Mẹ đã biết: Những nguyên nhân gây đau ngực ở trẻ em?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Đau ngực ở trẻ em là triệu chứng phổ biến cảnh báo các bệnh về tim mạch, tuy nhiên không phải bất kỳ trẻ bị đau ngực đều mắc bệnh về tim, bởi đau ngực còn có thể do nhiều nguyên nhân khác

1.Những nguyên nhân khiến trẻ bị đau ở ngực

1.1. Trẻ bị đau ngực là biểu hiện của bệnh xương

Đau ngực ở trẻ không loại trừ nguyên nhân cơ xương: trẻ thường có dấu hiệu đau vừa phải và kéo dài do sự căng quá mức của các cơ ngực, lưng, vai sau vận động, thể thao hoặc tai nạn hoặc do các bất thường về cấu trúc lồng ngực, cột sống.

1.2. Bệnh hô hấp là nguyên nhân gây đau ngực ở trẻ em

Ngoài nguyên nhân từ tim mạch, thì đau ngực ở trẻ phần lớn do nguyên nhân hô hấp: trẻ có triệu chứng đau ngực nhẹ, cơ thể sốt, thở nhanh, khò khè, rút lõm lồng ngực,… tràn dịch màng phổi hay gây đau ngực với tính chất đau khi hít sâu. Hoặc trẻ mắc các bệnh viêm phổi, hen, tràn khí màng phổi…

đau ngực ở trẻ em

Đau ngực ở trẻ em cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm không nên bỏ qua

Đau ngực do nguyên nhân tiêu hóa: một số bệnh tiêu hóa gây ra đau ngực. Như chứng viêm thực quản khiến trẻ có cảm giác đau rát vùng sau xương ức và đau hơn khi nằm hoặc sau khi ăn.

1.3. Đau ngực ở trẻ em liệu có phải biểu hiện của bệnh tim?

Tuy nhiên, khi trẻ bị đau ngực, cha mẹ luôn phải cảnh giác với các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm như chứng rối loạn chức năng thất vì thiếu máu cục bộ, các bất thường về cấu trúc tim như hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, sa van hai lá, các bất thường về động mạch vành ,… Với những cơn đau ngực điển hình là đau vùng trước tim dưới xương ức lan tới cổ và xương hàm. Đau có thể lan ra một hoặc cả hai tay, đau thắt vùng ngực, cảm giác như bị ngạt thở, đau tăng khi hoạt động.

Trong số các bệnh tim mạch, thì bệnh mạch vành là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ.

Những bất thường mạch vành xuất phát bất thường của động mạch vành trái từ động mạch phải, rò động mạch phải, phình hoặc hẹp động mạch vành, suy động mạch vành thứ phát sau các phẫu thuật tim. Với những biểu hiện lâm sàng là cơn đau thắt ngực điển hình.

Ngoài những bệnh lý tim mạch, còn có một hội chứng khác có tên gọi “hội chứng bắt chước tim”. Hội chứng này mang đến những cơn đau khá dữ dội ở bên ngực trái trong khoảng thời gian ngắn vài giây hoặc vài phút. Những cơn đau kiểu này có thể xảy ra nhiều lần trong một ngày. Hội chứng này không làm nguy hiểm tính mạng hay ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và các nhà khoa học cũng chưa tìm ra nguyên nhân. Nhiều ý kiến cho rằng sự co cứng cơ hoặc một vài dây thần kinh đã gây nên hiện tượng này.

đau ngực ở trẻ em

Đau ngực ở trẻ còn cảnh báo các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa

Nếu thực hiện điện tâm đồ thấy hình ảnh ST chênh lên (thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cũ). Tiến hình chụp X quang tim phổi có thể thấy các dấu hiệu gợi ý tình trạng bệnh lý này. Điện tâm đồ gắng sức cho thấy hình ảnh thiếu máu cơ tim. Siêu âm và chụp động mạch vành thường được chỉ định để xác định chẩn đoán.
Chứng đau ngực ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân, do đó việc xác định nguyên nhân có vai trò quan trọng giúp tầm soát sớm bệnh cho trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ có những triệu chứng đau thắt ngực bất thường, nên cho trẻ đi khám để kịp thời điều trị.

2. Sự liên quan giữa đau ngực và bệnh lý về tim của trẻ em

Như đã nói ở trên có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị đau ngực nhưng phổ biến và cũng nguy hiểm nhất là trường hợp như trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến tim. Tình trạng đau ngực của trẻ có thể được đánh giá là nghiêm trọng nếu như:

– Cảm giác đau rất dữ dội

– Cảm giác đau ngực kéo dài trong một khoảng thời gian dài

– Khi trẻ hoạt động, chơi thể thao hoặc đi lại làm cho cảm giác đau tăng lên

– Đi kèm với những dấu hiệu khác như đau ngực, khó thở, chóng mặt, sốt và ngất xỉu

– Từ ngực đau lan ra các bộ phận khác ở xung quanh

Khi đó các bác sĩ sẽ đặt giả thiết những bệnh lý liên quan đến tim mạch như:

– Hệ thống tim mạch có cấu trúc không bình thường.

– Những bệnh tim liên quan đến di truyền mà chỉ khi trẻ lớn mới có thể phát hiện được.

– Viêm niêm mạc của tim hoặc viêm màng tim cũng là một giả thiết gây đau ngực. Bệnh có thể tự khỏi nhưng bác sĩ vẫn cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra viêm bởi đây có thể là vấn đề khá nghiêm trọng.

– Viêm cơ tim làm cho khả năng bơm máu bị giảm đi, nguyên nhân của tình trạng này có thể là do viêm hoặc do phản ứng thuốc.

– Bệnh kawasaki, căn bệnh khiến cho các mạch máu bị viêm, trẻ thường bị sốt và da bong tróc. Những trẻ dưới 5 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh này nhiều hơn nhưng khả năng điều trị khỏi khá cao nếu được phát hiện sớm.

– Bệnh lý tim khiến nhịp tim bị bất thường. Đối với những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhịp tim không ổn định là tình trạng xảy ra khá thường xuyên. tuy nhiên không thể không loại trừ những trường hợp nhịp tim ổn định là do bệnh lý.

3. Cách chẩn đoán của bác sĩ khi trẻ bị đau ngực

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng đau ngực ở trẻ thì các bác sĩ sẽ cần:

Khám tổng quát ở phần ngực của trẻ

đau ngực ở trẻ em

Cho trẻ đi khám chuyên khoa để kịp thời tầm soát sớm mọi bệnh lý

– Sử dụng ống nghe để khám lâm sàng, xác định những bất thường nên trong phần lồng ngực. Có thể phát hiện được cơn đau của trẻ đến từ bộ phận nào, tim hay phổi.

Chụp Xquang lồng ngực để xác định xem có phần nào bị tràn dịch hoặc trẻ có nuốt phải dị vật hay không.

Khi đã có những kết quả chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra những cách điều trị thích hợp cho trẻ. Nếu cơn đau liên quan đến bệnh lý về phổi như viêm phổi thì có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu liên quan đến các bệnh lý về tim mạch hoặc các vấn đề khác thì cần làm thêm các loại xét nghiệm nữa để ra kết luận chính xác. Sau khi có kết luận chính xác mới đưa ra được phương án điều trị bệnh cho trẻ.

Trên đây là những thông tin về tình trạng đau ngực ở trẻ nhỏ. Hi vọng cha mẹ và các bạn đọc khác có thể tìm được những kiến thức hữu ích cho vấn đề mình đang quan tâm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital