới 1 tuổi:
– Đặt bé ở tư thế đầu thấp trên một cánh tay hoặc đùi của bạn.
– Mở miệng bé bằng ngón tay và vỗ mạnh vào vùng giữa lưng của bé 5 lần, ở chỗ giữa hai bả vai. Kiểm tra sau mỗi lần vỗ xem bé đã hết tắc nghẹn chưa.
– Nếu tình trạng tắc nghẽn vẫn còn, lật ngửa bé và ấn ngực bé 5 lần bằng hai ngón tay, ở phía dưới xương ức của bé. Kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa sau mỗi lần ấn ngực.
– Nếu bé vẫn bị nghẹn, hãy đập lưng bé 5 lần xen kẽ với việc ấn ngực bé 5 lần cho đến khi dịch vụ cấp cứu đến.
4.2 Đối với những trẻ lớn hơn
Đối với những trẻ lớn hơn, việc sơ cứu cần được thực hiện như sau:
– Bảo trẻ cúi người xuống và vỗ mạnh vào vùng giữa lưng của trẻ, ở chỗ giữa hai bả vai. Trước khi vỗ tiếp, hãy kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa.
– Nếu tình trạng nghẹn vẫn còn, sau khi vỗ 5 lần, hãy sử dụng phương pháp ấn ngực.
– Đặt một bàn tay ở giữa lưng của trẻ và đặt tay kia ở giữa ngực của trẻ. Ấn ngực của trẻ xuống 5 lần, mỗi lần ấn cần kiểm tra xem đã khai thông được chỗ bị nghẹn chưa.
– Nếu trẻ vẫn còn bị nghẹn, hãy gọi xe cấp cứu. Đồng thời, chúng ta thực hiện vỗ lưng, ấn ngực xen kẽ cho đến khi cứu hộ tới nơi.
Bên cạnh những điều trên, sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, chúng ta hãy kiểm tra sự thông thoáng của đường thở của bé. Cụ thể, hãy quan sát cử động của lồng ngực và lắng nghe tiếng thở.