Mẹo chăm con: Khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Sốt là phản ứng tự nhiên khi cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, co giật xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trẻ tăng lên quá cao. Thấy con bị co giật cha mẹ rất lo lắng, không biết làm gì mới tốt, có biến chứng nghiêm trọng không…Vậy khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao?

1. Sốt bao nhiêu độ dẫn tới co giật?

Sốt co giật xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, tập trung nhiều nhất là trẻ từ 12 – 18 tháng tuổi. Tình trạng co giật xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá cao, từ 38 độ trở lên. Khi mức nhiệt hơn 40 độ, tỷ lệ co giật gần như 100%.

khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao - số bao nhiêu độ sẽ co giật

Khi sốt trên 40 độ C, tỷ lệ trẻ bị co giật gần như 100%

Khi trẻ bị sốt, trung tâm điều khiển hạ nhiệt ở não bộ liên tục điều khiển giãn mạch máu, đổ mồ hôi để tăng thải nhiệt cho cơ thể. Mức nhiệt liên tục tăng cao khiến bộ máy này hoạt động quá tải, dẫn tới tình trạng co giật.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào sốt cao cũng dẫn tới co giật, điều này còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi bé. Với trẻ có cơ địa co giật do sốt, bé sốt trên 40 độ sẽ co giật, có khi bé chỉ sốt hơn 38 độ đã dẫn tới co giật nhưng với trẻ không có cơ địa co giật do sốt, thậm chí bé sốt hơn 40 độ mà vẫn  không bị co giật. Thực tế tỷ lệ trẻ em sốt co giật khá thấp, chỉ 2 – 4%.

2. Biểu hiện khi trẻ bị sốt co giật

Khi trẻ bị co giật do sốt, chân tay trẻ co cứng, đây là biểu hiện của cơn co giật toàn thể, kiểu cơn co cứng – giật cơ. Đi kèm với co giật, trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như nôn ói, sùi bọt mép, mắt trắng dã, mắt nhìn ngược lên trên… Thông thường, thời gian cơn co giật không qua 5 phút. Sau đó, trẻ sẽ lờ đờ, mệt mỏi và ngủ li bì cả tiếng đồng hồ.

Có 2 loại co giật do sốt ở trẻ em là co giật do sốt đơn thuần và co giật do sốt phức tạp.

– Với thể đơn thuần: Điển hình là cơn co giật toàn thể và co cứng cơ, không rối loạn tri giác, không có dấu hiệu bất thường về thần kinh, thời gian tối đa 15 phút.

– Với thể phức tạp: Điển hình là co giật khu trú, cơn co giật kéo dài hơn 15 phút và xuất hiện 2 cơn co giật trong một ngày.

3. Trẻ bị sốt co giật có biến chứng nguy hiểm không?

Co giật do sốt không phải tình trạng phổ biến ở trẻ em. nhưng cũng không quá nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ. Cơn co giật do sốt ở trẻ em thường lành tính, không dễ biến chứng nguy hiểm như động kinh, chậm phát triển…

Các biến chứng nghiêm trọng do sốt co giật gây ra như viêm não, viêm màng não, động kinh, thiểu năng… ít khi xảy ra với sốt thông thường mà chỉ khi sốt đi kèm với các bệnh lý khác. Vì vậy, cha mẹ không cần quá quá lo lắng.

Thực tế, nhiều cha mẹ lo lắng co giật biến chứng động kinh nên khi thấy con bị co giật do sốt đã tự ý cho bé uống thuốc điều trị động kinh. Điều này là không cần thiết vì tỷ lệ biến chứng động kinh ở trẻ co giật rất thấp.

Biến chứng động kinh có khả năng xảy ra trong trường hợp cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần, thời gian cơn co giật kéo dài, sau co giật trẻ yếu và có triệu chứng liệt… Bên cạnh đó, nếu gia đình có tiền sử người động kinh thì khả năng trẻ bị động kinh cao hơn. Để chuẩn đoán chính xác nhất, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm chuyên môn.

4. Các bước xử lý khi trẻ bị co giật

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện co giật do sốt, phụ huynh cần giữ bình tĩnh. Sau đó, lập tức thực hiện một số biện pháp hạ nhiệt nhanh, tránh trẻ bị sặc, trớ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, lập tức đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Bước 1: Những việc cần làm ngay lập tức.

khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao - đặt trẻ nằm nghiêng

Đặt trẻ nằm nghiêng, bỏ bớt quần áo

– Đặt bé ở nơi thoáng mát, nằm nghiêng, tránh sặc trớ.

– Không đắp chăn, nới lỏng quần áo để giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh hơn.

– Nếu trẻ có dấu hiệu cắn lưỡi, dùng vật đè lưỡi. Lưu ý không đề cây đè lưỡi vào quá sâu, tránh nôn ói.

– Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc, uống nước hay cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ vì dễ bị sặc.

Bước 2: Đặt thuốc hạ sốt hậu môn.

– Đặt viên đặt hạ sốt hậu môn vào ngăn đá 1 – 2 phút.

– Nhét thuốc vào hậu môn để hạ sốt. Liều lượng theo cân nặng, 10 – 15 mg x kg cân nặng.

Bước 3: Làm mát cơ thể.

– Dùng nước ấm khoảng 34 – 35 độ lau người cho bé, tập trung vào các vị trí như cổ, nách, trán, bẹn. Giữ khăn ở các vị trí này 5 – 10 phút thay khăn 1 lần. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá chườm hạ sốt cho bé.

– Nếu trẻ vẫn không hạ nhiệt, hãy cho bé vào bồn nước ấm 34 – 35 độ khoảng 5 phút, giữ đầu không ngập nước. Tắm xong lau khô nhanh và mặc quần áo mỏng cho bé.

Bước 4: Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

– Khi trẻ đã hạ sốt, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục điều trị, tránh phát sinh các cơn co giật tiếp theo.

5. Điều cần tránh khi trẻ bị sốt co giật

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng đến luống cuống chân tay không biết làm gì khi thấy con bị co giật. Từ đó mà nghe nhiều lời khuyên dân gian không có cơ sở nhận lại tác dụng ngược.

Bên cạnh việc cố gắng giữ bình tĩnh, thực hiện các bước như trên, cha mẹ cần lưu ý các điều dưới đây:

– Không giữ chặt chân tay bé chống lại cơn co giật, điều này dễ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

– Không giật tóc hay đánh vào người bé, việc này có thể khiến cơn co giật diễn ra lâu hơn, chiều hướng nặng hơn.

– Không dùng vật cứng chặn miệng trẻ vì sẽ làm tổn thương miệng, sứt lợi, chảy máu.

– Không dùng nước đá lau người hay tắm cho bé vì sẽ gây sốc nhiệt.

– Không cho trẻ ăn, uống bất kỳ thứ gì khi đang trong cơn co giật, trẻ sẽ bị sặc, ngạt đường thở.

– Phụ huynh không nên cho bé hạ sốt bằng Aspirin khi không có sự đồng ý của bác sĩ.

– Trẻ sốt cao sẽ mất nước, sau cơn co giật, cho trẻ uống nhiều nước hay oresol để bù nước kịp thời.

6. Cách chăm sóc trẻ sốt cao tránh co giật?

Chữa bệnh không bằng phòng bệnh, khi bé bị sốt cần nhanh chóng hạ sốt, tránh để trẻ sốt cao dẫn tới co giật. Một số biện pháp hỗ trợ hạ sốt hiệu quả cho bé như sau:

– Cởi bớt quần áo cho bé, chỉ nên mặc lớp quần áo mỏng, rộng rãi. Việc mặc quá nhiều lớp quần áo khiến nhiệt không có chỗ thoát ra ngoài, lâu hạ sốt.

– Thực hiện chườm khăn ấm cho bé ở những vị trí quan trọng như trán, cổ, nách, bẹn.

– Tuyệt đối không làm theo các bài thuốc dân gian không có cơ sở khoa học như vắt chanh vào miệng bé…

– Không thực hiện kết hợp nhiều phương pháp hạ sốt một lúc. Nhiều cha mẹ cuống quá, nghĩ làm như vậy sẽ hạ sốt nhanh hơn nên vừa cho con uống thuốc hạ sốt, vừa dùng viên hạ sốt hậu môn, việc này có thể gây quá liều dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn.

khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao - tủ thuốc gia đình

Chuẩn bị sẵn tủ thuốc gia đình với đầy đủ thuốc hạ sốt tại nhà

Quan trọng nhất, nếu nhà có trẻ nhỏ, hãy chuẩn bị sẵn hộp thuốc gia đình. Trong đó có đầy đủ nhiệt kế thủy ngân, thuốc uống hạ sốt, thuốc hạ sốt hậu môn… để thực hiện hạ sốt cho bé bất kỳ lúc nào.

Trên đây là giải đáp chi tiết về việc khi trẻ bị sốt co giật phải làm sao và các biện pháp hạ sốt nhanh cho bé, tránh dẫn tới co giật. Mặc dù sốt co giật lành tính nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ biến chứng. Cha mẹ cần nắm rõ cách chăm sóc trẻ bị sốt để bảo vệ sức khỏe của con tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital