Những di chứng đột quỵ phổ biến và khả năng phục hồi

Tham vấn bác sĩ

Không chỉ có tỷ lệ tử vong cao, đột quỵ còn có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho người bệnh ngay cả khi họ đã được cứu sống. Các di chứng đột quỵ phổ biến là gì và khả năng phục hồi của người bệnh ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Nguy cơ gặp phải di chứng ở các bệnh nhân đột quỵ 

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một cấp cứu nội khoa rất nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này lên tới 50%. Trên thế giới, cứ mỗi 3 phút lại có 1 người tử vong do đột quỵ. Những người bệnh may mắn được cứu sống thì khả năng gặp phải di chứng, thậm chí những di chứng nặng nề là rất cao.   

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên chủ động thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ. Trong đó đối với các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được chẳng hạn như lối sống, chế độ ăn uống, các bệnh lý (huyết áp cao, đái tháo đường, đường máu, mỡ máu, béo phì…), nếu được phát hiện bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên để thay đổi cải thiện các chỉ số sức khỏe. Hoặc trong trường hợp nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn bác sĩ sẽ chỉ định điều trị, theo dõi thông qua các buổi tái khám để đảm bảo các chỉ số không vượt quá mức.

Nguy cơ gặp phải di chứng ở bệnh nhân đột quỵ

Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề.

2. Những di chứng đột quỵ thường gặp

2.1 Vận động khó khăn – Di chứng đột quy phổ biến nhất

Liệt vận động là một trong những di chứng thường gặp nhất sau đột quy, có thể chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhưng cũng có thể theo suốt cuộc đời. Đây là tình trạng giảm khả năng vận động một cơ quan hoặc một phần cơ thể bao gồm:

– Liệt mặt

– Liệt tay chân

– Liệt nửa người

– Tê bì, khó chịu trên cơ thể

Có tới 92%  bệnh nhân đột quỵ gặp phải di chứng này, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và phải nhờ tới sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình. 

Trên thực tế, di chứng liệt vận động có thể phục hồi nhanh chóng nếu tổn thương của người bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tình trạng này kéo dài, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, như cứng khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu,… Việc nằm một chỗ quá lâu cũng gây ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn.

2.2 Suy giảm khả năng nhận thức

Tai biến mạch máu não gây tổn thương não, dẫn tới sự suy giảm trí tuệ và khả năng nhận thức của người bệnh. Nhiều chuyên gia nhận định đây là di chứng đột quỵ nặng nề nhất đối với bệnh nhân.

Các triệu chứng biểu hiện gồm: 

– Hay quên

– Nhiều lúc không tỉnh táo

– Giảm khả năng ghi nhớ những thông tin mới

– Không nhận ra người thân… 

Di chứng tai biến này khá phổ biến và gây ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là khi họ phải làm những công việc phức tạp, cần tư duy và đòi hỏi có trí nhớ tốt. 

Khả năng phục hồi của bệnh nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng của cả người bệnh và người nhà.

Tình trạng suy giảm nhận thức ở những người bệnh đột quỵ

Người bệnh đột quỵ có nguy cơ bị suy giảm nhận thức do não bị tổn thương.

2.3 Rối loạn ngôn ngữ

Sau tai biến, khả năng sử dụng ngôn ngữ của bệnh nhân có thể bị rối loạn do não bộ bị tổn thương, dẫn đến khả năng giao tiếp bị hạn chế khá nhiều. Cụ thể bệnh nhân sẽ:

– Nói lắp bắp

– Nói ngọng

– Nói khó nghe

– Giao tiếp chậm chạp

– Khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn tả

2.4 Rối loạn cảm xúc

Tình trạng rối loạn cảm xúc cũng là vấn đề nhiều bệnh nhân đang phải đối mặt. Nguyên nhân là do:

– Lo lắng về bệnh tật

– Cảm thấy tự ti, cho rằng mình trở thành gánh nặng đối với những người thân trong gia đình

Nếu không được quan tâm chăm sóc, chia sẻ, động viên thường xuyên, bệnh nhân rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, hay cáu giận hoặc tự dằn vặt bản thân mình,… thậm chí dẫn đến trầm cảm. 

2.5 Rối loạn tiểu tiện

Nhiều người bệnh sau cơn đột quỵ có thể gặp phải tình trạng mất kiểm soát đại, tiểu tiện. Nguyên nhân có thể do tình trạng yếu liệt hoặc rối loạn cơ vòng. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm đường tiết niệu nếu bệnh nhân không được chăm sóc và vệ sinh kỹ càng. 

3. Khả năng phục hồi của người bệnh

3.1 Khả năng phục hồi của người bệnh sau di chứng đột quỵ

Khả năng phục hồi các di chứng sau đột quỵ của mỗi người bệnh là khác nhau, tùy theo nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương não và sự chăm sóc của người nhà. 

Nhưng thông thường các di chứng vận động sẽ dễ phục hồi, người bệnh thường chỉ cần tích cực vận động, tập các bài tập vật lý trị liệu là khả năng vận động có thể dần cải thiện. 

Trong khi đó những di chứng liên quan đến khả năng tư duy, giao tiếp hay cảm xúc có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, đòi hỏi người thân và bệnh nhân phải cố gắng kiên trì từng ngày.

3.2 Cách khắc phục các di chứng đột quỵ

Để giúp người bệnh vượt qua các di chứng này, người nhà cần:

– Thường xuyên trò chuyện, động viên người bệnh, giúp họ bớt cảm giác tự ti, tránh tự cô lập mình với thế giới xung quanh

– Khuyến khích người bệnh tập các bài tập nói, bắt đầu bằng những từ ngữ đơn giản đến phức tạp, từ một từ, cụm từ đến cả câu

– Cho người bệnh tham gia vào các hội nhóm để người họ trở nên vui vẻ, hoạt bát hơn

– Tập các bài tập rèn luyện khả năng tư duy, ví dụ những trò chơi đố chữ, xếp hình, cờ tướng, cờ vua,…

– Rèn luyện trí nhớ, sử dụng các công cụ hỗ trợ như lịch, ghi chú,…

– Thực hiện xoa bóp, bấm huyệt, giúp thư giãn tinh thần

Cách cải thiện, phục hồi các di chứng sau đột quỵ não

Để phục hồi sau tai biến, người bệnh và người nhà cần hết sức kiên trì.

Có thể thấy các di chứng đột quỵ rất đa dạng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi của người bệnh. Những biện pháp tập luyện phù hợp, sự kiên trì của người bệnh và người thân có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phục hồi sau tai biến. Trong quá trình phục hồi, đừng quên thường xuyên thăm khám để kiểm tra mức độ cải thiện và được tư vấn hướng khắc phục phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital