Những đối tượng được chỉ định đặt sonde JJ

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sonde JJ là một ống chuyên dụng được làm bằng chất liệu dựa dẻo hoặc silicone để đặt vào niệu quản của người bệnh khi gặp một số bệnh lý hệ tiết niệu. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những đối tượng được chỉ định đặt sonde JJ.

1. Mục đích đặt sonde JJ là gì?

Đặt sonde JJ là một phương pháp được sử dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý chủ yếu ở đường tiết niệu. Sonde JJ sẽ được đặt thông qua quá trình nội soi ngược dòng hoặc được đặt qua da bằng đường hầm nhỏ, sao cho hai đầu cong có một đầu được đặt vào bể thận, đầu còn lại được đặt vào bàng quang.Sonde JJ còn được thiết kế với chất liệu an toàn cho cơ thể, có cản quang và nhiều lỗ dọc theo suốt chiều dài của ống. 

Mục đích của việc đặt sonde JJ niệu quản là giải quyết tắc nghẽn, giúp nước tiểu từ thận vẫn có thể lưu thông xuống bàng quang ngay cả khi niệu quản bị tắc nghẽn do bất kỳ nguyên nhân nào.

Ngoài ra còn bảo vệ niệu quản giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhanh lành vết thương và dự phòng nguy cơ hẹp niệu quản sau khi thực hiện những điều trị ngoại khoa tại vị trí này.

Cuối cùng đặt sonde JJ còn giúp nong rộng niệu quản trước khi tán sỏi, hỗ trợ quá trình đưa thiết bị tiếp cận vào niệu quản để xử lý sỏi dễ dàng hơn.

Đối tượng chỉ định và chống chỉ định đặt sonde JJ

Sonde JJ có nhiều kích thước để phù hợp với từng thể trạng niệu quản của người bệnh

2. Những chỉ định đặt ống sonde JJ niệu quản 

2.1 Đặt sonde JJ niệu quản trong trường hợp tắc nghẽn niệu quản do nhiều nguyên nhân

Sỏi niệu quản gây tắc nghẽn sự lưu thông của nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây đau cho người bệnh

– Hẹp đoạn niệu quản – bể thận gây ra cơn đau quặn thận

– Hẹp niệu quản có thể do sau tạo hình niệu quản, vết thương hình thành sẹo và tắc nghẽn lòng niệu quản

– Hẹp niệu quản do khối u trong ổ bụng hoặc đường niệu

– Chèn ép niệu quản gây tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu ở phụ nữ có thai 

2.2 Chỉ định đặt sonde JJ sau những can thiệp ở thận – niệu quản

– Sau quá trình thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ cho sỏi thận, sỏi niệu quản

– Sau phẫu thuật tạo hình niệu quản điều trị hẹp niệu quản, sau phẫu thuật mở lấy sỏi thận, sỏi niệu quản, phẫu thuật đường niệu trên

Đối tượng chỉ định đặt sonde JJ và chống chỉ định đặt sonde JJ

Bệnh nhân được đặt sonde JJ sau tán sỏi thận tại TCI

2.3 Chỉ định đặt sonde JJ niệu quản khác

– Đặt sonde JJ được sử dụng trong thủ thuật chụp bể thận ngược dòng 

– Dự phòng sỏi di chuyển trước khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể. Hỗ trợ quá trình đẩy cặn sỏi, sonde JJ được đặt vào sau khi nong niệu quản do hiệu quản hẹp, gấp khúc, sỏi niệu quản được đẩy lên thận để thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể.

– Suy thận chưa hoặc không thể phẫu thuật  

– Rò niệu quản sau quá trình phẫu thuật bệnh lý tại niệu quản

– Nhiễm trùng đường niệu nặng sau quá trình bế tắc niệu quản

– Dự phòng tổn thương do phương pháp xạ trị ung thư 

– Được sử dụng trong quá trình ghép thận

3. Đối tượng chống chỉ định đặt ống sonde JJ niệu quản

Nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, bàng quang co thắt, nhiễm trùng bộ phận sinh dục như lậu, giang mai… không thực hiện đặt ống thông niệu quản.

Bên cạnh đó, tắc nghẽn đường lưu thông của bàng quang ra bên ngoài cơ thể, thận ứ nước độ III là chống chỉ định tương đối cho người bệnh.

Một điều quan trọng là khi nào đặt sonde JJ, đặt ống thông niệu quản cho những bệnh nhân nào đều phải được thông qua các quá trình thăm khám, sàng lọc, đánh giá kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên môn dựa trên các kết quả chẩn đoán bệnh cụ thể.

4. Những lưu ý quan trọng sau khi đặt sonde JJ

Sau quá trình đặt ống thông niệu quản người bệnh có thể có hoặc không gặp những triệu chứng, những tác dụng phụ do sonde JJ lưu trong cơ thể gây ra.

– Kích thích bàng quang khiến bệnh nhân đi tiểu thường xuyên và nhiều lần hơn.

– Đau tức vùng hông lưng, bàng quang, bộ phận sinh dục, cơn đau rõ rệt khi người bệnh hoạt động thể lực hoặc khi đi tiểu.

– Tiểu máu không thường xuyên và nước tiểu sẽ mất dần màu máu sau nhiều lần uống nước và đi tiểu.

Trong trường hợp các dấu hiệu tiểu máu lẫn cục, nước tiểu màu đỏ tươi, nước tiểu máu không có xu hướng nhạt dần, cơn đau tăng dần, sốt cao bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị và đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý nếu có biến chứng. Thông thường những tác dụng phụ kể trên sẽ hết khi người bệnh rút sonde JJ ra khỏi niệu quản.

Những đối tượng được chỉ định đặt ống sonde JJ niệu quản

Đặt sonde JJ có thể khiến người bệnh cảm thấy bàng quang bị kích thích, xuất hiện cảm giác cộm khó chịu

Lời khuyên hữu ích

Do vậy lời khuyên cho bạn để hỗ trợ giảm những triệu chứng nếu có xảy ra là:

– Uống thuốc đúng theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ để tình trạng kích thích bàng quang được cải thiện.

– Uống nhiều nước trung bình 2 lít mỗi ngày, nên uống các loại nước ép, thực phẩm có chứa các loại kháng sinh tự nhiên. Điều này sẽ giúp niệu quản có tổn thương nhanh hồi phục, hạn chế nhiễm trùng…

– Không nên hoạt động mạnh, chạy nhảy, mang vác nặng dễ gây đau, chảy máu do cọ xát của sonde JJ vào niêm mạc hoặc gây xô lệch vị trí của sonde JJ.

– Đặc biệt cần tái khám định kỳ đúng theo yêu cầu của bác sĩ để rút sonde JJ, tránh trường hợp để lâu trong cơ thể tạo điều kiện cho cặn sỏi bám hình thành nên sỏi, nhiễm trùng…

5. Kết luận

Tùy chỉ định đặt ống sonde JJ mà bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân rút ống thông này ra khỏi niệu quản vào thời gian nhất định. Sonde JJ được lấy ra thông qua quá trình nội soi bàng quang sau khi gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Một ống nội soi đặc biệt được đưa vào bàng quang qua niệu đạo, thông qua đó bác sĩ sẽ dùng pince gắp và rút ra bên ngoài. Để quá trình đặt sonde JJ ít xảy ra biến chứng như đặt không đúng vị trí, thủng rách bàng quang, tổn thương niệu đạo… người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital