Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc sốt xuất huyết

Tham vấn bác sĩ

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến có thể diễn ra ở nhiều mức độ. Trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể không cần điều trị nội trú. Thế nhưng có những trường hợp sốc sốt xuất huyết, đặc biệt là ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều biến chứng. Thậm chí, tính mạng trẻ có thể bị đe dọa. Sau đây là những dấu hiệu nhân biết trẻ bị sốc sốt xuất huyết cần lưu ý.

1. Thế nào là sốc sốt xuất huyết?

Trên thực tế có tới 20 triệu người nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong đó, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 1-2%. Căn bệnh này có những triệu chứng biểu hiện khá rộng. Từ việc nhiễm trùng không triệu chứng cho tới triệu chứng nhẹ, các mức độ giảm tiểu cầu, … đều có thể xảy ra. Đặc biệt, hội chứng sốc sốt xuất huyết là biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết.

Sốc sốt xuất huyết là biến chứng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao. Thông thường, bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng diễn ra do nhiễm trùng thứ phát cùng một chủng virus khác.

2. Khi nào tình trạng sốc sốt xuất huyết có nguy cơ xảy ra?

Sốc sốt huyết là tình trạng thường xảy đến ở lần nhiễm trùng sau. Điều này có nghĩa khi bệnh nhân đã có miễn dịch với virus Dengue chủ động. Miễn dịch này có được là bởi từng mắc bệnh hoặc miễn dịch thụ động nhờ mẹ truyền cho con.

Sốc sốt xuất huyết thường xuất hiện khá nặng và đột ngột. Thời điểm thường mắc là khoảng sau 2-5 ngày khi bệnh nhân đã bắt đầu hạ sốt. Thông thường, sốt xuất huyết 3 ngày đầu, bệnh nhân sẽ sốt cao cho tới ngày thứ 4 thì giảm dần. Thế nhưng, giai đoạn này có thể xảy ra một trong hai tình trạng. Thứ nhất là giảm tiểu cầu dẫn tới xuất huyết. Tình trạng thứ hai là tăng tính thấm thành mạch và gây thoát mạch.

Khi bệnh nhân bị thoát mạch quá nhiều sẽ khiến mất thể tích huyết tương ở trong lòng mạch. Từ đó, người bệnh có thể rơi vào tình trạng bị sốc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây sốc sốt xuất huyết. Tình trạng này kèm theo bị mất nước và chất điện giải sẽ khiến sốc nặng hơn.

3. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc sốt xuất huyết

trẻ bị sốc sốt xuất huyết

Tình trạng trẻ sốc sốt xuất huyết có thể nhận thấy với nhiều dấu hiệu

Sau đây là một số biểu hiện của tình trạng trẻ sốc sốt xuất huyết:

– Trẻ bị đau bụng cấp tính.

– Trẻ nôn liên tục, nôn ra máu hoặc có lẫn cả máu ở trong phân.

– Trẻ bị thở gấp và thấy khó thở.

– Trẻ bị chảy máu chân răng.

– Trẻ ít tiểu tiện hơn.

– Cơ thể trẻ thấy mệt mỏi, bứt rứt.

– Chân tay trẻ lạnh.

– Tình trạng trẻ bị xuất huyết diễn ra nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết nặng còn có những biểu hiện của suy tạng như bị viêm cơ tim, viêm não, viêm gan nặng. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện những tình trạng bị chảy máu cam nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu oxy mô và toàn chuyển hóa. Nếu như bố mẹ nhận thấy trẻ có những biểu hiện này thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

4. Mức độ nguy hiểm của sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

trẻ bị sốc sốt xuất huyết

Sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời và phù hợp có thể gây nguy hiểm tính mạng

Phần lớn những người mắc bệnh sốt xuất huyết đều có thể hồi phục chỉ sau vài ngày bị đau nhức và sốt. Thế nhưng ở một số trường hợp, bệnh có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng.

Đối với trẻ em, sốt xuất huyết có thể chuyển biến thành sốc nguy hiểm khi huyết tương thoát khỏi những mạch máu nhỏ. Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng tương đối đa dạng. Diễn biến bệnh cũng nhanh từ thể nhẹ chuyển tới nặng. Bệnh sẽ thường có sự khởi phát đột ngột, diễn biến với 3 giai đoạn. 3 giai đoạn bao gồm: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và tới giai đoạn hồi phục.

Ở giai đoạn nguy hiểm, sốt xuất huyết sẽ có thể có biểu hiện bị sốc, suy tuần hoàn cấp. Khi đó, trẻ sẽ thấy bứt rứt, vật vã, li bì. Chân tay trẻ có thể lạnh ấm, mạch nhanh nhỏ. Kiểm tra có thể thấy huyết áp trẻ bị kẹt, hiệu số huyết áp tối đa, tối thiểu sẽ từ 20 mmHg trở xuống hoặc không đo được.

5. Phương pháp giúp điều trị hiệu quả sốc sốt xuất huyết

sốt xuất huyết

Tùy vào tình trạng cụ thể, sốc sốt xuất huyết ở trẻ có thể được chỉ định điều trị khác nhau

Tình trạng sốc sốt xuất huyết nếu được điều trị kịp thời có thể nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, nếu như trẻ không được phát hiện tình trạng sốc sớm có thể gây kéo dài, khó hồi phục và dẫn tới suy đa phủ tạng. Trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ nguy hiểm tính mạng.

5.1 Sốc sốt xuất huyết Dengue

Trong trường hợp này, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định truyền ngay Ringer Lactat hoặc NaCl 0,9%. Nếu sau đó, tình trạng bệnh nhân được cải thiện thì tốc độ truyền sẽ giảm xuống. Tiếp đến dịch điều trị sốt xuất huyết sẽ được truyền. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng bệnh nhân không cải thiện sẽ cần lập tức truyền dung dịch cao phân tử 15-20 ml/kg/h.

Với trường hợp bệnh nhân sốc nặng sẽ cần cấp cứu bằng cách cho đầu bệnh nhân đặt thấp và tiến hành thở oxy. Dung dịch Ringer Lactat hoặc NaCl 0,9% sẽ được truyền nếu:

– Tình trạng mạch rõ, HA không còn bị kẹt.

– Mạch vẫn nhanh và HA bị kẹt. Sau khi truyền, nếu tình trạng vẫn không cải thiện thì cần truyền dịch như là sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

5.2 Sốc sốt xuất huyết Dengue kèm xuất huyết

Quy trình thực hiện xử trí tình trạng sốc sốt xuất huyết có kèm xuất huyết cần thực hiện như dưới đây:

– Trong lúc chờ hồng cầu lắng thì bệnh nhân tiếp tục được chống sốc với dung dịch điện giải.

– Truyền hồng cầu lắng.

– Điều chỉnh lại vấn đề rối loạn đông máu.

– Xử lý việc cầm máu: Băng ép lại tại chỗ và thực hiện nhét mechè mũi, nội soi cầm máu phần dạ dày, tá tràng, …

– Xem xét sử dụng thuốc ức chế bơm proton nếu bệnh nhân có biểu hiện của gợi ý xuất huyết hoặc tiền sử viêm loét dạ dày.

Sau quá trình thực hiện điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện nếu đảm bảo những tiêu chí sau:

– Sau 2 ngày đều không có biểu hiện bị sốt, tinh thần thoải mái, tỉnh táo.

– Tình trạng huyết áp, mạch không có gì bất thường.

– Không có biểu hiện của việc khó thở hay suy hô hấp.

– Số lượng tiểu cầu đã có khuynh hướng phục hồi.

Trẻ bị sốc sốt xuất huyết là một tình trạng khá đáng ngại bởi có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhi. Trước tình trạng này, để đạt hiệu quả điều trị tốt, cha mẹ nên cho con đến các bệnh viện uy tín, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ chuyên môn cao để thực hiện điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital