Nhận biết dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ

Dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ thường gặp ban đầu là gì? Làm thế nào để biết trẻ mắc tay chân miệng cần điều trị tại nhà hay tại viện? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết tới quý phụ huynh, độc giả ngay trong bài viết bên dưới đây.

1. Bệnh tay chân miệng ở đối tượng trẻ em có nguy hiểm không?

Nhận biết dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ em-1

Trẻ mắc tay chân miệng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm xảy ra phổ biến đối tượng ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên.

Theo các chuyên gia, hầu hết trường hợp mắc tay chân miệng ở trẻ đều do virus Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71 gây nên. Trong đó, Enterovirus typ 71 là chủng virus dễ gây bệnh cảnh nặng, biến chứng nguy hiểm nếu bé mắc tay chân miệng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có các virus nhóm A như Coxsackie A4-A7, A9, A10…; hoặc virus Coxsackie nhóm B như B1-B3, B5… cũng là những nguyên nhân có thể gây bệnh tay chân miệng ở trẻ.

Virus gây bệnh tay chân miệng có đặc điểm chung là lây truyền nhanh chóng thông qua các con đường sau:

– Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh tay chân miệng.

– Hít thở hoặc nuốt phải các dịch tiết, nước bọt của người bệnh trong quá trình nói chuyện, ăn uống hoặc khi người bệnh hắt hơi.

– Tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mụn nước, bọng nước hoặc phân của người bệnh.

– Trẻ chạm vào đồ chơi hoặc các vật dụng có dính giọt bắn chứa virus gây bệnh.

– Lây truyền qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

Dù là một bệnh lành tính, thế nhưng trẻ mắc tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm sức khỏe, thậm chí tính mạng. Các biến chứng trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể gặp phải gồm:

– Biến chứng tim mạch và hô hấp dẫn tới các bệnh như: tăng huyết áp, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim và trụy mạch dẫn tới tử vong nhanh.

– Biến chứng thần kinh gây viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm tủy não… ở các bé mắc tay chân miệng.

2. Các dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ em

Trẻ em khi mắc tay chân miệng sẽ dần xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Đây chính là các dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ em, giúp phụ huynh nhận biết sớm bệnh của trẻ.

2.1. Sốt nhẹ

Sốt nhẹ là triệu chứng ban đầu dễ gặp phải ở trẻ mắc tay chân miệng

Sốt nhẹ là triệu chứng ban đầu dễ gặp phải ở trẻ mắc tay chân miệng

Sốt một trong những là triệu chứng ban đầu thường gặp ở hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Trẻ thường sốt nhẹ ở khoảng 37.5 – 38 độ C. Một số trẻ có thể sốt cao từ 39 – 40 độ C, nhưng số này thường ít. Ngoài ra, khi bị sốt, trẻ mắc tay chân miệng cảm thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, kéo theo các biểu hiện như: khó chịu, quấy khóc, chán ăn…

2.2. Nổi phát ban kèm mụn nước

Trẻ mắc tay chân miệng có thể bị nổi phát ban kèm mụn nước

Trẻ mắc tay chân miệng có thể bị nổi phát ban kèm mụn nước

Sau từ 1-2 ngày khởi phát bệnh, trên da bé bị tay chân miệng sẽ xuất hiện các nốt hồng ban với kích thước khoảng 2 – 5mm, hình bầu dục, có màu xám sẫm. Những nốt ban này thường xuất hiện ở các bị trí như ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân rồi lan dần ra các bộ phận khác trên cơ thể trẻ. Tiếp đó, mụn nước sẽ xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, đầu gối hay sau mông của trẻ với đường kính khoảng 2 – 10mm, hình tròn hay hình bầu dục. Khác với bệnh thủy đậu, mụn nước do bệnh tay chân miệng không gây cảm giác đau hay ngứa cho trẻ.

2.3. Xuất hiện các vết loét trong miệng trẻ

Loét miệng là một trong những dấu hiệu thường xuất hiện từ đầu giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng ở trẻ. Các vết loét lớn dần với kích thước khoảng 4 – 8mm, gây cảm giác đau, khó chịu ở trẻ. Đây cũng chính là yếu tố tác động khiến bé mắc tay chân miệng mệt mỏi, chán ăn, biếng ăn, tiềm ẩn nguy cơ giảm sức đề kháng, sút cân mà phụ huynh cần hết sức lưu ý.

2.4. Các triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng đã chỉ ra bên trên, một số trẻ mắc tay chân miệng sẽ xuất hiện các triệu chứng khác khiến bệnh của bé khó chẩn đoán hơn bình thường:

– Trẻ sốt nhẹ, hơi ho và tiêu chảy vài lần, 2-3 ngày sau đã xuất hiện biến chứng tay chân miệng;

– Trẻ chỉ sốt nhẹ, khò khè giống như viêm phế quản;

– Trẻ xuất hiện các triệu chứng giống như bị rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, nôn…

Như vậy, nhiều trẻ mắc tay chân miệng xuất hiện những triệu chứng ban đầu không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Điều này có thể gây hệ quả chẩn đoán và điều trị sai, có thể để lại hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ. Do đó, cách tốt nhất khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe, nhất là trong thời điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang bùng phát như hiện nay, phụ huynh nên cho bé đến cơ sở y tế uy tín để khám. Mục đích để trẻ được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

3. Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh nhi tay chân miệng cần tuân thủ nguyên tắc điều trị bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em hiện chưa có thuốc đặc trị. Do đó, cách điều trị sẽ hướng tới làm giảm triệu chứng bé đang gặp phải, bổ sung dinh dưỡng, đề kháng để giúp cơ thể bé chống lại virus gây bệnh và nhanh hồi phục:

– Trẻ mắc tay chân miệng độ 1: điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế

+ Trẻ cần được ăn uống đầy đủ (tiếp tục bú mẹ với trẻ sơ sinh);

+ Hạ sốt với Paracetamol với trẻ sốt cao;

+ Dặn dò phụ huynh cho trẻ tái khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: sốt cao kéo dài và không đáp ứng thuốc hạ sốt, thở nhanh, rung giật cơ, co giật, hôn mê, đi đứng loạng choạng…

+ Chỉ định nhập viện với trẻ mắc tay chân miệng nhưng nhà quá xa các cơ sở y tế, bé xảy ra biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp.

– Trẻ mắc tay chân miệng độ 2: Điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến huyện hoặc tỉnh

+ Áp dụng điều trị như với trẻ ở cấp độ 1.

+ Cho bé thở oxy khi xuất hiện triệu chứng thở nhanh.

+ Chống co giật nếu trẻ xuất hiện triệu chứng này.

+ Theo dõi sát sao mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, ran phổi mỗi 4 – 6 giờ.

– Trẻ mắc tay chân miệng độ 3: Điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện có đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác điều trị

+ Áp dụng xử trí tương tự bé tay chân miệng độ 2.

+ Chống phù não cho trẻ.

+ Chống hạ đường huyết, kiểm soát tình trạng rối loạn nước và điện giải.

+ Dùng Dobutamin nếu xảy ra tình trạng suy tim mạch.

– Trẻ mắc tay chân miệng độ 4: Điều trị nội trú tại bệnh viện tỉnh, Trung ương hay các bệnh viện đầy đủ điều kiện khám chữa

+ Áp dụng xử trí tương tự trẻ tay chân miệng độ 3.

+ Điều trị các biến chứng trẻ gặp phải: suy hô hấp, phù phổi cấp, sốc, phù não…

+ Sử dụng kháng sinh nếu trẻ tay chân miệng bị bội nhiễm.

Trên đây là các dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ và nguyên tắc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới bạn đọc nhiều thông tin hữu ích để hiểu hơn về bệnh lý tay chân miệng ở đối tượng trẻ em.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital