Nhiễm HP dương tính có tự khỏi trở lại không?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HP thuộc top cao nhất thế giới với trên 70% tổng dân số mắc bệnh. Câu hỏi được đặt ra là, nhiễm khuẩn HP có thể tự khỏi không, nếu không thì cần tiến hành điều trị như thế nào đúng cách. Tìm hiểu ngay.

1. Nhiễm vi khuẩn HP dương tính

1.1. Vi khuẩn HP và đường nhiễm khuẩn

Vi khuẩn HP khi xâm nhập vào cơ thể sẽ khu trú và phát triển tại lớp nhầy thành niêm mạc dạ dày. Trong quá trình hoạt động, vi khuẩn sẽ tăng tiết men urease để phân hủy urease thành amoniac, tạo môi trường kiềm nhằm chống lại acid dịch vị từ đó bào mòn dần lớp màng bảo vệ. Đây cũng là cơ chế vi khuẩn HP gây ra các bệnh phổ biến ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày,…

Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm rất cao với 3 con đường chủ yếu: đường miệng, đường phân và theo đường dạ dày. Hầu hết các trường hợp đều là vô tình bị lây nhiễm mà không hề hay biết bản thân đã dương tính. Chính vì thế, mỗi người cần đề cao việc phòng tránh lây nhiễm chéo hiệu quả bằng cách thực hiện ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, lựa chọn thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ở dạ dày.

1.2. Biểu hiện nhiễm HP dương tính

Trong khoảng thời gian đầu nhiễm HP thường không biểu hiện các triệu chứng ra bên ngoài. Khi vi khuẩn hoạt động mạnh hơn và bắt đầu gây bệnh, các biểu hiện sẽ rõ ràng hơn, thường là:

– Đau bụng.

Đau thượng vị.

– Ợ hơi.

– Đầy hơi, chướng bụng.

– Buồn nôn và nôn.

– Sốt.

– Chán ăn, ăn không ngon.

– Giảm cân bất thường.

– Cảm giác khó nuốt khi ăn.

– Nôn ra máu.

– Đi đại tiện có lẫn máu.

– Chóng mặt, ngất xỉu.

– Mặt tái nhợt.

Ngay khi nhận thấy các biểu hiện nghi ngờ nhiễm HP như trên, bạn nên chủ động thăm khám để thực hiện các chẩn đoán cần thiết để nhanh chóng tiến hành điều trị bệnh đúng phác đồ từ sớm.

1.3. Phương pháp chẩn đoán nhiễm HP dương tính

4 phương pháp giúp chẩn đoán nhiễm HP dương tính được thực hiện phổ biến hiện nay bao gồm:

Nội soi dạ dày tá tràng

Xét nghiệm máu

– Test hơi thở

– Phân tích mẫu phân

Ở mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm nổi bật riêng và phù hợp với từng đối tượng người bệnh. Vì vậy, người bệnh sẽ cần thực hiện thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa nhằm xác định mục đích chẩn đoán cũng như đánh giá về mức độ các triệu chứng để được chỉ định phương pháp chẩn đoán tìm HP phù hợp.

Thông thường, nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp được chỉ định phổ biến hơn cả. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm vì vậy cho kết quả nhanh chóng và chính xác nhất. Không chỉ vậy, thông qua nội soi còn có thể chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn HP gây ra nếu có.

Nội soi chẩn đoán nhiễm HP dương tính

Nội soi dạ dày là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP dương tính.

2. Nhiễm HP dương tính có thể tự khỏi không?

Trường hợp đã dương tính với vi khuẩn HP sẽ không thể tự khỏi, người bệnh bắt buộc phải tiến hành điều trị mới diệt trừ được HP. Việc điều trị nên được thực hiện ngay từ sớm vì càng để lâu, hoạt động của vi khuẩn càng thêm mạnh, gây ra các bệnh lý khác tại dạ dày và khiến điều trị bệnh thêm khó khăn hơn.

Trên thực tế, vi khuẩn HP có rất nhiều chủng và không phải chủng HP nào cũng có hại gây bệnh tiêu hóa. Một vài trường hợp nhiễm HP còn giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường ruột vì HP tiết ra chất ngăn ngừa hoạt động của các loại vi khuẩn khác phát triển.

Người bệnh cần chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra chỉ định điều trị HP phù hợp. Một lưu ý quan trọng đó là, vi khuẩn HP có khả năng tái nhiễm cao. Vì vậy cùng với việc điều trị đúng phác đồ để diệt trừ vi khuẩn người bệnh cũng cần nâng cao tinh thần phòng bệnh hiệu quả.

3. Điều trị HP đúng cách

Hiện nay phương pháp điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP chủ yếu được áp dụng là sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ được chỉ định kết hợp cùng điều chỉnh lại chế độ ăn, sinh hoạt hằng ngày sao cho khoa học và điều độ.

3.1. Tuân thủ đúng phác đồ thuốc tiêu diệt HP

Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể cùng khả năng dung nạp thuốc ở mỗi ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định nhóm kháng sinh tương thích. Để tăng tỷ lệ điều trị thành công, phác đồ diệt trừ nhiễm HP sẽ thường kết hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên theo các phác đồ Bộ Y tế ban hành sau đây:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ kết hợp gồm liệu pháp 3 thuốc và có Levofloxacin

Lưu ý: Việc dùng thuốc kháng sinh cho hiệu quả điều trị nhiễm HP tốt tuy nhiên đối với những trường hợp tái nhiễm thường sẽ gặp phải tình trạng kháng kháng sinh. Vậy nên các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nhiễm HP nên tuân thủ triệt để phác đồ điều trị được chỉ định, diệt trừ triệt để vi khuẩn HP ngăn ngừa bệnh tái phát.

Điều trị HP dương tính bằng thuốc

Tiêu diệt HP bằng cách thực hiện đúng phác đồ điều trị bằng thuốc được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

3.2. Thực hiện nghiêm về chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và thực hiện phòng bệnh tốt. Người bệnh nhiễm HP cần lưu ý các yêu cầu sau đây:

– Bổ sung đầy đủ những loại thức ăn có chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao như bông cải, kale, cải bó xôi, các loại quả mọng, táo,…

– Những loại thực phẩm cung cấp lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa: sữa chua, rượu kefir, kim chi.

– Lựa chọn một số thực phẩm tốt cho dạ dày như: các loại dầu thực vật (dầu olive, dầu hạt cải, dầu, dầu đậu nành,..), mật ong, tỏi, nghệ, gừng, trà xanh khử cafein, cam thảo, nha đam,…

– Đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh trong ăn uống, tránh ăn hàng quán vỉa hè không sạch sẽ hoặc lựa chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

– Không uống rượu bia.

– Không hút thuốc lá.

– Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, tránh căng thẳng mệt mỏi.

– Vận động, tập thể dục thể thao đều đặn giúp nâng cao sức đề khác và tốt cho hoạt động trao đổi chất ở hệ tiêu hóa.

Như vậy, nhiễm HP dương tính không thể tự khỏi mà cần thực hiện điều trị đúng phác đồ kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Ngay cả khi HP đã được điều trị khỏi, người bệnh vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhằm hạn chế khả năng tái nhiễm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital