Sa sút trí tuệ là tình trạng một nhóm gồm nhiều triệu chứng khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, nhận thức và năng lực xã hội, gây cản trở hoạt động sống hàng ngày và có thể hồi phục được hoặc không hồi phục. Có nhiều nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, trong đó có nguyên nhân có thể điều trị khỏi, cũng như các yếu tố gây sa sút trí tuệ có thể kiểm soát. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ có thể điều trị khỏi
Trên thực tế, có một số nguyên nhân gây sa sút trí tuệ hay triệu chứng giống sa sút trí tuệ (hội chứng sa sút trí tuệ) có thể điều trị khỏi như một số nguyên nhân sau đây.
1.1 Nhiễm trùng và các rối loạn miễn dịch
Hội chứng sa sút trí tuệ có thể do hậu quả của sốt hoặc do cơ thể phải nỗ lực để chống lại một tình trạng nhiễm trùng nào đó như: một số bệnh nhân bị nhiễm trùng ở não (viêm não, viêm màng não, giang mai không điều trị, bệnh Lyme) hoặc một số bệnh lý khác gây tổn thương hoàn toàn hệ miễn dịch như bệnh bạch cầu, …
Những bệnh lý này khiến hệ miễn dịch phải hoạt động “quá sức” để chống lại các tế bào thần kinh, chẳng hạn như xơ cứng rải rác, lâu dần gây sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả chứng nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch này thì tình trạng sa sút trí tuệ của người bệnh sẽ được cải thiện và có thể phục hồi.
1.2 Gặp vấn đề về chuyển hóa và bất thường về nội tiết
Một số người gặp các vấn đề về chuyển hóa và các bất thường về nội tiết như người có bệnh lý tuyến giáp, lượng đường trong máu quá thấp, natri hay calci máu quá thấp hoặc quá cao, giảm hấp thu vitamin B12,.. có thể gây sa sút trí tuệ hoặc thay đổi nhân cách.
Với trường hợp này, nếu người bệnh kiểm soát và điều trị hiệu quả các vấn đề chuyển hóa và bất thường trên, thì chứng sa sút trí tuệ sẽ được cải thiện hiệu quả.
1.3 Thiếu dinh dưỡng gây sa sút trí tuệ
Thiếu nước, thiếu hụt vitamin B1, B6, B12 thường gặp ở những người nghiện rượu hoặc những người không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, uống hàng ngày sẽ dễ gây hội chứng sa sút trí tuệ.
Việc bổ sung nước, dinh dưỡng kịp thời sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ do thiếu chất dinh dưỡng.
1.4 Sa sút trí tuệ do thuốc
Thuốc có tác dụng điều trị bệnh nhưng bên cạnh đó sự tương tác của cơ thể chúng ta với một loại thuốc hoặc tương tác giữa một số loại thuốc với nhau có thể gây ra tình trạng sa sút trí tuệ.
Nếu phát hiện ra sự phản ứng này và có biện pháp điều chỉnh việc sử dụng thuốc hiệu quả thì tình trạng sa sút trí tuệ có thể điều trị khỏi.
1.5 Máu tụ dưới màng cứng
Máu tụ dưới màng cứng hay khối máu đông hình thành trong khoang dưới màng cứng do chấn thương hoặc do bệnh lý có thể dẫn tới sa sút trí tuệ.
Nếu giải quyết được tình trạng máu tụ dưới màng cứng thì tình trạng sa sút trí tuệ sẽ được điều trị khỏi.
1.6 Nhiễm độc
Sa sút trí tuệ có thể xuất hiện do tình trạng nhiễm độc một số kim loại nặng như đồng hoặc các chất hóa học như thuốc trừ sâu, người nghiện rượu hoặc người thường xuyên sử dụng các chất kích thích, các thuốc kích thích,… Nếu được điều trị hiệu quả, các triệu chứng sa sút trí tuệ thường biến mất nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể còn tồn tại sau điều trị.
1.7 U não
Tổn thương não do u não hiếm khi là nguyên nhân của sa sút trí tuệ.
1.8 Thiếu oxy não
Thiếu oxy có thể do hen phế quản, bệnh tim, ngộ độc carbon monoxide hay các nguyên nhân khác.
Nếu bạn bị thiếu oxy nặng, sự hồi phục thường kéo dài. Các triệu chứng như lẫn lộn và giảm trí nhớ thường xuất hiện trong quá trình hồi phục.
Các bệnh lý tim, phổi. Não của bạn không thể sống được nếu thiếu oxy. Các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện ở người có bệnh phổi mạn tính hay bệnh tim, gây thiếu oxy não.
Não úng thủy áp lực bình thường. Não úng thủy áp lực bình thường (NPH) là tình trạng tăng tích tụ dịch não tủy làm hệ thống não thất trong não dãn rộng, với ít hoặc không có gia tăng áp lực. Bệnh lý này gây đi lại khó khăn, rối loạn đi tiểu và giảm trí nhớ. Phẫu thuật đặt ống thông (shunt) để chuyển hướng dịch não tủy dư thừa ra khỏi não đến một nơi khác, thường đến một khoang cơ thể (bụng hoặc tim) có thể giúp cải thiện triệu chứng.
2. Yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ
Có nhiều yếu tố cuối cùng có thể dẫn đến sa sút trí tuệ. Vài yếu tố không thể thay đổi, ví dụ như tuổi. Những yếu tố khác có thể được giải quyết để giảm nguy cơ của bạn.
2.1 Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Tuổi: Nguy cơ bị bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu và vài thể sa sút trí tuệ khác tăng theo tuổi, đặc biệt là sau 65 tuổi. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ không phải là một phần của quá trình lão hóa, và sa sút trí tuệ có thể xuất hiện cả trên người trẻ.
Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người bị sa sút trí tuệ, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người có tiền sử gia đình có sa sút trí tuệ nhưng không bao giờ có triệu chứng của sa sút trí tuệ, và nhiều người không có tiền sử gia đình sa sút trí tuệ nhưng lại bị bệnh này.
Nếu bạn có những đột biến gen chuyên biệt, bạn sẽ có nguy cơ rất cao bị một thể sa sút trí tuệ nhất định.
Có những xét nghiệm giúp kiểm tra xem bạn có những đột biến gen này hay không, nhưng bác sĩ không chỉ định làm rộng rãi vì những xét nghiệm này không phải luôn chính xác.
Hội chứng Down. Ở độ tuổi trung niên, nhiều người bị hội chứng Down có các mảng và búi sợi trong não liên quan bệnh Alzheimer. Vài người có thể phát triển thành sa sút trí tuệ.
2.2 Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát
Uống rượu. Người uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ. Dù có vài nghiên cứu cho thấy uống một lượng rượu vừa phải là một yếu tố bảo vệ thì nghiện rượu vẫn là yếu tố làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
Xơ vữa động mạch. Sự thành lập các mảng xơ vữa (plaques) trên thành động mạch của bạn có thể làm giảm lưu lượng dòng máu đến nuôi não và dẫn tới đột quỵ. Lưu lượng tưới máu não giảm có thể gây sa sút trí tuệ mạch máu. Vài nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa bệnh lý mạch máu và bệnh Alzheimer.
Huyết áp. Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng huyết áp cao hay thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Cholesterol. Nếu bạn có mức LDL- cholesterol (low-density lipoprotein cholesterol) cao, bạn sẽ có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ mạch máu hay bệnh Alzheimer. Những nghiên cứu về vấn đề cholesterol ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ như thế nào còn đang được tiếp tục tiến hành.
Trầm cảm. Dù chưa được hiểu rõ, người ta nhận thấy những tình trạng trầm cảm khởi phát trễ, đặc biệt ở nam giới, thường chỉ điểm cho sự phát triển sủa sa sút trí tuệ liên quan bệnh Alzheimer.
Đái tháo đường. Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, bạn có nguy cơ cao bị bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu.
Mức estrogen cao. Phụ nữ uống estrogen và progesterone những năm sau mãn kinh có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ.
Mức homocysteine máu cao. Homocysteine, một loại amino acid do cơ thể tạo ra, tăng trong máu có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ mạch máu của bạn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho các kết quả khác nhau về việc tăng homocysteine có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ hay không.
Béo phì. Dư cân hoặc béo phì ở độ tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ khi bạn già.
Hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ và bệnh lý mạch máu.