Nguyên nhân ung thư hạch hình thành và cách phòng bệnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Minh Hương

Bác sĩ Ung Bướu

Ung thư hạch bạch huyết là một loại ung thư hiếm gặp, nhưng lại rất nguy hiểm và khó điều trị. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến các tế bào bạch huyết trở nên bất thường và phát triển không kiểm soát. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân ung thư hạch bạch huyết hình thành để có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!

1. Ung thư hạch bạch huyết là căn bệnh như thế nào ?

Bệnh ung thư hạch còn được gọi là ung thư hạch bạch huyết, hình thành do sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào bạch cầu lympho.

Ung thư hạch bạch huyết được phân thành 2 loại chính, bao gồm:

– Ung thư hạch bạch huyết nguyên phát: Là loại ung thư khởi phát từ hạch bạch huyết, thường được gọi là u lympho. Có nhiều loại u lympho khác nhau nhưng được phân thành 2 nhóm lớn là u lympho không Hodgkin và u lympho Hodgkin.

– Ung thư hạch bạch huyết thứ phát: Đây là loại ung thư hình thành do các tế bào ung thư từ những cơ quan khác di căn tới hạch bạch huyết.

Tìm hiểu về hệ thống hạch bạch huyết trên cơ thể

Hệ hạch bạch huyết có cấu trúc hình hạt đậu, phân bố rải rác trên khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều ở một số vùng như: nách, bẹn, cổ

2. Tìm hiểu những nguyên nhân ung thư hạch bạch huyết

Cho đến nay nguyên nhân ung thư hạch bạch huyết hình thành vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch như sau:

2.1. Nguyên nhân ung thư hạch do tuổi tác, giới tính và địa lý

Độ tuổi

Mặc dù ung thư hạch bạch huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, những nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng dần theo tuổi, nhất là đối với những người trên 55 tuổi. Điều này có thể do hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi khi lớn tuổi, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bạch huyết.

Giới tính

Nam giới có nguy cơ cao hơn để mắc ung thư hạch bạch huyết so với nữ giới.

Địa lý

Ung thư hạch bạch huyết được thấy nhiều ở các nước Đông Nam Á và Mỹ La-tinh.

2.2. Nguyên nhân ung thư hạch do vi khuẩn và virus

Vi khuẩn Helicobacter Pylori

Vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân chính gây ra bệnh loét dạ dày và tá tràng, và cũng có thể gây ra ung thư dạ dày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn này cũng có thể tác động đến hạch bạch huyết và gây ra ung thư hạch bạch huyết.

Virus Epstein-Barr

Virus Epstein-Barr là một trong 8 loại virus trong nhóm Herpes và là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Ở những trường hợp suy giảm miễn dịch, virus Epstein-Barr có thể liên quan tới một số dạng đặc biệt của ung thư như: U lympho Burkitt, u lympho Hodgkin,… Nếu cơ thể không thể loại bỏ hoàn toàn virus này, nó có thể gây ra các vấn đề về hệ miễn dịch. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc ung thư hạch bạch huyết.

Ngoài ra, tình trạng nhiễm các loại virus, vi khuẩn khác như Borrelia Burgdorferi, Chlamydia Psittaci, Campylobacter Jejuni, virus viêm gan C,… cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Nguyên nhân ung thư hạch do vi khuẩn và virus

Theo một số nghiên cứu, Virus Epstein-Barr được đánh giá là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh ung thư hạch bạch huyết

2.3. Nguyên nhân ung thư hạch do bệnh lý

Tình trạng suy giảm miễn dịch

Trong một số trường hợp, người bệnh bị nhiễm HIV, đã từng thực hiện ghép tạng hoặc mắc các rối loạn gây thiếu hụt miễn dịch di truyền có nguy cơ cao mắc ung thư hạch bạch huyết. Ngoài ra, ung thư hạch cũng có thể xuất hiện ở những người bệnh đang dùng thuốc để ức chế hệ miễn dịch.

Mắc các bệnh lý tự miễn

Người bệnh đang mắc một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, hội chứng Sjögren,… có thể làm tăng nguy cơ ung thư hạch bạch huyết.

Ngoài những yếu tố ở trên, nếu người bệnh phải tiếp xúc thường xuyên với những hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất phóng xạ,… cũng có nguy cơ cao mắc ung thư hạch bạch huyết.

3. Các phương pháp để chẩn đoán bệnh ung thư hạch bạch huyết

Dưới đây là một số phương pháp dùng để chẩn đoán ung thư hạch phổ biến:

– Khám lâm sàng: Bác sĩ khai thác tiền sử cá nhân của người bệnh như tiền sử bệnh lý, bệnh lý của người thân, các triệu chứng bệnh,… Tiếp đến, kiểm tra lâm sàng toàn thân, hệ thống hạch và các cơ quan khác. Thông thường, hạch bạch huyết có kích thước nhỏ, mềm, khó sờ thấy. Khi bị nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư, hạch bạch huyết sẽ tăng kích thước, có thể sờ thấy và thậm chí nhìn thấy bằng mắt thường.

– Các xét nghiệm thường quy: Bao gồm các xét nghiệm như công thức máu, chức năng gan thận, LDH, β2 microglobulin, đông máu toàn bộ, siêu vi HBV, HCV, HI,,… để đánh giá tổng thể bệnh nhân trước điều trị.

– Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, PET/CT): Các phương pháp này giúp xác định hạch ung thư trong các cơ quan nội tạng và đánh giá giai đoạn bệnh trước điều trị.

– Sinh thiết hạch (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hạch): Bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết của hạch để làm xét nghiệm mô bệnh học. Nếu hạch có dấu hiệu bất thường và phản ánh tế bào ung thư, kết quả xét nghiệm mô bệnh học sẽ mô tả chi tiết về tình trạng, mức độ di căn hạch.

– Khi nghi ngờ ung thư di căn, bác sĩ có thể thực hiện thêm chọc hút tủy xương làm tủy đồ/ sinh thiết tủy để xác định tình trạng xâm lấn tuỷ. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ xâm lấn thần kinh trung ương, bác sĩ sẽ thực hiện chọc dò dịch não tủy.

Các phương pháp để chẩn đoán bệnh

Khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh

4. Hướng điều trị cho căn bệnh ung thư hạch bạch huyết

Lựa chọn các phương pháp điều trị bệnh phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

– Giai đoạn bệnh và loại giai đoạn bệnh.

– Tính chất sinh học phân tử.

– Vị trí biểu hiện triệu chứng (hạch, hệ thần kinh trung ương, tủy, đường tiêu hóa,…)

– Tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân trước điều trị.

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng hiện nay bao gồm:

– Hóa trị: Là biện pháp điều trị toàn thân, sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.

– Xạ trị: Là phương pháp điều trị sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

– Liệu pháp sinh học.

– Liệu pháp miễn dịch.

– Ghép tế bào gốc: Có hai loại ghép tế bào gốc là tự ghép tế bào gốc hoặc dị ghép tế bào gốc (sử dụng tế bào gốc của anh chị em ruột hoặc tìm người cho tế bào gốc phù hợp).

Có thể thấy, ung thư hạch bạch huyết là một căn bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Do đó, việc hiểu rõ về nguyên nhân gây ra bệnh này là rất quan trọng. Để giảm nguy cơ mắc ung thư hạch, chúng ta nên duy trì một lối sống lành mạnh và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh kể trên. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital