Nhận biết và xử lý khi trẻ bị hóc xương cá

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đinh Văn Luân

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Khi trẻ bị hóc xương cá và không được giải quyết kịp thời, có thể sẽ đối mặt với những tình huống khó chịu như đau đớn, nuốt vướng,… Xương cá cũng có thể từ đường ăn uống sang các khu vực khác, gây các bệnh lý nhiễm trùng, áp xe và có thể tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, cha mẹ cần nâng cao nhận thức, phát hiện tình huống và xử lý khi trẻ bị tai nạn hóc xương cá đúng cách.

1. Nhận biết nhanh chóng khi trẻ bị hóc xương cá

1.1. Dấu hiệu tiêu biểu

Hóc xương cá là một trong nhưng tai nạn đường ăn uống phổ biến ở trẻ. Tai nạn này thường diễn ra khá nhanh và dễ nhận biết. Bên cạnh đó, cũng có một vài trường hợp đặc biệt hóc xương cá để quên, không được phát hiện và chỉ khi gây biến chứng nặng mới được nhận ra, để lại nhiều hậu quả xấu. Chính vì thế, cha mẹ nên nhận biết sớm tình trạng của con, nghi ngờ hóc xương cá khi trẻ đang ăn hoặc sau khi ăn cá để luôn phòng ngừa và có cách đối phó kịp thời, hiệu quả cho trẻ.

Cần nghi ngờ con bị hóc xương cá khi trẻ trong bữa ăn với cá có những dấu hiệu như:
– Khóc bất thường khi vừa ăn và không chịu ăn tiếp dù bố mẹ đã dỗ dành.
– Nghẹn, nuốt vướng, cảm giác muốn nôn trớ
– Ho nhiều
– Chảy nước dãi
– Đưa tay lên cổ họng, lên miệng như muốn móc họng,
– Nước dãi lẫn màu hồng (thường do niêm mạc họng bị xương cá đâm chảy máu).
– Nhịp thở bất thường: khó thở, hơi thở kém, nói hoặc khóc không ra hơi. Trường hợp nguy kịch, trẻ có thể mất ý thức hoặc ngưng thở.
– Trẻ khi có nhận thức hoặc nói được sẽ kêu đau, khó chịu với bố mẹ.

dấu hiệu khi trẻ bị hóc xương cá

Cần chú ý những biểu hiện để nhận ra tình trạng hóc xương của bé sớm

1.2. Cảnh báo trước các dấu hiệu hóc xương ở trẻ

Hóc xương cá tùy từng trường hợp có thể có những hệ quả khác nhau. Một số trường hợp đau dữ dội ban đầu, nhưng sau đó hầu như không để lại biến chứng. Nhiều trường hợp lại ngược lại, biểu hiện ban đầu nhẹ nhàng nhưng sau đó lại nguy kịch cần cấp cứu. Thông thường, cũng rất khó để xác định trường hợp hóc xương cá là nặng hay nhẹ khi không được kiểm tra. Tuy nhiên, các trường hợp hóc xương cá hóc lâu ngày đều để lại những hậu quả lớn.

Khi bị hóc xương cá, trẻ thường đau, chán ăn, để lâu dẫn đến suy nhược. Bên cạnh đó, xương cá đâm vào hầu họng dễ dàng gây tình trạng viêm nhiễm, thậm chí là hoại tử các mô nếu không được xử lý sớm. Nhiều trường hợp, xương cá có thể đâm vào thành thực quản, gây đau, chảy máu, nhiễm trùng và nguy hiểm đến tính mạng.

Xương cá khi ra ngoài khu vực đường ăn uống, rơi xuống đường thở có khả năng khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm, áp xe ở khu vực này làm nghẽn đường thở. Hoặc, xương cá cũng có thể chẹn lỗ thở, gây khó thở, nghẹt thở hoặc tắc thở cho bệnh nhân. Trong trường hợp xương cá rơi xuống đường tiêu hóa, có thể khiến thủng ruột nguy hiểm. Dù các tình huống này chiếm tỷ lệ không nhiều trong các tai nạn hóc xương cá, nhưng nguy cơ xảy ra với mỗi người bị hóc luôn có. Chính vì thế, bác sĩ cho rằng, với các tình huống hóc xương cá cần được thăm khám và xử lý cẩn trọng, kỹ càng.

thăm khám khi trẻ bị hóc xương cá

Cần hết sức chú ý và cẩn trọng khi bé bị hóc xương cá

2. Hành động đúng cách và kịp thời khi trẻ hóc xương cá

Cha mẹ nên chú ý xử lý phù hợp trong các tình huống trẻ bị hóc:

2.1. Nếu trẻ nguy kịch

Trẻ bị hóc và rơi vào tình trạng hô hấp không đều, không thể thở bình thường thì cha mẹ cần gọi ngay cấp cứu và sơ cứu tại chỗ cho trẻ. Cha mẹ chú ý: nếu trẻ nhỏ quá (thường dưới 2 tuổi) thì cần áp dụng cách vỗ lưng ấn ngực để đẩy dị vật cho trẻ. Nếu trẻ lớn trên 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng nghiệm pháp Heimlich sơ cứu dị vật cho trẻ bằng thao tác tác động lực đẩy vào vùng thượng vị để đẩy dị vật khỏi khu vực đường thở.

Trong trường hợp trẻ ngưng thở, cha mẹ cần hà hơi thổi ngạt kết hợp cùng việc đẩy dị vật để đảm bảo tính mạng cho trẻ.

2.2. Trẻ tỉnh táo

Cần ngưng việc cho trẻ ăn và loại bỏ mọi đồ ăn trong miệng của trẻ ra ngoài. Cha mẹ lưu ý để trẻ bình tĩnh nhanh nhất có thể, tránh việc trẻ khóc, ho, nấc có thể làm xương cá đâm sâu hơn. Khi đó, nếu cha mẹ thấy xương cá ngay ngoài khoang miệng trẻ thì có thể dễ dàng gắp xương cá ra cho trẻ. Với trường hợp không thấy xương cá, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ hỗ trợ kiểm tra và gắp xương cá cho trẻ nhanh chóng, đúng cách, phòng ngừa biến chứng phù hợp.

Để an tâm về tình trạng hóc của con, ngay cả khi cha mẹ lấy xương cá cho trẻ hoặc trẻ ngừng khóc, cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đến các bác sĩ tai mũi họng để kiểm tra, tránh tình trạng sót lại xương cá gây hóc với trẻ.

xử lý khi trẻ bị hóc xương cá

Đưa trẻ đi khám sớm khi có dấu hiệu hóc xương cá

3. Những điều cha mẹ nên tránh khi xử lý cho trẻ bị hóc xương cá

Cha mẹ cần tránh:

– Đưa tay mò mẫm miệng và họng trẻ. Thao tác này có thể đẩy xương cá sâu hơn vào cuống họng, thậm chí là có thể gây khó thở và nôn trớ với trẻ.
– Cho trẻ ăn với suy nghĩ để xương cá được nuốt xuống. Như đã nói trên, xương cá ra ngoài đường ăn uống có thể trở thành dị vật đường thở hoặc dị vật đường tiêu hóa với nhiều nguy hiểm.
– Khuyến khích trẻ ho khạc. Điều này có thể khiến trẻ đau hơn, nguy cơ gây tai biến, gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
– Sử dụng các mẹo dân gian cho con như ngậm chanh, nhét tỏi vào mũi, uống nước dãi vịt,…

Nhìn chung, khi trẻ bị hóc xương cá, cha mẹ cần phân loại tình huống, xử lý nhanh cho trẻ. Sơ cứu kịp thời và liên hệ cấp cứu để bảo vệ tính mạng trẻ, hoặc đưa trẻ đến các bác sĩ tai mũi họng để khám, lấy xương cá đúng cách và phòng ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nâng cao ý thức phòng ngừa hóc xương cá cho con trẻ bằng cách: chú ý hơn trong vấn đề ăn uống của trẻ và giáo dục trẻ nhận ra tầm nguy hiểm của việc hóc xương, từ đó giúp trẻ chủ động cảnh giác với tai nạn này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital