Những điều cần biết về bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sa sút trí tuệ được coi là hội chứng có tính chất mãn tính hoặc tiến triển tự nhiên. Trong đó, sự suy giảm chức năng nhận thức (khả năng tư duy) ở một người không được như kỳ vọng ở một người bình thường cùng độ tuổi có thể làm được. Vậy bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi nguyên nhân do đâu? Liệu có phải quá trình lão hóa đã khiến người cao tuổi bị sa sút trí tuệ hay không? Mời bạn tham khảo bài viết sau.

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Thực tế sa sút trí tuệ không phải là bệnh, mà là một hội chứng lâm sàng xảy ra bởi tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là tình trạng suy giảm các lĩnh vực như trí nhớ, khả năng tư duy, định hướng, ngôn ngữ, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ liên tiếp khác nhau. Sa sút trí tuệ có thể bắt gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, phổ biến nhất là Alzheimer với tỷ lệ từ 60 – 80% tổng số bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới, đi kèm với đó là sự gia tăng về tỷ lệ mắc bệnh. Người ta nhận thấy suy giảm trí nhớ có xu hướng tăng theo độ tuổi (tuổi 50 – 59 tỷ lệ khoảng 39%, tuổi 60 – 69 là 50%, ở tuổi 70 – 79 là 63% và ở tuổi trên 80 là 82%). Do đó, nhiều người lầm tưởng rằng sa sút trí tuệ là kết quả của quá trình lão hóa. Tuy nhiên chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi không nhất thiết là do hậu quả của quá trình lão hóa, vì chúng có thể do nhiều nguyên nhân khác.

Sa sút trí tuệ là gì

Sa sút trí tuệ thường xảy ra ở người cao tuổi, không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn cả tâm lý của người bệnh

2. Biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

2.1 Mất trí nhớ ngắn hạn

Cũng tương tự như mất trí nhớ sau tai biến mạch máu não, ở giai đoạn đầu, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi có những dấu hiệu mất trí nhớ gần thường xuyên xảy ra. Điển hình là người bệnh không nhớ các sự kiện vừa xảy ra hoặc những lời nói, suy nghĩ mà học vừa nghe, vừa nói hay nghĩ đến.

Khi bệnh tăng nặng hơn, người bệnh sẽ dần quên cả những sự kiện xảy ra vào ngày hôm trước, thậm chí một vài ngày trước hay tuần trước, quên đi những người vừa mới gặp…

Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Người bệnh sa sút trí tuệ thường bị mất trí nhớ trong khoảng thời gian gần, có thể quên ngay những điều vừa nói, nghĩ hay nghe thấy

2.2 Rối loạn chức năng định hướng

Mức chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi sẽ gây ảnh hưởng lớn tới khả năng định hướng. Người bệnh có thể thường xuyên quên đường về nhà, đường đến các địa điểm quen thuộc. Dần dần, bệnh chuyển nặng hơn có thể khiến họ hoàn toàn mất đi định hướng về không gian hay thời gian.

2.3 Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gây rối loạn chức năng hoạt động

Khi trí nhớ và khả năng định hướng suy giảm, người bệnh cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động của bản thân, ngay cả các hoạt động đơn giản hàng ngày như ăn uống hay vệ sinh cá nhân.

Thậm chí, việc duy trì các công việc khác cũng gặp cản trở, người bệnh có thể quên đi cách sử dụng đồ dùng, thiết bị trong gia đình như máy giặt, điện thoại di động, không thể nhớ các phương thức nấu ăn,…

Khi bệnh tiến vào giai đoạn nặng, người bệnh thậm chí mất hẳn các kỹ năng hoạt động cơ bản hàng ngày. Các rối loạn về hoạt động là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bệnh đã chuyển nặng ở người cao tuổi.

2.4  Rối loạn về ngôn ngữ

Một dấu hiệu nữa có thể nhận thấy nhanh chóng ở người già đó là hiện tượng rối loạn về ngôn ngữ. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong khi giao tiếp, dùng từ sai, phát âm sai, khó có thể biểu đạt ý mình muốn, nói lắp…

3. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ thường xuất phát từ việc não bị tổn thương dẫn đến chức năng não bộ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sa sút trí tuệ ở người già thường là do sự lão hóa gây ra. Theo các nghiên cứu, từ 25 tuổi trở lên, mỗi ngày sẽ có 3000 tế bào thần kinh chết đi mà không thể phục hồi hay sản sinh thêm. Độ tuổi càng cao sẽ khiến tình trạng này gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, một số nguyên nhân phổ biến khác cũng gây ra chứng sa sút trí tuệ bao gồm:

– Do rối loạn mạch máu gây tắc nghẽn hoặc giảm lưu thông máu đến não

– Chấn thương sọ não do tai nạn xe, ngã, chấn động…

– Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như viêm màng não, HIV…

– Lạm dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác trong một thời gian dài

– Bệnh tràn dịch não do tích tụ chất lỏng ở não

4. Giải pháp kiểm soát sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ ở người già cũng giống như các bệnh về thần kinh khác, cần được điều trị từ sớm kết hợp với các biện pháp để phục hồi. Để đạt hiệu quả trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ một số biện pháp sau:

4.1 Thăm khám định kỳ kiểm soát bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người già, người nhà cần đưa bệnh nhân đến thăm khám ngay tại các chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị, kiểm soát các triệu chứng phù hợp. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà hay áp dụng các mẹo, tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Chụp cộng hưởng từ MRI não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất phát hiện chính xác các vấn đề về thần kinh, não bộ như tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não, sa sút trí tuệ, …

4.2 Tác động điều trị tâm lý

Như đã đề cập, chứng sa sút trí tuệ ở người già gây ra hiện tượng giảm sút trí nhớ cũng như ảnh hưởng tới nhiều chức năng khác liên quan đến não bộ. Chính vì vậy, tình trạng này có thể gây khó khăn rất nhiều đối với người bệnh cũng như người thân của người bệnh trong cuộc sống hàng ngày.

Điều này thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người bệnh dẫn đến tình trạng sa sút tinh thần, lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân.

Vậy nên việc kết hợp điều trị tâm lý trong quá trình điều trị sa sút trí tuệ là điều vô cùng cần thiết, góp phần khích lệ người bệnh tìm được niềm vui trong cuộc sống, loại bỏ những mặc cảm và có thêm động lực để tiếp nhận các điều trị phục hồi dễ dàng hơn.

4.3 Điều trị phục hồi chức năng

Hầu hết tại các trung tâm phục hồi chức năng hoặc các cơ sở y tế lớn sẽ có các thiết bị hiện đại, hỗ trợ kiểm soát và điều trị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm có môi trường thích hợp để người bệnh có thể tiếp nhận điều trị một cách hiệu quả nhất.

Ngoài việc tập luyện phục hồi chức năng, người bệnh cũng cần tập luyện thể dục đều đặn và thường xuyên rèn luyện trí não bằng cách chơi cờ, đọc sách báo hay tham gia các hoạt động cộng đồng để cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ.

Trên đây là những thông tin mang tính tham khảo về chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Từ đó giúp người bệnh có các biện pháp phòng tránh cũng như kiểm soát tình trạng bệnh. Tuy nhiên, việc này không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Nếu đã mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, chủ động thăm khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng/ lần để kiểm soát bệnh và chắc chắn việc điều trị đang đi đúng hướng. Nếu đang có dấu hiệu nghi ngờ thì cần thăm khám ngay tại chuyên khoa nội thần kinh để được khám và điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital