Những điều cần biết về các cách phòng chống bệnh trĩ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Bệnh trĩ thuộc nhóm bệnh hậu môn – trực tràng, đem lại rất nhiều phiền toái và ám ảnh cho người mắc. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần biết về căn bệnh này, cũng như cách phòng chống bệnh trĩ hiệu quả.

1. Giải thích bệnh trĩ

1.1. Tổng quan về bệnh trĩ

Bệnh trĩ (còn được biết đến với tên khoa học là hemorrhoids) là căn bệnh xảy ra bởi tình trạng giãn ra quá mức các đám rối tĩnh mạch hậu môn và trực tràng dưới.

Thông thường, dựa vào vị trí của các búi trĩ mà bệnh trĩ thường được chia thành hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Mỗi loại bệnh có đặc điểm và tính chất bệnh khác nhau. Bên cạnh hai loại bệnh riêng biệt, khi người bệnh mắc cả hai loại trĩ trên thì được gọi là bệnh trĩ hỗn hợp.

Trĩ nội là khi các búi trĩ nằm ở bên trên đường lược của hậu môn và trực tràng, thường nằm trong ống hậu môn. Người bệnh sẽ khó quan sát và nhận biết bệnh trong giai đoạn đầu. Chỉ khi các búi trĩ sa ra ngoài, bệnh mới có thể phát hiện được dễ hơn.

Đối với bệnh trĩ ngoại, các búi trĩ mọc và phân bố bên ngoài ống hậu môn và bên dưới đường lược. Vì đặc điểm này mà các búi trĩ ngoại dễ phát hiện hơn trĩ nội. Người bệnh có thể dễ dàng quan sát hoặc dùng tay phát hiện được búi trĩ.

Cách phòng chống bệnh trĩ

Hình ảnh mô tả bệnh trĩ

Bệnh trĩ nói chung thường được chia thành 4 cấp độ. Ở cấp độ 1 và 2, các búi trĩ còn nhỏ, đối với trĩ nội thì búi trĩ chưa sa ra ngoài. Hai cấp độ này thường được điều trị bằng thuốc. Đối với cấp độ 3,4  hoặc cấp độ 2 không đáp ứng điều trị nội khoa thì bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật, thủ thuật.

1.2. Nguyên nhân hình thành bệnh trĩ là gì?

Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh và các nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh trĩ vẫn chưa được xác định cụ thể mà mới dừng ở các giả thuyết. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng có những yếu tố được xem như là nguyên nhân tăng nguy cơ bị bệnh trĩ.

– Người bị bệnh táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài nhưng không được điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, bệnh nhân táo bón kinh niên là đối tượng có nguy cơ rất cao. Khi người bệnh rặn để đại tiện, áp lực lên ổ bụng, hậu môn và trực tràng tăng nhanh khiến cho các tĩnh mạch bị giãn ra.

– Người có thói quen rặn mạnh, ngồi quá lâu khi đi đại tiện.

– Chế độ ăn uống thiếu chất xơ trầm trọng gây ra táo bón hàng ngày.

– Người lười vận động hoặc người không có thời gian vận động thường xuyên, thường là dân văn phòng.

– Thường xuyên bê vác đồ vật nặng trong thời gian kéo dài.

– Uống quá ít nước, ăn quá độ đồ ăn cay nóng, đồ ăn mặn khiến cơ thể mất nước. Điều này dẫn đến phân bị cứng và sau đó là táo bón.

– Phụ nữ mang thai và rặn đẻ quá mạnh khi sinh thường.

– Quan hệ đồng giới quan hệ tình dục qua hậu môn và những người bị bệnh béo phì

1.3. Những biểu hiện điển hình của bệnh trĩ

– Cảm giác rất đau rát khi đi đại tiện. bệnh càng nặng càng đau. Trĩ ngoại gây đau hơn trĩ nội

– Bệnh trĩ gây chảy máu. Đặc biệt là đối với trĩ nội, lượng máu nhiều và tăng dần theo cấp độ. Ở mức độ trĩ nặng, máu có thể bắn ra thành tia.

–  Xuất hiện những cảm giác cộm ở hậu môn, có thể tự co vào hoặc không. Đây là biểu hiện đặc trưng của người bệnh trĩ.

– Dịch nhầy ở hậu môn tăng tiết gây ẩm ướt, nhớp nháp.

– Búi trĩ sa ra ngoài (đối với trĩ nội ở cấp độ nặng), viêm nhiễm, hoại tử búi trĩ ( trĩ ngoại ở cấp độ nặng)

Bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái khó chịu và đau đớn cho người mắc

Bệnh trĩ gây ra nhiều phiền toái khó chịu và đau đớn cho người mắc

2. Phòng chống bệnh trĩ như thế nào cho hiệu quả

Bệnh trĩ là căn bệnh có thể phòng chống được.Có thể cần duy trì những phương pháp đơn giản sau để ngăn ngừa trĩ hiệu quả cũng như hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

2.1. Cách phòng chống bệnh trĩ bằng việc thay đổi chế độ ăn uống

– Bổ sung chất xơ, các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin như rau, củ, quả xanh,..

– Tăng cường ăn các thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, đậu bắp, mồng tơi, thanh long,… để hạn chế tối đa nguy cơ táo bón, uống đủ nước

– Không sử dụng quá nhiều đồ cay nóng, chiên rán để tránh tạo áp lực lên hệ tiêu hóa nói chung.

– Không sử dụng các chất kích thích, sử dụng quá nhiều rượu bia,..

2.2. Cách phòng chống bệnh trĩ bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt

Thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động cũng là cách giải thiểu nguy cơ bệnh trĩ

– Nếu bạn là người làm văn phòng: Hãy thường xuyên vươn vai, tập một vài động tác nhẹ. Sau mỗi tiếng làm việc, hãy  đứng dậy đi lại một vài phút để giảm áp lực lên hậu môn và trực tràng, giảm áp lực ổ bụng.

– Nếu bạn là người béo phì, hãy giảm cân để tránh hậu môn và trực tràng nhận quá nhiều sức nặng

– Hạn chế bê vác đồ vật quá nặng trong thời gian dài

– Tập cho bản thân lịch sinh hoạt theo một đồng hồ sinh học lành mạnh. Nên đi đại tiện theo một giờ cố định và rặn đúng cách,..

– Thường xuyên ngâm hậu môn trong nước ấm từ 15-20p. Điều này sẽ giúp hạn chế tắc nghẽn mạch máu ở hậu môn, hạn chế nguy cơ gây ra bệnh trĩ.

3. Cách điều trị bệnh trĩ

Bệnh trĩ kể cả còn nhẹ thì cũng vẫn cần được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị. Tuyệt đối không tự chữa bệnh tại nhà theo các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng.

Có hai cách chữa trĩ tùy theo mức độ của bệnh như sau:

– Sử dụng các biện pháp nội khoa: Đối với người bệnh ở mức độ nhẹ như 1, 2, các bác sĩ sẽ cắt thuốc (có thể là thuốc ngoài da hoặc thuốc uống). Những loại thuốc này có thể cải thiện tình trạng tuần hoàn máu đến hậu môn. Ngoài ra, chúng có thể hạn chế tắc mạch và hỗ trợ làm teo nhỏ búi trĩ. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần phải đặc biệt tuân theo chỉ định của bác sĩ.

– Điều trị bằng các can thiệp ngoại khoa: các thủ thuật hoặc phẫu thuật cắt trĩ là bắt buộc khi bệnh đã đến giai đoạn nặng. Ở cấp độ 3,4 thì việc điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả nữa. Ngày nay có nhiều phương pháp cắt trĩ hiện đại, đặc biệt là phương pháp cắt trĩ Longo ít xâm lấn, ít đau. Phẫu thuật cắt trĩ sẽ xử lý sạch búi trĩ và hiện tượng sa mạch, tắc mạch.

Điều trị trĩ bằng phẫu thuật

Điều trị trĩ bằng phẫu thuật

Trên đây là những thông tin về cách phòng chống bệnh trĩ. Điều quan trọng trong phòng chống và điều trị bệnh trĩ là tính kịp thời. Cần phòng bệnh từ sớm và áp dụng hằng ngày. Đồng thời khi có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital