Ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối là thời điểm mà các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn sang những mô lân cận và có ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về giai đoạn này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Ung thư tụy là một trong những dạng ung thư nguy hiểm với có tỷ lệ tử vong cao. Mức độ phổ biến của ung thư tụy không cao, điều này khiến nhiều người chủ quan trong việc chủ động phòng tránh ung thư tụy. Ngay tại Mỹ, nơi người dân có thói quen chăm sóc sức khỏe thường xuyên nhưng có tới hơn 50% người bệnh chỉ thực sự phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối.
1.1. Mức độ nguy hiểm của ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Ung thư tụy là bệnh lý xuất phát từ các mô của tuyến tụy. Ở giai đoạn cuối, các khối u bắt đầu xâm lấn ra xung quanh. Quá trình xâm lấn được chia làm 2 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn xâm lấn tại chỗ: Các tế bào ung thư lan đến những mạch máu lớn, hạch bạch huyết xung quanh khối u. Lúc này, tế bào ung thư có thể lan vào dạ dày, ruột non hoặc ống dẫn mật, nhưng chưa xâm lấn đến những cơ quan ở vị trí xa hơn của cơ thể.
– Giai đoạn di căn: Thông qua hệ thống mạch máu và bạch huyết, các tế bào ung thư tụy có thể lan đến những cơ quan xa hơn trong cơ thể. Những bộ phận mà ung thư tuyến tụy di căn phổ biến là gan, phổi, xương, niêm mạc ruột hoặc bụng…
Nhìn chúng, tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, tỷ lệ sống trung bình trên 5 năm của ung thư tụy khá thấp, chỉ khoảng 9.3%. Nguyên nhân là do vị trí của tuyến tụy sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng dễ nhầm với bệnh khác nên bệnh nhân thường được chẩn ở giai đoạn muộn.
1.2. Điều trị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối
Bệnh ung thư tuyến tụy khi bước sang giai đoạn cuối thì gần như không có khả năng chữa trị. Việc điều trị khi này chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian sống hoặc làm giảm đau đơn cho bệnh nhân.
Những phương pháp điều trị cho người bệnh đang ở giai đoạn cuối của ung thư tuyến tụy bao gồm hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Các phương pháp này thường được kết hợp cùng nhau để mang lại kết quả tích cực nhất. Việc chỉ định kết hợp điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: vị trí ung thư đã di căn đến, kích thước khối u, loại ung thư tuyến tụy, sức khỏe tổng quát của bệnh nhân…
Ở giai đoạn xâm lấn và di căn, bệnh nhân ung thư tụy thường phải chịu đựng các cơn đau kéo dài. Để giảm cảm giác đau đớn này, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau hoặc thuốc ức chế thần kinh nhắm kiểm soát cơn đau. Tuy vậy, việc sử dụng thuốc nhất định phải có sự chỉ định của bác sĩ. Với những bệnh nhân có biểu hiện tiêu hóa kém, sụt cân nhanh thì gia đình nên thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày để giúp người bệnh có đủ năng lượng hoạt động trong ngày.
2. Các phương pháp chủ động phòng tránh ung thư tụy
Hiện tại, các phương pháp điều trị ung thư tụy giai đoạn cuối không thể điều trị triệt để ung thư. Vì vậy, chìa khóa để chúng ta có thể chiến thắng căn bệnh nguy hiểm này nằm ở việc tầm soát phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp hạn chế nguy cơ mắc ung thư.
2.1. Phương pháp kiểm tra chẩn đoán sớm ung thư tụy
Việc thực hiện tầm soát ung thư sớm được chỉ định với những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư như: gia đình có người từng bị ung thư tụy, người mắc bệnh viêm tụy mạn tính, người thừa cân béo phì…
– Siêu âm nội soi: Với phương pháp này, bác sĩ có thể quan sát hình ảnh tổn thương, xác định chính xác tổn thương xuất phát từ lớp nào, giai đoạn phát triển của bệnh….
– Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI): Cả 2 đều là những phương pháp chẩn đoán bệnh tiên tiến hiện nay. Các phương pháp sẽ giúp các bác sĩ quan sát hình ảnh bên trong cơ thể để phát hiện tổn thương, đồng thời kiểm tra mức độ xâm lấn của bệnh.
– Sinh thiết kim qua da: Đây là phương pháp kiểm tra sàng lọc ung thư có độ chính xác cao. Để thực hiện sinh thiết, các kỹ thuật viên sẽ chụp X-quang cơ thể, xác định vị trí nghi ngờ ung thư và sử dụng cây kim để để thu thập các mẫu tế bào. Thông qua quan sát mẫu bệnh phẩm, bác sĩ có thể kết luận được chính xác về tính chất của khối u.
2.2. Phương pháp điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể đưa ra nguyên tắc phòng ngừa chính xác dành cho bệnh ung thư nói chung. Tuy nhiên, các chuyên gia thường khuyến cáo mọi người thực hiện một số phương pháp dưới đây nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
– Từ bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.
– Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo.
– Duy trì cân nặng ổn định, phù hợp với thể trạng.
– Duy trì hoạt động thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Ung thư tụy nói riêng và các loại ung thư nói chung đều là những mối nguy “thầm lặng” với sức khỏe con người. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa nguy cơ này bằng việc điều chỉnh nếp sống khoa học và chủ động tầm soát ung thư định kỳ.