Những điều phụ huynh cần biết về táo bón ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Táo bón là tình trạng hay gặp ở trẻ em khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng. Vậy bạn biết gì về táo bón ở trẻ em để giúp bé thoát khỏi tình trạng này. Mời bạn cùng tìm hiểu về vấn đề này để bạn chủ động biết nên làm gì khi trẻ bị táo bón.

1. Táo bón ở trẻ em là gì?

Táo bón ở trẻ em  là tình trạng trẻ đi đại tiện không thường xuyên kèm theo phân quá ít, rắn, khô hoặc đi tiêu gây đau đớn, khó chịu cho trẻ nhỏ. Số lần đi đại tiện của trẻ tùy thuộc vào từng lứa tuổi và giai đoan phát triển của bé. Trong trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi thường đi đại tiện khoảng 2 đến 3 lần trong ngày. Nhưng nếu trẻ đi đại tiện phân vẫn mềm dẻo với số lượng bình thường dù  chỉ đi 1 lần trong ngày thì vẫn không được xem là táo bón. Còn trong trường hợp trẻ lớn hơn thì thường đi đại tiện trung bình khoảng  1 lần trong ngày, nhưng nếu phân rắn với số lượng ít thì vẫn được xem là táo bón.

Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ đi đại tiện không thường xuyên kèm theo phân quá ít, rắn, khô.

Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ đi đại tiện không thường xuyên kèm theo phân quá ít, rắn, khô.

Chẩn đoán táo bón không thể dựa vào ước lượng cảm quan mà phải dựa theo tiêu chuẩn của NICE  được xác định là táo bón nếu có từ 2 tiêu chí sau đây trở lên được thoả:

– Số lần đi tiêu trọn vẹn trong tuần không quá 3 lần.

– Đi đại tiện phân cứng, to, khô khiến hậu môn bị nứt, chảy máu.

– Có hành vi rặn , nín giữ phân lâu.

– Trước đây từng có tiền sử khi đi đại tiện do phân cứng gây nứt hậu môn, chảy máu.

2. Nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ em

2.1. Nguyên nhân bệnh lý gây táo bón ở trẻ em

Nếu nguyên nhân táo bón do bệnh lý  sẽ không tự hết và là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn về sức khỏe của trẻ. Vì vậy, trong trường hợp này trẻ cần được điều trị dứt điểm các bệnh lý khác thì táo bón mới hết. Một số bệnh lý có thể gây táo bón cho trẻ có thể kể đến là:

– Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: Trẻ bị bệnh này thường có các triệu chứng như nhẹ cân, nôn ói, đi đại tiện phân có kích thước nhỏ hơn so với mức bình thường. Trong trường hợp này trẻ cần phải mổ để tránh các biến chứng do phình đại tràng có thể kể đến như nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí gây thủng ruột…

– Bệnh cường giáp: Trẻ bị bệnh cường giáp sẽ làm cơ ruột hoạt động yếu, dần dần lâu ngày không được điều trị dẫn đến táo bón.

– Trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu: Khi trẻ bị suy dinh dưỡng kèm thiếu máu thì quá trình trao đổi chất không được đảm bảo kèm theo trương lực ruột bị yếu dẫn đến táo bón.

– Bệnh đái tháo đường: Trẻ bị đái tháo đường bẩm sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón khi bị rối loạn chuyển hóa trong trao đổi chất.

– Bệnh thần kinh có liên quan đến cơ ổ bụng, ruột: Bệnh thần kinh hay gặp có liên quan đến vấn đề vận động ở ruột như hội chứng ruột kích thích làm nhu động ruột rối loạn cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

– Tác dụng phụ của thuốc: Việc lạm dụng một số loại thuốc với hàm lượng cao  sử dụng trong thời gian dài để điều trị các bệnh lý toàn thân có thể gây tác dụng phụ khiến trẻ bị táo bón.

3.2. Nguyên nhân chức năng gây táo bón ở trẻ em

Khác với nguyên nhân do bệnh lý phải điều trị bệnh gốc thì mới hết táo bón, các nguyên nhân do chức năng bạn chỉ cần điều chỉnh lại thói quen, chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ thì sẽ giải quyết được vấn đề táo bón. Một số trường hợp gây táo bón cần được điều chỉnh là:

– Trẻ nhịn đi ngoài quá lâu: Đây là nguyên nhân  gây ra táo bón hay thường gặp  ở trẻ em vì tâm lý của trẻ nhỏ thường có xu hướng lười đi vệ sinh. Đặc biệt là trong các trường hợp trẻ đang trong giai đoạn tập ngồi bồn cầu hoặc do nhà vệ sinh bị hôi bẩn, đông người khiến trẻ ngại việc đi đại tiện. Khi trẻ nhịn càng lâu  thì phân trong ruột già ngày càng bị ứ đọng nhiều khiến phân trở nên khô cứng và việc đi đại tiện khó khăn hơn.

– Trẻ bị thiếu nước: Khi trẻ bị thiếu nước thì cơ thể  sẽ phản ứng lại bằng cách hấp thụ nước từ bất kỳ đâu bên trong cơ thể, kể cả phân để cung cấp cho các hoạt động sống khác. Điều này vô tình dẫn đến phân bị mất nước trở nên khô và cứng hơn gây ra táo bón, đặc biệt đối với những trẻ đang cai sữa dễ bị thiếu hụt nước khi đột ngột chuyển từ thức ăn dạng lỏng sang dạng đặc.

– Trẻ bị thiếu chất xơ:  Chất xơ có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giữ nước trong ruột già khiến phân trở nên mềm hơn. Một chế độ ăn thiếu chất xơ từ rau củ quả sẽ khiến phân khô cứng dễ khiến trẻ bị táo bón.

– Thành phần trong công thức sữa không chuẩn hoặc trẻ bú sữa mẹ không đủ: Trong công thức sữa mẹ có chứa thành phần  hormone motilin giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động ruột của trẻ. Vì vậy, đối với trẻ bú sữa mẹ không đủ sẽ thiếu hormone này cho cơ thể trong giai đoạn sơ sinh dẫn đến trẻ bị táo bón. Ngoài ra, đối với trẻ đã lớn không còn bú sữa mẹ thì có thể trẻ không tiếp thu được loại sữa đang uống ở ngoài. Vì các công thức sữa hiện nay trên thị trường nếu không đạt chuẩn về hàm lượng protein có thể là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ.

– Trẻ lười vận động: Ngày nay, trẻ em thường tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, đa phần trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà xem tivi, chơi các trò điện tử…Điều này khiến nhu động ruột của trẻ lâu ngày bị yếu và thiếu sự vận động gây ra táo bón.

– Trẻ bị rối loạn tâm lý: Trẻ có các vấn đề rối loạn tâm lý bên trong có thể do bị áp lực từ người lớn, bị đe dọa, không khí gia đình căng thẳng, chưa quen với môi trường sống mới…Điều này khiến cảm xúc của trẻ bị ức chế, dồn nén lâu ngày ảnh hưởng đến vấn đề đề đại tiện của trẻ gây táo bón.

Trẻ em thường tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, lười vận động là nguyên nhân dẫn đến táo bón cho trẻ.

Trẻ em thường tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, lười vận động là nguyên nhân dẫn đến táo bón cho trẻ.

3. Các dấu hiệu táo bón ở trẻ em thường gặp

Khi trẻ bị táo bón thường sẽ có các dấu hiệu sau đây để phụ huynh lưu ý vì trẻ em sẽ khó có thể tự nhận biết rõ tình trạng táo bón của mình:

– Trẻ đi đại tiện với số lần ít hơn bình thường, thường không quá 3 lần trong tuần.

– Khi trẻ đi vệ sinh cảm thấy sợ hãi và bắt đầu la khóc, khó chịu.

– Phân của trẻ khi đi đại tiện trở nên khô cứng với khối lượng lớn hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến trẻ bị nứt hậu môn, gây chảy máu, đau rát mỗi lần trẻ đi đại tiện.

– Khi trẻ bị táo bón có thể gặp phải trường hợp són phân, nghĩa là có một ít phân lỏng rò rỉ ra quần lót của trẻ. Vì lúc này dịch ruột sẽ bị ứ đọng nhiều gây tắc nghẽn quanh khối phân cứng nên dẫn đến hiện tượng són phân.

– Trẻ có cảm giác đau bụng quanh rốn và có thể tái đi tái lại nhiều lần làm trẻ khó chịu. Tình trạng này có thể giảm sau khi đi đại tiện.

– Trẻ khi đi đại tiện tốn nhiều sức để rặn nhưng vẫn có cảm giác chưa thải hết phân ra ngoài.

– Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện biếng ăn làm trẻ hấp thu chất dinh dưỡng kém. Điều này  ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, lâu ngày dẫn đến bé bị sụt cân, thiếu máu, mệt mỏi…

4. Cách phòng ngừa táo bón ở trẻ em hiệu quả

4.1.Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học

– Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ: Đối với trẻ đang trong giai đoạn bú sữa thì nên khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và đầy đủ. Vì trong sữa mẹ có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như chất béo, protein, chất xơ, nước…giúp cho trẻ không bị táo bón.

– Sử dụng thực phẩm chức năng hoặc sữa phù hợp với trẻ: Nếu bạn sử dụng các thực phẩm chức năng hoặc sữa  thì nên lưu ý lựa chọn sản phẩm không chứa dầu cọ, không chứa đạm whey thủy phân để giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn.

– Tăng cường chất xơ: Bạn cần bổ sung đầy đủ chất xơ cho bé trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ thông qua ngũ cốc nguyên cám, rau củ, trái cây…Bạn nên lưu ý không nên nấu thức ăn quá chín tránh bị mất hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng trong rau củ quả.

– Uống đủ nước: Tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ sẽ cần nhu cầu lượng nước khác nhau. Đối với trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi cần khoảng 600ml nước mỗi ngày. Các giai đoạn trẻ lớn hơn 1 tuổi thì cần lượng nước nhiều hơn khoảng  900ml/ngày đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, 1200ml/ngày đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Khi trẻ lớn hơn 10 tuổi thì nhu cầu lượng nước gần bằng người lớn từ 1500 – 2000 ml nước/ngày.

Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ là cách phòng ngừa táo bón ở trẻ em hiệu quả.

Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ là cách phòng ngừa táo bón ở trẻ em hiệu quả.

4.2. Thường xuyên cho trẻ vận động và massage

– Tập cho trẻ sơ sinh vận động: Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên tập cho bé các động tác tay chân nhẹ nhàng tại chỗ. Bạn có thể nắm hai cổ chân của bé đẩy về phía bụng, sau đó để hai đầu gối của trẻ gập lại và nhẹ nhàng kéo duỗi trở ra.

– Tập cho trẻ lớn vận động: Đối với trẻ lớn hơn thì bạn nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời. Đồng thời hạn chế trẻ ngồi xem ti vi hoặc sử dụng thiết bị điện tử quá lâu.

– Massage bụng cho bé hằng ngày: Việc massage bụng sẽ giúp kích thích nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt hơn, từ đó giúp đào thải phân dễ dàng. Bạn nên làm ấm hai bàn tay, sau đó nhẹ nhàng xoa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ.

4.3. Thay đổi hành vi và chăm sóc tinh thần cho trẻ

– Tập cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ: Bố mẹ nên tập cho trẻ đi vệ sinh vào một thời điểm nhất định trong ngày. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen có phản xạ để việc đi vệ sinh của trẻ đều đặn hơn.

– Hướng dẫn cho bé đi vệ sinh đúng cách: Trẻ nhỏ khi đi đại tiện thường sai cách, không đúng tư thế. Chính vì vậy, bạn nên theo dõi và hướng dẫn cho trẻ cách đi vệ sinh  như việc điều chỉnh cho đầu gối của trẻ cao hơn hông để trẻ có thể dễ đi đại tiện hơn.

– Chăm sóc tinh thần cho trẻ: Tâm lý của trẻ nhỏ bị táo bón thường ngại ngùng và sợ hãi khi đi đại tiện. Vì thế, bạn cần kiên nhẫn động viên tinh thần cho trẻ để trẻ tháo gỡ rào cản tâm lý bên trong mỗi lần đi vệ sinh.

4.4.Đưa trẻ đi khám bác sĩ

Bạn nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu sau đây để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn:

– Sau khi bạn đã cho trẻ thử hết tất cả các phương pháp tại nhà nhưng táo bón vẫn kéo dài trên một tuần mà không thuyên giảm, thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn.

– Trẻ mới sinh bị chướng bụng, táo bón.

– Ngoài táo bón trẻ còn kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm khác như sốt cao, tiêu ra máu, viêm áp xe, sụt cân, suy nhược thần kinh…

Bác sĩ thường sẽ chỉ định cho trẻ dùng các thuốc nhằm hỗ trợ làm mềm cấu trúc phân để bé có thể đi đại tiện dễ dàng hơn. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà chưa qua chỉ định của bác sĩ vì dễ gây tác dụng phụ và có thể làm tình trạng táo bón của trẻ ngày càng trầm trọng hơn.

Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng táo bón của trẻ không chấm dứt.

Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng táo bón của trẻ không chấm dứt.

Táo bón không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Vì vậy, việc bạn trang bị kiến thức về tình trạng táo bón  sẽ giúp bạn có phương pháp xử lý và phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital