Chào bác sĩ. Em muốn hỏi mổ ruột thừa có phải ăn kiêng gì không? Chế độ dinh dưỡng của người mới mổ ruột thừa như thế nào phù hợp để mau chóng lành vết mổ và hồi phục sức khỏe. Em chân thành cảm ơn! Phương Thùy (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN)
Trả lời
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về hòm thư của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Thông thường khi mắc bệnh viêm ruột thừa người bệnh sẽ được chỉ định mổ ruột thừa. Phẫu thuật mổ viêm ruột thừa sẽ giúp cắt bỏ hoàn toàn phần ruột thừa bị viêm, tránh lây nhiễm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Sau mổ ruột thừa có phải ăn kiêng gì không cũng là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Thông thường người bệnh viêm ruột thừa không phải kiêng cữ gì. Bạn chỉ cần hạn chế các loại thực phẩm như:
– Đường tinh chế và bột tinh chế bởi vì hai loại thực phẩm này không tốt cho sức khỏe, chúng tạo ra khá nhiều độc tố và gây ủ bệnh từ các vi trùng.
– Đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như các loại đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ. Những thực phẩm này có thể tích mỡ tại cơ thể gây ảnh hưởng tới quá trình lành bệnh.
– Sữa bò, thịt đỏ và trứng: sữa bò có thể kết thành mảng dày trong niêm mạc ruột, ngăn cản sự hấp thu của ruột, tạo ra nhiều độc tố.
– Tránh uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc và hút thuốc.
Bên cạnh những thực phẩm cần kiêng sau khi mổ ruột thừa, bạn nên bổ sung các thực phẩm sau để tăng cường sức khỏe và cải thiện nhanh chóng bệnh.
– Các loại rau, quả, đặc biệt là rau quả tươi.
– Các loại trái cây như dứa, nho, cam hoặc đu đủ là những thực phẩm tuyệt vời mà người bệnh có thể chọn cho bữa sáng vì chúng hỗ trợ rất hiệu quả quá trình làm sạch đường ruột và phục hồi.
– Bạn cũng nên ăn tỏi bởi tỏi là một loại kháng sinh tự nhiên rất tốt, giúp mau hồi phục sức khỏe.
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi. Đây là cách tốt nhất để phục hồi sau mổ. Tránh nâng các vật nặng, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh stress, đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối hoặc sáng sớm. Sau khoảng 3 tháng, người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường.
Bạn cũng nên theo dõi tiến triển tình trạng sức khỏe tại nhà và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm xử lý kịp thời những biến chứng có thể xảy ra.