Rong kinh, hay kinh nguyệt kéo dài là tình trạng nhiều phụ nữ gặp phải. Đáng nói, tình trạng này nếu không được quan tâm và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em. Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến rong kinh và hướng dẫn điều trị cụ thể trong bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhé.
Menu xem nhanh:
1. Rong kinh là như thế nào?
Trong một chu kỳ kinh nguyệt thông thường, thời gian hành kinh của phụ nữ kéo dài khoảng 3-5 ngày và lượng máu khoảng 50-80ml. Khi lượng máu vượt quá 80ml hoặc chu kỳ kéo dài hơn 7 ngày, được gọi là rong kinh.
Khi gặp tình trạng rong kinh, chị em thường gặp phải các dấu hiệu như phải thay băng vệ sinh liên tục, số lượng băng vệ sinh phải sử dụng nhiều hơn bình thường, đau bụng kinh nhiều hơn bình thường, kinh nguyệt xuất hiện các cục máu đông có kích thước lớn, cảm giác mệt mỏi, khó thở và kiệt sức.
Tình trạng rong kinh không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, mà còn có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, rong kinh có thể dẫn đến thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe sinh sản.
Khi có có biểu hiện nghi ngờ rong kinh, chị em nên đến bệnh viện để được kiểm tra và xác định nguyên nhân gây rong kinh, từ đó bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị rong kinh, giúp cải thiện rong kinh và bảo vệ sức khỏe.
2. Nguyên nhân dẫn đến rong kinh
Tình trạng rong kinh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các nguyên nhân được chia thành hai nhóm chính là rong kinh do cơ năng và rong kinh do thực thể.
2.1. Nguyên nhân dẫn đến rong kinh do cơ năng
Rong kinh cơ năng thường xảy ra ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh. Trong hai giai đoạn này, cơ thể trải qua nhiều biến đổi về nội tiết tố, đặc biệt là sự tăng/giảm đột ngột của hormone estrogen. Những thay đổi này có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường ở một số tháng.
Bên cạnh đó, rong kinh cơ năng cũng có thể bắt nguồn từ việc căng thẳng, lo lắng, thay đổi môi trường sống, hay sử dụng dụng cụ tránh thai như vòng tránh thai hoặc thuốc tránh thai, làm ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết, dẫn đến xuất hiện rong kinh.
2.2. Nguyên nhân dẫn đến rong kinh do thực thể
Nguyên nhân thực thể của rong kinh có thể xuất phát từ các tổn thương tại tử cung hoặc buồng trứng, bao gồm:
– Buồng trứng đa nang: Sự phát triển quá mức của các buồng trứng có thể làm thay đổi cân bằng hormone và gây ra rong kinh.
– U xơ tử cung: Gặp phổ biến ở phụ nữ 30-50 tuổi, đây là những khối u lành tính, nhưng nếu lớn, nó có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và gây rong kinh.
– Polyp tử cung: Tình trạng này có thể không gây dấu hiệu nào, nhưng cũng có thể dẫn đến rong kinh kéo dài.
– Các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, viêm nội mạc tử cung cũng có thể gây rong kinh.
Ngoài ra một số nguyên nhân khác như sử dụng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và gây ra tình trạng rong kinh.
3. Hướng dẫn điều trị rong kinh chi tiết
Để đối phó với tình trạng rong kinh, việc điều trị cần phải đa chiều, từ điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống đến thăm khám bác sĩ và tuân thủ các phương pháp điều trị nếu cần thiết.
3.1. Điều chỉnh lối sống
Để bắt đầu, việc điều chỉnh lối sống là bước quan trọng trong quá trình cải thiện tình trạng rong kinh. Chị em cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, bao gồm việc nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động thể lực nặng và vận động mạnh. Đồng thời, giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng và stress, ngủ đủ giấc và đúng giờ. Bên cạnh đó, vệ sinh vùng kín cũng đóng vai trò quan trọng, hãy đảm bảo sạch sẽ và thay băng vệ sinh đều đặn hàng ngày.
3.2. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng rong kinh. Chị em cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm bổ sung trái cây và rau củ xanh vào thực đơn hàng ngày để ổn định đường huyết và cân bằng nội tiết tố. Các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin B6 cũng nên được tăng cường để phòng tránh tình trạng thiếu máu. Đồng thời, chị em cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và không ăn món cay, nóng.
3.3. Thăm khám phụ khoa
Việc thăm khám bác sĩ phụ khoa là bước quan trọng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rong kinh, từ đó nhận chỉ định điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn tiến hành các xét nghiệm và kiểm tra như siêu âm, xét nghiệm PAP, sinh thiết nội mạc tử cung, soi tử cung, chụp cản quang tử cung vòi trứng để xác định nguyên nhân cụ thể.
3.4. Cách điều trị rong kinh
Dựa trên kết quả thăm khám phụ khoa, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho bạn tùy thuộc vào nguyện vọng sinh con của bạn.
– Điều trị bằng thuốc: Thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, NSAID, hormone Progesterone, hoặc bổ sung sắt có thể được chỉ định để cải thiện tình trạng rong kinh.
– Can thiệp thủ thuật: Trong một số trường hợp, nong nạo tử cung, cắt đốt nội mạc tử cung, hoặc thậm chí cắt tử cung bán phần/toàn phần có thể được đề xuất để điểu trị rong kinh. Tuy nhiên, quyết định này cần được đưa ra sau khi có sự thảo luận kỹ càng giữa bác sĩ và người bệnh, đặc biệt là trong trường hợp phụ nữ còn ý định sinh con.
Sau khi bắt đầu phác đồ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả và thay đổi phác đồ cũng như phương pháp nếu cần thiết. Trong quá trình điều trị rong kinh, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, đồng thời nếu có bất thường liên quan đến điều trị hay tình trạng rong kinh, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang là địa chỉ khám và điều trị rong kinh uy tín được nhiều chị em tin tưởng với những ưu điểm về đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, chi phí hợp lý, đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng và nhiều ưu điểm nổi bật khác. Để được tư vấn và điều trị rong kinh hiệu quả phù hợp với tình trạng của bản thân ngay hôm nay, bạn đọc vui lòng liên hệ với TCI để được tư vấn và hỗ trợ.