Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả khi bé bị viêm mũi dị ứng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi, gây ra nhiều điều khó chịu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Mặc dù căn bệnh viêm mũi dị ứng không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé như bệnh viêm mũi xoang. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng bé bị viêm mũi dị ứng với bài viết bên dưới đây.

1. Nguyên nhân khiến bé bị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng ở trẻ là hiện tượng niêm mạc bị viêm do dị ứng với những tác nhân bên trong và ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với những tác nhân dị ứng, cơ thể trẻ sẽ giải phóng Histamin, khiến bé bị sưng, ngứa và có chất lỏng bên trong mũi.

Thời tiết lạnh và không khí ô nhiễm cùng sức đề kháng còn non nớt khiến các bé dễ bị viêm mũi dị ứng hơn. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, quấy khóc nhiều vào ban đêm. Nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh có thể biến chứng thành viêm họng, viêm mũi xoang,…

Căn bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ có thể xảy ra quanh năm hoặc theo mùa.

1.1. Trẻ bị viêm mũi dị ứng theo mùa

Tác nhân chính gây ra bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ là do phấn hoa, bụi bẩn, bào tử nấm, lông chó mèo và điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Ở vùng khí hậu hàn đới như khu vực miền Bắc của Việt Nam, bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp vào mùa đông, mùa xuân, khi không khí phấn hoa phát tán nhiều và không khí ẩm thấp khiến nấm mốc dễ sinh sôi, phát triển.

1.2. Trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm

Những bé có cơ địa dị ứng thường có phản ứng với những tác nhân môi trường xung quanh không ổn định thì dễ bị viêm mũi dị ứng quanh năm. Tác nhân chính khiến trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể là do phấn hoa, lông chó mèo,…

Những bé bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể xuất hiện những dấu hiệu như nhiễm trùng tai, ngáy, thở bằng miệng, ù tai, nhức đầu,… Do đó, nếu nghi ngờ trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm, bố mẹ cần phải đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, tránh bị tái phát nhiều lần và nguy cơ bị biến chứng như viêm mũi xoang,….

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị viêm mũi dị ứng

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm mũi dị ứng

2. Bố mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị viêm mũi dị ứng?

Khi bé có triệu chứng bị viêm mũi dị ứng, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thăm khám, chứ tuyệt đối không được cho trẻ tự ý dùng thuốc. Bởi vì trẻ nhỏ là đối tượng cần được lưu ý đặc biệt khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Mục tiêu chính của việc điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ là để giảm thiểu tối đa triệu chứng của bệnh bằng những loại thuốc có ít tác dụng phụ nhất. Đồng thời, bác sĩ sẽ tìm ra tác nhân chính gây ra bệnh viêm mũi dị ứng cho trẻ để tránh bị tái phát nhiều lần. Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bố mẹ phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng của trẻ dựa trên tuổi tác, sức khỏe tổng quát, cân nặng và tình trạng bệnh.

Bố mẹ nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ điều trị dứt điểm bệnh viêm mũi dị ứng

Bố mẹ nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ điều trị dứt điểm bệnh viêm mũi dị ứng

3. Cách chăm sóc và ngăn ngừa hiệu quả khi trẻ bị viêm mũi dị ứng

Khi con bị viêm mũi dị ứng, bố mẹ nên rửa sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tắm gội cho con sạch sẽ để loại bỏ hết những tác nhân gây dị ứng ở trên tóc, da.

Hơn nữa, bố mẹ cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ bị viêm mũi dị ứng để nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây ra bệnh. Tốt nhất, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh viêm mũi dị ứng, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời chứ không được tự ý mua thuốc chữa trị tại nhà.

Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh viêm mũi dị ứng, nặng hơn là viêm mũi xoang, bố mẹ nên thử một số bí quyết sau:

– Giữ vệ sinh phòng ngủ của trẻ và nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không để các loại nấm mốc phát triển.

– Hạn chế đưa con tới những nơi có nhiều khói thuốc, bụi bẩn. Nếu trong nhà có người hút thuốc lá, cần phải đảm bảo không cho trẻ tiếp xúc với người đó.

– Hạn chế trồng hoa ở xung quanh nhà và không nên nuôi chó mèo, cũng như tránh cho bé tiếp xúc với các loại vật nuôi.

– Khi thời tiết giao mùa, chuyển từ nóng sang lạnh, bố mẹ phải giữ ấm cơ thể cho con, đặc biệt là vùng mũi, cổ và đôi chân.

– Rửa mũi cho con hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là khi vừa từ bên ngoài đường về.

– Cho con uống nhiều nước để hệ hô hấp của trẻ làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ nên bổ sung thêm hoa quả tươi, rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho con.

Bố mẹ nên rửa mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Bố mẹ nên rửa mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi bé bị viêm mũi dị ứng, bố mẹ không được chủ quan mà cần phải đưa con tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital