Nhiều người cho rằng suy giảm trí nhớ chỉ xảy ra với người lớn tuổi. Nhưng áp lực từ việc học tập, những thói quen thiếu lành mạnh trong cuộc sống đang khiến thế các em học sinh cũng đang phải đối mặt với vấn đề này. Các bậc phụ huynh nên hiểu thế nào về hội chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh là gì để phát hiên và điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Thực trạng và biểu hiện của hội chứng suy giảm trí nhớ ở học sinh
1.1. Thực trạng suy giảm trí nhớ ở Việt Nam
Nghiên cứu y học chỉ ra, tại Việt Nam, tỷ lệ người dưới 50 tuổi mắc phải vấn đề về trí nhớ là 85%. Trong số đó, 20 – 30% người có độ tuổi dưới 30. Nếu không kịp thời khắc phục đúng cách, một nửa số người trí nhớ kém sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ chỉ trong vòng 3 năm. Đây là những con số không thể xem thường, bởi chúng là bằng chứng cho việc suy giảm trí nhớ ngày càng trẻ hóa và gia tăng.
Với các em học sinh, trình trạng suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến do áp lực học tập, cuộc sống. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới tư duy, phản xạ và kết quả học tập của các em. Hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh là người phát hiện và khắc phục vấn đề này. Vì nếu không được hiểu đúng và xử lý kịp thời sẽ để lại hậu quả xấu cho chính con em mình.
1.2. Biểu hiện suy giảm trí nhớ ở lứa tuổi học sinh
Suy giảm trí nhớ ở lứa tuổi học sinh có biểu hiện đa dạng. Một số dấu hiệu dễ nhận biết có thể kể đến như:
– Lơ đãng, thiếu tập trung trong học tập hay hoạt động nào đó
– Hay quên, gặp khó khăn khi học thuộc lòng, ghi nhớ thông tin
– Mất ngủ, khó ngủ, thức khuya, dậy sớm
– Phản ứng chậm, không diễn tả được vấn đề muốn nói
– Cáu gắt, thăng thẳng, mệt mỏi
– Thụ động trong cuộc sống, học tập
– Thường xuyên lặp đi lặp lại một vấn đề, câu chuyện
Khi nhận thấy con em có một hay một vài dấu hiệu trên, quý phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Từ đó có phương án khắc phục kịp thời, phù hợp.
2. Nguyên nhân gây nên hiện tượng suy giảm trí nhớ ở học sinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm trí nhớ ở học sinh. Trong đó, phổ biến nhất là những nguyên do bắt nguồn từ thói quen, lối sống như:
2.1. Áp lực, căng thẳng
Thi cử, những bài kiểm tra, lịch học thêm dày đặc… là những yếu tố gây nên stress ở lứa tuổi học sinh. Hiện tượng này kích thích cơ thể sản sinh ra các gốc tự do, tác động tiêu cực lên trí não và các tế bào thần kinh, gây nên chứng suy giảm trí nhớ. Bên cạnh học tập, áp lực từ cuộc sống, gia đình, môi trường xung quanh,.. cũng là tác nhân gây nên căng thẳng ở các em học sinh.
2.2. Chế độ dinh dưỡng
Cơ thể, đặc biệt là bộ não chỉ hoạt động tốt nhất khi được nạp đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng. Việc não bộ không được bổ sung vitamin B, sắt đồng thời dung nạp nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm, đồ uống không lành mạnh dễ khiến chức năng não bộ suy giảm. Về lâu dài, hệ thần kinh và cơ thể các em học sinh bị tổn thương sẽ để lại hậu quả khó lường.
2.3. Chế độ sinh hoạt
Học sinh, đặc biệt trong lứa tuổi vị thành niên, thường có những thay đổi bất thường trong cả thói quen và cơ thể, dẫn tới rối loạn thời gian biểu sinh hoạt. Thức khuya, dậy sớm, thiếu ngủ khiến não bộ không đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Các em dễ dàng gặp tình trạng đãng trí, hay quên.
2.4. Rối loạn cảm xúc
Tuổi dậy thì thường có sự thay đổi về mặt tâm sinh lý tình cảm mạnh mẽ. Tuy nhiên, thay vì chia sẻ những yêu, ghét, giận hờn cùng cha mẹ, người thân, các em lại che giấu và tự giải quyết theo cách riêng của mình. Nhiều trường hợp cách làm này gây tác dụng ngược, ức chế cảm xúc, ảnh hưởng tới não bộ và khả năng ghi nhớ của học sinh.
Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở lứa tuổi học sinh. Để xử lý và ngăn chặn kịp thời, không ảnh hưởng về lâu dài tới sức khỏe các em, cần sự phối hợp từ phụ huynh và chính các em một cách khoa học, chính xác.
3. Nên làm gì khi học sinh bị suy giảm trí nhớ?
3.1. Có nên sử dụng thuốc bổ não để cải thiện hội chứng suy giảm trí nhớ?
Trước tình trạng suy giảm trí nhớ ở học sinh diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong những kỳ thi, các bậc cha mẹ lựa chọn cho con em uống các loại thuốc bổ não, hoạt huyết dưỡng não,… Các loại thuốc này được quảng cáo, truyền miệng qua người thân, bạn bè mà không qua tư vấn của các bác sĩ. Tuy nhiên, điều này có thể đem lại hậu quả không ngờ tới.
Theo nghiên cứu, các loại thuốc hỗ trợ hệ thần kinh được bác sĩ chỉ định khi chữa trị một bệnh lý thần kinh nhất định. Tất cả dược phẩm hỗ trợ trí não không có tác dụng cho hệ thần kinh người bình thường. Nếu cố tình sử dụng không theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không những không giúp ích cho việc bổ trợ trí nhớ mà có thể gây ra tác dụng ngược cho não bộ. Nguy hiểm hơn, với các em học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên – độ tuổi hoàn thiện cơ thể, uống thuốc bổ não bừa bãi có thể làm tổn thương não bộ và những hệ quả sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài.
3.2. Các cách cải thiện hội chứng suy giảm trí nhớ?
Khi thấy con em mình có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và các em sử dụng dược phẩm bên ngoài. Thay vào đó, các bậc cha mẹ nên đưa các em tới gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp xử lý khoa học, đúng mực.
Bên cạnh sử dụng thuốc, một số phương pháp tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ được các chuyên gia khuyên dùng như:
– Thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các thực phẩm tốt cho trí não như dầu cá, các loại ngũ cốc, bông cải xanh, việt quất, cà chua,…
– Theo dõi và đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành, hoàn thiện tâm sinh lý
– Chăm lo chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ thích hợp
– Cùng con sắp xếp lại thời gian học tập, rèn luyện hợp lý, khoa học
– Con có thời gian chơi trò chơi trí tuệ, nâng cao khả năng ghi nhớ
Hội chứng suy giảm trí nhớ không phải bệnh lý nguy hiểm, nhưng nó để lại nhiều hệ quả cho học sinh nếu không được xử lý đúng mực. Hy vọng qua bài viết, các bậc phụ huynh đã có thêm những kiến thức về hội chứng này và biết cách cải thiện hiệu quả, giúp các em học sinh phát triển toàn diện, mạnh khỏe. Ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường, hãy đưa con em đi khám ngay để được các chuyên gia nội thần kinh chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp.