Mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh đơn giản hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Trẻ sơ sinh khi bị táo bón sẽ dẫn đến bỏ ăn, quấy khóc, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Tình trạng này không quá nghiêm trọng nếu như bố mẹ biết mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh. Những trường hợp táo bón do bệnh lý nguy hiểm mới cần điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác tại bệnh viện.

1. Những kiến thức về táo bón ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh khi bị táo bón sẽ gặp tình trạng khó khăn mỗi khi đi tiêu và khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau bụng.

Tần suất đi tiêu của trẻ sơ sinh bị táo bón thường thấp hơn so với trẻ bình thường. Những trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể tần suất đi ngoài ít hơn nhưng vẫn không bị táo bón do hầu hết những chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đều đã được hấp thu, phân của trẻ cũng mềm chứ không cứng chứng tỏ trẻ không bị táo bón. Những trẻ được nuôi bằng sữa công thức có thể có tần suất đi tiêu nhiều hơn. Chính vì vậy, nguyên nhân khiến cho trẻ bị táo bón hầu hết có liên quan đến sữa, thức ăn mà trẻ ăn hàng ngày.

mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh

Táo bón có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chậm tăng trưởng

Khi đi tiêu, những trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ có hiện tượng phải gồng cứng người, đỏ mặt, gắng sức mới đẩy phân ra ngoài được. Tính chất phân thường có viên nhỏ hoặc dính bết như đất sét.

Nếu tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh kéo dài có thể khiến cho trẻ bị hấp thụ chất dinh dưỡng không tốt, từ đó dẫn đến chậm phát triển thể chất, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng. Việc khó hoặc không thể đẩy phân ra ngoài nhanh có thể khiến cho đại tràng bị phình to, sa trực tràng, thậm chí là trĩ, những bệnh lý rất ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

2. Nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh cũng bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho trẻ sơ sinh bị táo bón:

Như đã nói ở trên, những trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn rất ít khi bị táo bón. Nếu có, nguyên nhân có thể do chế độ ăn của mẹ không lành mạnh, ăn nhiều đồ cay nóng, thiếu chất xơ hoặc ăn nhiều thực phẩm nhiều canxi, đạm, sắt cũng có thể khiến cho sữa mẹ khó tiêu hóa hơn, nguyên nhân gây ra táo bón cho trẻ sơ sinh.

Những trẻ được nuôi bằng sữa công thức, do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện hết nên các thành phần trong sữa công thức có thể khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị quá sức, dẫn đến hiện tượng khó tiêu và táo bón. Cũng có trường hợp trẻ bị táo bón xuất phát từ nguyên nhân cơ địa trẻ không phù hợp với một số thành phần có trong sữa công thức. Cũng có thể do pha sữa không đúng tỉ lệ ghi trên nhãn, khiến sữa bị đặc hơn.

Với những trẻ đã sang giai đoạn ăn dặm, nhất là ở những giai đoạn mới bắt đầu ăn, hệ tiêu hóa của trẻ chưa kịp làm quen với những loại thức ăn mới. Chế độ ăn có nhiều protein, canxi nhưng thiếu xơ và nước cũng là nguyên nhân trẻ ăn dặm bị táo bón.

Nguyên nhân khác có thể dẫn đến táo bón ở trẻ đó là do trẻ dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể trẻ nhưng vô tình tiêu diệt luôn các loại lợi khuẩn ở đường ruột, từ đó dẫn đến táo bón.

Việc đi tiêu đau đớn, khó khăn có thể tạo nên tâm lý sợ đi ngoài, quấy khóc mỗi khi phải đi tiêu. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải tìm cách để sớm chấm dứt tình trạng này cho trẻ.

3. Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh một cách nhanh chóng, hiệu quả

Dựa vào nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón là gì mà bố mẹ có thể tìm hiểu và tham khảo một số cách trị táo bón an toàn nhưng cũng không kém phần hiệu quả như sau:

3.1. Mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh thông qua ăn uống

– Đổi loại sữa cho trẻ

Trong trường hợp nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là do sữa công thức thì bố mẹ cần đổi loại sữa cho trẻ ăn. Có thể chọn những loại sữa có những thành phần như probiotic, chất xơ,… Cũng có một số loại sữa công thức dành riêng cho những trẻ sơ sinh hay bị táo bón mà bố mẹ có thể tham khảo để đổi cho con mình.

mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh

Đổi sữa cho trẻ có thể giúp tình trạng táo bón chấm dứt

Ngoài ra, khi chọn sữa công thức, bố mẹ cần chú ý:

+ Chọn những loại sữa có nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định rõ ràng

+ Cần pha sữa cho trẻ theo đúng tỉ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất đã ghi trên bao bì sản phẩm

+ Không pha sữa cùng các loại nước khác như nước cơm, cháo loãng, nước trái cây,…

+ Đảm bảo vệ sinh cho các dụng cụ cho bé ăn (bình sữa)

– Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần thay đổi chế độ ăn cho mẹ

Những trẻ có sữa mẹ là nguồn thức ăn chính, mẹ cần xem xét và điều chỉnh lại chế độ ăn của mình nếu nhận thấy trẻ có hiện tượng bị táo bón. Mẹ cần thêm vào bữa ăn của mình nhiều chất xơ hơn, uống nhiều nước hơn, giúp trẻ chấm dứt tình trạng táo bón.

– Đảm bảo trẻ có đủ nước

Trẻ bị táo bón đều cần được đảm bảo đủ lượng nước nạp vào cơ thể. Những trẻ bú sữa mẹ nếu bị thiếu nước là do trẻ đang bú quá ít, hoặc trẻ bị nôn trớ nhiều nên không thể đảm bảo lượng nước mà trẻ cần. Để giảm tình trạng táo bón, cần tăng cữ bú và lượng sữa mẹ của trẻ.

Những trẻ dưới 6 tháng không cần uống nước nhưng trẻ trên 6 tháng cần tập uống nước dần. Lưu ý, không cho trẻ uống nước nhiều quá có thể ảnh hưởng đến sức ăn cũng như khiến trẻ dễ bị nôn ói. Ngoài uống nước trắng có thể thay bằng nước hoa quả với lượng vừa phải. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ nếu như muốn cho trẻ bổ sung loại thực phẩm gì mới.

– Cho bé ăn dặm những loại thực phẩm nhiều chất xơ

Nếu trẻ đang ở trong tuổi ăn dặm mà ăn quá ít chất xơ có thể khiến cho trẻ bị táo bón. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ bên cạnh những loại thực phẩm như sữa chua sẽ giúp đường ruột hoạt động tốt hơn, tiêu hóa dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng táo bón.

3.2. Mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh thông qua hỗ trợ từ bên ngoài

– Giúp trẻ dễ đại tiện hơn nhờ massage cho trẻ

Cách làm này khá đơn giản và hiệu quả đối với những trẻ hay bị táo bón. Massage giúp nhu động ruột được kích thích, giúp phân được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn, giảm đầy bụng và táo bón cho trẻ.

– Cho trẻ vận động, tập thể dục hàng ngày cũng là cách để kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, tạo co bóp mạnh hơn để đường ruột tống phân ra ngoài nhanh và dễ hơn. Bài tập thể dục phổ biến và hiệu quả cho trẻ bị táo bón là bài tập đạp xe. Cụ thể như sau:

+ Để trẻ nằm ngửa, nắm nhẹ cổ chân trẻ và di chuyển như trẻ đang đạp xe

+ Duy trì tư thế này cho trẻ từ 10 đến 15 phút tùy vào mức độ hợp tác của trẻ

+ Cho trẻ tập hàng ngày

+ Không cho trẻ tập khi vừa ăn no, có thể khiến trẻ bị nôn trớ

– Cho trẻ ngâm mông vào nước ấm. Nước ấm có thể giúp cho cơ bụng trẻ được thư giãn, làm giảm các triệu chứng của táo bón, kích thích nhu động ruột, kích thích cơ hậu môn. Lưu ý, chỉ ngâm cho trẻ từ 5 đến 10 phút, tránh trẻ bị cảm lạnh.

mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh

Cho trẻ đi khám tại các bệnh viện để được kê thuốc táo bón nếu việc tự chữa không hiệu quả

– Dùng thuốc giảm táo bón theo đơn kê của bác sĩ. Phần lớn các trường hợp bị táo bón ở trẻ sơ sinh đều có thể được cải thiện sau khi cha mẹ đã áp dụng những cách trên. Nếu đã làm mọi cách mà tình trạng táo bón không chấm dứt, cha mẹ buộc phải đưa trẻ đi khám và dùng thuốc điều trị táo bón của bác sĩ kê. Không lạm dụng thuốc này vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho trẻ.

Nếu trẻ bị táo bón kèm theo những biểu hiện sau, cần đưa trẻ đi khám:

+ Phân kèm máu

+ Thời gian táo quá dài

+ Trẻ đau bụng dữ dội

+ Giảm cân

+ Mất nước

+ Lừ đừ, mệt mỏi

Táo bón ở trẻ, nhất là ở trẻ sơ sinh có thể mang đến nhiều nỗi lo lắng cho phụ huynh. Với những chia sẻ trong bài viết trên, mong rằng cha mẹ có thể tự xử lý, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng táo bón gây nhiều khó chịu cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital