Ngạc nhiên với những nguyên nhân gây đau dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Hầu như tất cả mọi người đều bị đau dạ dày vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về nguyên nhân gây đau dạ dày. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Bé bị đau dạ dày

Bé bị đau dạ dày

Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày như: nhiễm ký sinh trùng, ngộ độc, viêm dạ dày đại tràng hoặc thậm chí là những vấn đề về tuyến giáp. Những nguyên nhân phổ biến gây đau dạ dày bao gồm:

Sỏi mật

Sỏi mật được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật như cholesterol, billirubin, muối canxi… Sỏi làm sưng, tắc đường dẫn vào ruột, dẫn đến đau. Đau bụng do sỏi mật có xu hướng tấn công phía bên phải của vùng bụng trên, đặc biệt là sau bữa ăn giàu chất béo.

Viêm tụy

Viêm tuyến tụy có thể gây đau đốt ở vùng bụng trên hoặc giữa. Một số người thậm chí còn có những cơn đau lan ra đằng sau lưng. Theo Osama Alaradi, bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột của Bệnh viện Henry Ford ở Detroit cho biết, bạn có thể dựa lưng hoặc nằm nghiêng để giảm bớt cơn đau, buồn nôn và nôn.

GERD

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây đau ở dạ dày, ngực dưới và chứng ợ nóng. Triệu chứng này trầm trọng hơn vào ban đêm, ở tư thế nằm. Đây là một bệnh khá phổ biến, tỉ lệ ngày càng gia tăng ở Châu Á và Việt Nam.

Trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thư thực quản.

Loét dạ dày

Đau dạ dày là triệu chứng phổ biến của bệnh loét dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Đau thường tấn công cả vùng bụng dưới giữa và đôi khi xảy ra sau bữa ăn hoặc nửa đêm.

Thuốc NSAID và vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) là những nguyên nhân chính gây loét dạ dày. Thuốc kháng sinh và thuốc ức chế acid thường được sử dụng để điều trị loét do vi khuẩn gây ra.

Không dung nạp lactose

Hàng triệu người trên thế giới không có khả năng dung nạp lactose. Trên thực tế, ở một số nơi trên thế giới, số lượng người không dung nạp lactose nhiều hơn những người có thể tiêu hóa lactose, đường có trong sữa và các sản phẩm sữa.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) bao gồm ibuprofen và aspirin có tính chất ăn mòn và có thể gây sưng tấy dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến loét.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa thường gặp hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên (mặc dù vẫn có thể gặp ở người lớn tuổi) và thường bắt đầu với triệu chứng đau ở bụng giữa, tiến vào phần dưới bên phải của bụng.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng này cũng có thể dẫn đến đau bụng kinh niên và những thay đổi trong hoạt động ruột (như táo bón và tiêu chảy kéo dài), nhưng không phải là tình trạng viêm và không liên quan đến chảy máu trực tràng.

Ung thư dạ dày

Giảm cân đột ngột, ợ nóng kéo dài, đi ngoài lẫn máu, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy và buồn nôn là triệu chứng phổ biến của ung thư dạ dày. Ở giai đoạn tiến triển, khi khối u ác tính trong dạ dày phát triển lớn hơn về kích thước và mức độ xâm lấn, người bệnh cũng thường gặp những cơn đau dạ dày.

Khi bị đau vùng thượng vị mà không rõ nguyên nhân, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín thăm khám. Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 55 88 92 hoặc hotline 0936 388 288.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital