Những điều cần biết về bệnh thiếu máu nhược sắc ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Thiếu máu nhược sắc ở trẻ em có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, suy dinh dưỡng,… Đây là nguyên nhân chính gây chậm phát triển ở trẻ, nếu không được điều trị kịp thời.

1. Thông tin chung về thiếu máu nhược sắc ở trẻ

1.1 Chỉ số máu ở trẻ em

Bệnh thiếu máu được phân ba loại dựa trên số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố: thiếu máu ưu sắc, thiếu máu nhược sắc, thiếu máu đẳng sắc.

Thiếu máu nhược sắc (hypochromic anemia) là tình trạng trẻ bị suy giảm số lượng huyết sắc tố trong tế bào, đồng thời kích thước hồng cầu cũng biến đổi và nhạt màu hơn bình thường. Việc này làm giảm khả năng vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể của trẻ.

Hồng cầu bị nhược sắc

Hồng cầu bị nhược sắc

Hemoglobin là một protein nằm trong tế bào hồng cầu, có chức năng chính là vận chuyển oxy tới các mô để nuôi cơ thể.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trẻ em được chẩn đoán là thiếu máu nhược sắc khi lượng hemoglobin trong hồng cầu ở dưới mức sau:

– Trẻ 6 tháng đến 6 tuổi: dưới 110 g/l.

– Trẻ 6 đến 14 tuổi: dưới 120 g/l.

Các chỉ số sinh học được dùng để đánh giá thiếu máu nhược sắc bao gồm:

– Nồng độ huyết sắc tố trung bình ở hồng cầu (MCHC): < 280g/l

– Lượng huyết sắc tố trung bình ở hồng cầu (MCH): < 27pg (picogram)

– Thể tích hồng cầu trung bình trong máu (MCV): < 60fl (femtoliter)

2. Nguyên nhân thiếu máu nhược sắc ở trẻ

Bệnh thiếu máu ở trẻ em gây ra bởi những nguyên nhân sau:

– Bé bị thiếu sắt: tủy xương tạo ra huyết sắc tố nhờ vào sắt. Nếu trong cơ thể trẻ không có đủ chất sắt, đồng nghĩa với việc không thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố nuôi dưỡng các tế bào hồng cầu.

– Trẻ đang thiếu vitamin B12: bởi đây là loại vitamin có khả năng sản xuất đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nếu trong chế độ ăn của trẻ thiếu loại vitamin này cùng với các chất dinh dưỡng quan trọng khác sẽ làm giảm sản xuất hồng cầu và gây ra thiếu máu ở trẻ em.

– Trẻ đang mắc các bệnh lý liên quan đến bệnh thận, viêm ruột từng vùng và các bệnh viêm cấp tính hoặc mạn tính khác sẽ làm cản trở việc sản xuất các tế bào hồng cầu trong cơ thể của bé.

– Tủy xương bị ảnh hưởng do các bệnh như bệnh bạch cầu có thể gây thiếu máu bằng việc tác động đến quá trình sản xuất máu trong tủy xương.

– Đường tiêu hóa của bé không tốt: khi bé gặp phải các bệnh tiêu hóa chẳng như tiêu chảy, viêm loét dạ dày… sẽ tăng nguy cơ khiến bé bị xuất huyết trong, gây thiếu máu. Ngoài ra, việc này còn cản trở quá trình hấp thu sắt kém hơn đứa trẻ bình thường. Các loại ký sinh khuẩn đường ruột trú ngụ trong cơ thể của bé cũng có thể gây thiếu máu, thiếu sắt.

– Bệnh thalassemia: đây là dạng bệnh di truyền bẩm sinh, có khả năng gây phá hủy các tế bào hồng cầu quá mức, dẫn đến tình trạng thiếu máu ở trẻ em.

3. Thiếu máu nhược sắc ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh thiếu máu nhược sắc có tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ:

3.1 Toàn bộ cơ thể của trẻ

– Thiếu máu luôn làm trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong người, uể oải, lờ đờ, không muốn làm việc gì do cơ thể đang thiếu năng lượng.

– Trẻ lười hoạt động hơn do có thể quá mệt thậm chí kiệt sức. Nếu xảy ra lâu dài không được điều trị đúng, trẻ nhỏ còn chậm hoặc ngừng tăng cân, suy dinh dưỡng.

Khi bị thiếu máu, trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không tập trung

Khi bị thiếu máu, trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không tập trung

3.2 Thiếu máu nhược sắc ở trẻ em tác động đến hệ thần kinh

Nhu cầu oxy của não là rất lớn, chiếm tới 20% lượng oxy của cả cơ thể. Do vậy thiếu máu ở trẻ em sẽ không cung cấp đủ oxy cho não bộ, gây ra các biểu hiệu tổn thương hệ thần kinh điển hình như: đau đầu, hay hoa mắt, ù tai, giảm sút khả năng tư duy và nhận thức của trẻ nhỏ.

Ngoài ra, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trẻ bị thiếu máu sẽ không có khả năng tập trung như ngủ gật trong giờ học, mau quên.

3.3 Hệ tim mạch của bé bị tác động

Tim có chức năng co bóp vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Khi trẻ bị thiếu máu, đồng nghĩa việc tim phải làm việc nhiều hơn, để đảm bảo cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Do vậy, thiếu máu ở trẻ em gây ảnh hưởng rất lớn lên hệ tim mạch:

– Bé bị rối loạn nhịp tim do khi thiếu máu nhược sắc nhịp tim đập một cách bất thường.

– Tăng nguy cơ suy tim ở trẻ: tim của trẻ không được nuôi dưỡng đủ do thiếu máu.

3.4 Thiếu máu nhược sắc ở trẻ em tác động đến hệ hô hấp

Tình trạng thiếu máu sẽ khiến trẻ khó thở, thở nông, thở gấp. Trẻ hay gặp ở các trường hợp bị thiếu máu số lượng nhiều xảy ra đột ngột cấp tính điển hình như xuất huyết tiêu hóa, hoặc chấn thương gây mất máu. Ngoài ra, thiếu máu ở trẻ em còn là tác nhân khiến tóc trẻ khó mọc, rụng nhiều, móng tay giòn dễ gãy có khía.

4. Cách ngăn ngừa thiếu máu nhược sắc ở trẻ

Cách ngăn ngừa hiệu quả nhất bệnh thiếu máu nhược sắc ở trẻ em là mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt.

Cách ngăn ngừa hiệu quả nhất bệnh thiếu máu nhược sắc ở trẻ em là mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt.

Thiếu máu nhược sắc có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng cách cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Theo các bác sĩ chuyên khoa, dưới đây là một số cách để ngăn ngừa thiếu máu nhược sắc hiệu quả  bao gồm:

– Sau khi trẻ được 12 tháng tuổi, bố mẹ nên tránh cho bé uống sữa bò quá 500ml mỗi ngày do sữa này thường không có nhiều chất sắt mà hay gây ra chứng đầy bụng ở trẻ.

– Khi trẻ từ 3 tuổi trở lên, mẹ nên thiết lập chế độ ăn sự cân bằng với đa dạng các thực phẩm chứa sắt điển hình là thịt đỏ, lòng đỏ trứng, khoai tây, cà chua, đậu,…

– Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau lá xanh đậm, ngũ cốc, đậu xanh, đậu phộng… vì có hàm lượng folate và vitamin B12 cao, rất tốt cho quá trình sản xuất hồng cầu.

– Bổ sung thêm vitamin C vào khẩu phần ăn của trẻ vì những loại thực phẩm này giúp hỗ trợ khả năng hấp thu sắt.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bố mẹ hiểu rõ về bệnh thiếu máu nhược sắc ở trẻ nhỏ là gì, nguyên nhân, triệu chứng, và những hệ lụy của thiếu máu nhược sắc. Tình trạng này có thể dẫn đến suy tim và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, vì thế khi con có bất kì dấu hiệu nào bố mẹ nên cho trẻ đi khám ngay nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital