Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em là tình trạng phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu của trẻ. Bệnh thường xảy ra ở bé gái nhiều hơn vì niệu đạo của bé gái thường ngắn. Khoảng 3% bé gái mới có 1% bé trai. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm đường tiết niệu, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu,…

Hình minh hoạ nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em - hệ tiết niệu

Hình minh hoạ nhiễm trùng đường tiểu – hệ tiết niệu

1. Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ

Những tác nhân thường được tìm thấy khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • E. Coli là tác nhân phổ biến nhất, chiếm xấp xỉ 80%.
  • Các tác nhân vi khuẩn khác như Klebsiella, Proteus, liên cầu nhóm B (gặp nhiều ở trẻ sơ sinh).
  • Virus (adenovirus, enterovirus, coxsakievirus,…) và nấm Candida.

Các nguyên nhân nhiễm trùng này có thể lây qua 3 con đường: đường máu, từ những cơ quan kế cận, hay gặp nhất là do nhiễm trùng ngược dòng.

2. Tác nhân dễ gây nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ

  • Bất thường đường tiết niệu như trào ngược bàng quang – niệu quản, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản.
  • Bất thường ở thận: thận ứ nước hay tắc nghẽn.
  • Bệnh lý thần kinh bàng quang (bệnh lý tủy sống, chấn thương, tật nứt đốt sống…)
  • Sỏi thận.
  • Bất thường về chức năng: táo bón, tiêu không tự chủ, làm rỗng bàng quang không đầy đủ.
  • Yếu tố môi trường: xà phòng tắm, giun kim, vệ sinh kém, lạm dụng tình dục.
  • Tật dính môi lớn ở trẻ gái và hẹp bao quy đầu ở trẻ trai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.

3. Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

Triệu chứng đau hạ vị trong nhiễm trùng đường tiểu

Triệu chứng đau hạ vị trong nhiễm trùng đường tiểu

3.1 Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi

Khó có thể phát hiện nhiễm trùng đường tiểu vì các biểu hiện của trẻ rất mơ hồ và nhiều khi không liên quan đến đường tiết niệu.

Các dấu hiệu có thể giúp ích như:

  • Trẻ đã có tiền sử nhiễm trùng tiểu trước đó, sốt cao > 40 độ C, sốt hơn 24 giờ, đau tức trên xương mu, nhất là ở trẻ có hẹp bao quy đầu.
  • Một số trẻ đôi khi chỉ có sốt là triệu chứng duy nhất của bệnh.
  • Ngoài ra còn gặp một số triệu chứng kém phổ biến khác như vàng da, kích thích, bú kém,…

3.2 Đối với trẻ lớn

  1. Các triệu chứng có thẻ rõ ràng hơn vì trẻ có thể nói khi trẻ cảm thấy khó chịu. Trẻ có thể kêu đau vùng bụng dưới hoặc lưng kèm theo sốt. Đồng thời, trẻ khóc khi đi tiểu vì đau hoặc tiểu lắt nhắt nhiều lần, tiểu máu…. Nếu trẻ có sốt, ớn lạnh kèm đau vùng hông gợi ý một trường hợp viêm thận bể thận.
  2. Đôi khi một số trẻ có tình trạng lùn, tăng cân kém hoặc tăng huyết áp có thể do tình trạng nhiễm trùng đường tiểu đã xảy ra từ trước nhưng không được chẩn đoán sớm.
  3. Nếu nguyên nhân gây ra những triệu chứng trên ở trẻ là một tình trạng viêm thận bể thận và không được điều trị ngay lập tức. Vi khuẩn có thể lây lan vào máu gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng hoặc tổn thương thận vĩnh viễn.

4. Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ

Để chẩn đoán nhiễm trùng tiểu ở trẻ em cần phải tìm được bằng chứng có sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu. Vì vậy, xét nghiệm nước tiểu phải có sự nhiễm trùng trong nước tiểu và cấy vi khuẩn dương tính.

Để xét nghiệm nước tiểu được chính xác, cần phải lấy nước tiểu đúng cách. Có 4 cách lấy nước tiểu ở trẻ:

  • Lấy nước tiểu giữa dòng: được khuyến cáo vì dễ thực hiện và tương đối an toàn. Trẻ được rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch và xà phòng buổi tối hôm trước và buổi sáng trước khi lấy nước tiểu. Khi trẻ đi tiểu, loại bỏ nước tiểu đầu bãi, lấy nước tiểu giữa dòng vào dụng cụ vô khuẩn.
  • Lấy nước tiểu bằng túi hứng nước tiểu vô trùng dành cho trẻ dưới 2 tuổi: được sử dụng ở những trẻ đi tiểu không tự chủ hoặc những trường hợp cấy nước tiểu giữa dòng bị tạp nhiễm.
  • Lấy nước tiểu bằng sonde tiểu: chỉ thực hiện khi không thể lấy mẫu bằng các cách trên và hay dùng ở trẻ sơ sinh.
  • Lấy nước tiểu bằng cách chọc hút trên xương mu: hạn chế sử dụng.

Những xét nghiệm cần làm:

Siêu âm hệ thận tiết niệu: là phương tiện để tìm các dị tật hệ tiết niệu, các bất thường bàng quang vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ. Ngoài ra siêu âm còn giúp đánh giá kích thước và chủ mô thận.

  • Chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng: để tìm dòng trào ngược bàng quang – niệu quản, vale niệu đạo sau.
  • Chụp UIV: khi có bất thường qua siêu âm thận hoặc bất thường trong kết quả chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng hoặc ở những trẻ nhiễm trùng tiểu tái phát. Phim UIV cũng giúp đánh giá tình trạng chức năng thận và hình dạng của đường tiết niệu của trẻ.

5. Điều trị nhiễm trùng đường tiểu

5.1 Tìm nguyên nhân

Khi tình trạng nhiễm trùng đã khỏi, trẻ cần phải được làm một số xét nghiệm để tìm hiểu xem liệu có bất thường nào ở hệ tiết niệu của trẻ hay không. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tiểu tái phát. Ngoài ra, trẻ cũng cần được làm thêm xét nghiệm để đánh giá xem thận có bị tổn thương không.

5.2 Điều trị

Mục đích của điều trị là loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiểu và giúp bảo vệ chức năng thận. Tất cả các trường hợp này đều được điều trị chủ yếu bằng kháng sinh. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, vị trí của đường tiết niệu bị nhiễm trùng hay đáp ứng lâm sàng của trẻ mà bác sĩ sẽ lựa chọn các loại kháng sinh khác nhau.
Thường sau một liệu trình điều trị kháng sinh hiệu quả, tình trạng nhiễm trùng sẽ khỏi. Khoảng 5-10 ngày đối với nhiễm trùng bàng quang và 14 ngày đối với viêm thận bể thận.

Nếu trẻ đã có biến chứng hoặc diễn biến lâm sàng không thuận lợi, thời gian điều trị có thể dài hơn. Điều quan trọng là mặc dù trẻ có hết triệu chứng đi chăng nữa thì vẫn phải tuân thủ đủ liệu trình điều trị

6. Làm gì để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ?

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em

Dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhưng thay đổi một số thói quen có thể có lợi:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh.
  • Uống nhiều nước hơn để tăng lưu lượng nước tiểu giúp tống vi khuẩn ra ngoài.
  • Thải sạch nước tiểu trong bàng quang bằng cách đi tiểu thường xuyên, không nhịn tiểu. Vì nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu có thể tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
  • Điều trị táo bón nếu có.
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: thay tã thường xuyên. Sau mỗi lần đi tiêu, vệ sinh cho bé gái bằng cách lau từ trước ra sau chứ không được lau từ sau ra trước vì điều này có thể mang vi khuẩn từ hậu môn đến niệu đạo của trẻ.

Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em là loại bệnh nhiễm trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt những trẻ sinh hoạt trong điều kiện môi trường sống khó khăn, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Quần áo, bỉm, cách vệ sinh bộ phận sinh dục của bé không đảm bảo làm lây nhiễm vi khuẩn từ phân, nước tiểu lên đường tiết niệu. Đặc biệt ở trẻ gái, lưu ý khi đi vệ sinh (đại tiện hay tiểu tiện) cần lau từ trên xuống dưới không lau ngược lại để tránh vi khuẩn xâm nhập vào bộ phận sinh dục gây nhiễm trùng hệ tiết niệu và một số bệnh lý phụ khoa.

Khi nghi ngờ bé có các biểu hiện nhiễm trùng tiểu, phụ huynh nên cho con đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital