Rối loạn vận động là tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng điều khiến các cơ của cơ thể, khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động. Vậy hội chứng rối loạn này có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu về những dạng rối loạn thường gặp qua bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về rối loạn vận động
Rối loạn vận động là cụm từ dùng để chỉ một nhóm các hoạt động bất thường do hệ thần kinh gây ra. Thông thường, mỗi chuyển động của cơ thể là sự phối hợp và tương tác của não bộ, các dây thần kinh, tủy và cơ bắp. Khi một trong các cơ quan này bị tổn thương, không thể phối hợp trơn tru sẽ gây ra rối loạn.
Các dạng rối loạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị tổn thương. Trong đó có 3 vùng thường gặp nhất:
– Vùng não điều khiển vận động: Hậu quả gây ra là các cơ sẽ bị yếu, bị liệt hoặc phản xạ tăng lên bất thường.
– Vùng tiểu não: Tiểu não nằm ở phía sau cuối của hộp sọ. Nó có chức năng điều khiển các hoạt động của cơ bắp. Nếu vùng này bị tổn thương sẽ dẫn đến mất khả năng phối hợp động tác.
– Hạch nền: Đây là nơi tập hợp các tế bào thần kinh ở đáy não, có chức năng điều khiến sự phối hợp các cử động. Các tổn thương ở vùng này sẽ làm động tác bị chậm lại hoặc xuất hiện những động tác bất thường.
Những rối loạn ban đầu chỉ xuất hiện tạm thời, nhưng nếu không được cải thiện thì có thể sẽ chuyển sang mạn tính.
2. Các rối loạn vận động thường gặp
Hội chứng này có thể gây ra các động tác tự nguyện, không tự nguyện, bất thường hoặc vận động chậm.
2.1 Rối loạn vận động thất điều
Thất điều là triệu chứng xảy ra do tổn thương tủy sống, não hoặc thân não. Các triệu chứng bao gồm: mất thăng bằng, động tác vụng về, run hoặc phối hợp động tác kém. Khi đó, các vận động của cơ thể không còn trơn tru mà rời rạc hoặc giật giật. Hậu quả là người bệnh thường bị ngã do không thể đứng vững. Bên cạnh đó, thất điều còn ảnh hưởng đến vận động mắt và lời nói của người bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến thất điều là do đột quỵ, u não, bại não hoặc lạm dụng rượu và một số loại thuốc. Việc điều trị thất điều sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Trong nhiều trường hợp, khung tập đi hoặc gậy sẽ giúp người bệnh cải thiện được vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
2.2 Rối loạn vận động Parkinson
Bệnh Parkinson là một loại rối loạn thần kinh, phát triển từ từ và khiến người bệnh có những vận động bất thường. Bệnh Parkinson có các triệu chứng phổ biến như:
– Run (trường hợp này khác với run vô căn, xảy ra khi nghỉ)
– Cứng cơ chân, tay, chuyển động chậm
– Khả năng thăng bằng giảm, dễ bị ngã khi di chuyển
– Trí nhớ bị suy giảm, rối loạn giấc ngủ
– Ảo giác, lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần,…
– Rối loạn tư thế, giọng nói, chữ viết,…
Điều trị Parkinson chủ yếu là dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng và vấn đề tầm thần. Ngoài ra, người bệnh còn phải kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt với vận động thể thao để giảm triệu chứng và tăng cường sức khỏe.
2.3 Loạn trương lực cơ
Loạn trương lực cơ là tình trạng các cơ bị co lại không kiểm soát dẫn đến các chuyển động lặp đi lặp lại. Những cử động không kiểm soát này thường xảy ra ở mí mắt, cánh tay, chân, dây thanh âm,…
Một vài dấu hiệu sớm của loạn trương lực cơ có thể gặp là:
– Chân bị chuột rút
– Nháy mắt không kiểm soát được
– Giật không tự chủ ở cổ
– Khó để phát âm
Nguyên nhân gây loạn trương lực cơ là do đột biến gen hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm loạn trương lực cơ nhưng dùng thuốc có thể làm giảm triệu chứng và diễn biến của bênh.
2.4 Bệnh Huntingto
Đây là một bệnh di truyền, gây thoái hóa các tế bào thần kinh não. Thoái hóa thần kinh dẫn đến tình trạng rối loạn về vận động, tâm thần và nhận thức.
Các triệu chứng thường gặp ở những người bệnh này là: giật cơ, khó nói, cử động chân tay không kiểm soát, sa sút trí tuệ,… Bệnh Huntington thường khởi phát ở độ tuổi 30 đến 40. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, chống loạn thần… để làm giảm các triệu chứng.
2.5 Run vô căn
Run vô căn là tình trạng rung lắc một bộ phận cơ thể mà bạn không thể kiểm soát được. Phần cơ thể run thường gặp nhất là bàn tay, cánh tay và đầu.
Đây là bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường xuất hiện khi người bệnh làm những việc đơn giản như cầm cốc nước hoặc buộc dây giày. Nếu tình trạng nghiêm trọng, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong nói, viết hoặc thường xuyên làm rơi vỡ đồ.
2.6 Hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette có biểu hiện là các cử động lặp đi lặp lại hay còn gọi là chứng giật cơ. Bệnh phổ biến nhất ở lứa tuổi 6 đến 15 và nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn. Các dấu hiệu giật cơ thường gặp là giật đầu, nháy mắt hoặc nhăn nhó liên tục.
Những cử động bất thường do hội chứng Tourette có thể là co giật dây thanh quản khiến người bệnh phát ra những âm thanh không mong muốn, những hành động đấm, đá hoặc những cơn thở gấp đến bất ngờ. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cho người bệnh tự ti, trầm cảm.
2.7 Một vài rối loạn khác
– Liệt cứng: Tình trạng gia tăng co cơ sẽ khiến các cơ bị cứng lại, làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và vận động của chân tay.
– Bệnh Wilson: Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp và gây ra các rối loạn về thần kinh.
– Loạn động chậm: Biểu hiện là các cử động lặp đi lặp lại như nhăn mặt, chớp mắt liên tục mà không kiểm soát được.
Rối loạn vận động có rất nhiều dạng khác nhau, biểu hiện và triệu trứng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hội chứng này không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng làm giảm khả năng sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, bạn hãy khám bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời.