Nguyên nhân và tác hại của hiện tượng mất ngủ ở người trẻ

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Hiện tượng mất ngủ ở những người trẻ tuổi ngày càng phổ biến và gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như công việc và cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ và cách cải thiện trong bài viết dưới đây. 

1. Nguyên nhân chủ yếu gây mất ngủ ở người trẻ

Theo các thống kê gần đây, có khoảng 25% người trẻ (tuổi từ 18 – 30) thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo. Nguyên nhân gây ra tình trạng này khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi:

1.1 Áp lực công việc, học tập lớn là nguyên nhân gây ra hiện tượng mất ngủ

Hiện nay, cuộc sống hiện đại với áp lực công việc, học tập ngày càng lớn khiến người trẻ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, stress…. Hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích sẽ gây những ảnh hưởng nhất định tới giấc ngủ.

1.2 Thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ

Người trẻ thường có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính một cách thường xuyên để giải trí hay làm việc vào ban đêm. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng sóng điện từ và ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này có thể là nguyên nhân gây căng thẳng hệ thần kinh, mắt, khiến họ mất ngủ.

nguyên nhân gây ra hiện tượng mất ngủ ở người trẻ

Sử dụng điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác trước giờ ngủ là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ.

1.3 Lối sống thiếu khoa học

Những người trẻ tuổi thường không có lịch sinh hoạt cố định. Bên cạnh đó là những thói quen ăn uống, nghỉ ngơi không khoa học,… Tất cả những điều này khiến việc sản xuất hormone melatonin (một loại hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra bệnh mất ngủ hoặc những rối loạn giấc ngủ khác ở người trẻ.

1.4 Lạm dụng chất kích thích gây ra hiện tượng mất ngủ ở người trẻ

Một số người trẻ có thói quen sử dụng các loại đồ uống như rượu, trà, cà phê vào buổi tối trước khi ngủ. Điều này gây kích thích, khiến não bộ hưng phấn, tỉnh táo và dễ dẫn đến khó ngủ ngay sau đó. Không chỉ trước khi ngủ mà việc sử dụng quá nhiều chất kích thích vào ban ngày cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ hoặc khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

1.5 Thiếu máu lên não 

Theo các chuyên gia, việc căng thẳng/stress thường xuyên, sử dụng các chất kích thích, ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi không lành mạnh ở những người trẻ tuổi sẽ làm tăng sinh quá mức các gốc tự do trong cơ thể.

Các gốc tự do này tấn công vào mạch máu, làm tổn thương thành mạch máu, gây xơ vữa, huyết khối làm hẹp động mạch, cản trở việc vận chuyển máu giàu oxy và dưỡng chất đến não. Khi đó, cơ thể có thể gặp nhiều rối loạn, điển hình là chứng mất ngủ.

2. Những ảnh hưởng của hiện tượng mất ngủ ở người trẻ

2.1 Ảnh hưởng đến công việc 

Trong các giai đoạn của giấc ngủ, REM –  giai đoạn ngủ sâu và mơ – là rất quan trọng giúp đầu óc được hoàn toàn nghỉ ngơi trong lúc ngủ. Những người có được giấc ngủ REM thường có cảm giác tốt hơn về nhận thức, cảm nhận tốt hơn về hạnh phúc, đồng nghĩa với việc tâm trạng của họ cũng được cải thiện đáng kể. 

Mất ngủ thường xuyên khiến các giấc ngủ bị gián đoạn. Lúc này bộ não chỉ có thể dành rất ít thời gian cho trạng thái REM, khiến người bệnh cảm thấy chậm chạp và khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ. Việc ngủ ít hơn 5 tiếng/một đêm sẽ khiến cơ thể sớm suy kiệt và gặp các tình trạng như mất tập trung, trí nhớ suy giảm, rối loạn cảm xúc… từ đó gây giảm hiệu suất công việc.

Những ảnh hưởng của việc mất ngủ đối với công việc của người trẻ

Mất ngủ vào ban đêm khiến cho người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung vào ban ngày, ảnh hưởng đến năng suất và kết quả công việc.

2.2 Ảnh hưởng tới sức khỏe

Mất ngủ có thể gây ra hàng loạt hệ lụy đối với sức khỏe, tiêu biểu là các tình trạng sau:

– Tăng huyết áp, bệnh tim mạch

Thường xuyên mất ngủ sẽ khiến hệ thần kinh căng thẳng, quá tải. Lúc này, nhịp tim, huyết áp tăng cao, thậm chí có thể đe dọa hệ tim mạch.

– Béo phì

Hiện tượng mất ngủ, thiếu ngủ có thể làm chậm quá trình trao đổi chất ở người bệnh, làm tăng lượng đường, cholesterol trong máu, dễ dẫn đến béo phì. Ngoài ra, mất ngủ gây rối loạn ở vùng trung tâm của não, là nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn thực phẩm không lành mạnh. Vì vậy, những người bị mất ngủ thường có xu hướng tìm những thực phẩm kém chất lượng và tiêu thụ những loại thực phẩm này, khiến nguy cơ béo phì tăng cao.

– Ung thư

Các nghiên cứu chỉ ra ngủ ít và tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn có thể khiến nguy cơ ung thư cao hơn bình thường, đặc biệt ung thư đại tràng và ung thư vú là 2 loại ung thư dễ gặp nhất ở những người bệnh bị mất ngủ. Một nghiên cứu ở Anh năm 2008 cho thấy, những phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Trong khi đó một nghiên cứu khác tại Trường Y Harvard đưa ra kết luận những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân là do mất ngủ làm sự ức chế sản sinh hormone melatonin – một loại hormone giúp chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u.

– Teo não, đột quỵ

Một công bố trên Tạp chí Neuroscience (Mỹ) cho thấy, mất ngủ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ teo não đến 25%. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng cao gấp 8 lần so với người bình thường nếu người trẻ bị mất ngủ liên tục.

– Trầm cảm

Thiếu ngủ, mất ngủ khiến nhiều người trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi, làm gia tăng các cảm xúc tiêu cực, hay cáu kỉnh, mất ổn định, thường lo âu, nghĩ ngợi…  Nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.

Tác hại về sức khỏe khi người trẻ bị mất ngủ thường xuyên

Mất ngủ thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Trên đây là một số nguyên nhân và tác hại của hiện tượng mất ngủ ở người trẻ. Để ngăn chặn sớm những ảnh hưởng của mất ngủ đối với bản thân, người trẻ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây mất ngủ bằng cách chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp giúp cải thiện tình trạng mất ngủ của bạn một cách hiệu quả, an toàn. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital