Mẹ nên và không nên làm gì khi trẻ biếng ăn?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ biếng ăn là một vấn đề nan giải mà bố mẹ nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết nên làm gì khi trẻ biếng ăn để khắc phục vì tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Điểm mấu chốt” để khắc phục hiệu quả chính là tìm ra nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Trên thực tế, có rất nhiều cha mẹ không xác định đúng nguyên nhân, áp dụng nhiều giải pháp không đúng vô tình làm cho tình trạng chán ăn của trẻ kéo dài dai dẳng.

1. Nguyên nhân và những việc nên làm khi trẻ biếng ăn

1.1 Trẻ biếng ăn do đang bị ốm

Khi bị ốm, cơ thể trẻ thường hay mệt mỏi, thường xuyên có cảm giác chán ăn. Khi thấy đột nhiên trẻ biếng ăn kèm theo những triệu chứng cảm cúm như ho, hắt hơi, nghẹt mũi,… thì nhiều khả năng trẻ đang bị ốm.

Khi trẻ bị ốm, cơ thể hay bị mệt mỏi kèm theo cảm giác chán ăn

Khi trẻ bị ốm, cơ thể hay bị mệt mỏi kèm theo cảm giác chán ăn

Thông thường, tình trạng này chỉ diễn ra trong vòng vài ngày nên mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện một số biện pháp kèm theo giúp con nhanh chóng khỏi bệnh:

– Dựa vào dấu hiệu cơ thể của bé mà mẹ có thể xác định chính xác bệnh và điều trị triệt để.

– Mẹ nên chế biến thức ăn dạng lỏng, mềm và tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất,… giúp bé tăng cường sức đề kháng và khỏi bệnh nhanh chóng hơn.

– Ưu tiên cho trẻ ăn các món yêu thích, thơm ngon để kích thích vị giác trong những ngày trẻ mắc bệnh.

– Quan tâm tới tâm lý của bé để điều chỉnh chế độ sinh hoạt cho phù hợp.

1.2 Trẻ biếng ăn do khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày

Trẻ trở nên biếng ăn, thậm chí chán ghét đồ ăn do khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày gặp những vấn đề sau:

– Món ăn có mùi vị khác lạ hoặc hình thức không đẹp mắt mà vẫn bị ép ăn, dẫn đến hiện tượng chúng sẽ ác cảm với đồ ăn, hay quấy khóc và không chịu ăn. Khi đó, mẹ nên nhớ nguyên tắc cơ bản là không được ép buộc trẻ ăn, thay vào đó mẹ nên kích thích để trẻ có cảm giác tự thèm ăn. Mẹ nên chế biến thức ăn theo nhiều kiểu khác nhau, đồng thời bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng và các chế phẩm từ sữa dành cho trẻ biếng ăn.

– Thực đơn của trẻ nhàm chán, ít thay đổi do nhiều mẹ hay chú trọng cho trẻ ăn món quen thuộc, lặp lại trong nhiều ngày khiến trẻ cảm thấy chán ngán.Trong trường hợp này mẹ chỉ cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) trong một khẩu phần ăn của trẻ và thay đổi thường xuyên để tránh tình trạng cho bé ăn đi ăn lại một món trong thời gian dài. Cách tốt nhất nên xen kẽ giữa các loại thức ăn mới và cũ mà trẻ thích. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể lên kế hoạch thức ăn một tuần cho trẻ để đảm bảo sự phong phú của thực đơn.

– Chế độ ăn uống của trẻ không điều độ, ăn quá nhiều hoặc quá ít trong một bữa làm cản trở quá trình bài tiết các men tiêu hóa, khiến trẻ sợ ăn. Khi đó trẻ không còn cảm giác ngon miệng vì cơ thể đang thiếu vi chất thiết yếu như vitamin, kẽm, sắt, đồng,…  Do đó, thực đơn của trẻ phải đảm bảo tỷ lệ cân bằng giữa các chất dinh dưỡng.

1.3 Nên làm gì khi trẻ biếng ăn do tâm lý?

Trẻ có biểu hiện sợ hãi, khóc nhiều, co người lại, ngậm chặt miệng khi thấy đồ ăn. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ đã từng gặp phải sự cố trong lúc ăn trước đây như bị sặc, nghẹn, hóc xương

Với những trường hợp này, bố mẹ nên cho ăn khi bé thoải mái tinh thần, sử dụng các công cụ thay thế hoặc trang trí đồ ăn để kích thích vị giác của bé. Ngoài ra mẹ nên tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn gồm nhiều thành viên để bé có thể quên đi tâm lý sợ ăn. Đối với những trường hợp trẻ biếng ăn nghiêm trọng thì cần phải cho trẻ ăn thêm những thực phẩm giàu năng lượng như sữa dành cho trẻ biếng ăn.

Nên làm gì khi trẻ biếng ăn do tâm lý? Hãy tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn gồm nhiều thành viên

Nên làm gì khi trẻ biếng ăn do tâm lý? Hãy tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn gồm nhiều thành viên

1.4 Bố mẹ nên làm gì khi trẻ biếng ăn do bé bị bệnh

Một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ nhỏ gây ra hiện tượng lười ăn, ăn không ngon miệng là trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy, táo bón,… là bệnh rất phổ biến vì hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn non nớt, chưa đủ khả năng chống lại sự xâm nhập của hại khuẩn vào đường ruột. Cách khắc phục khi trẻ gặp hiện tượng này là mẹ ưu tiên cho trẻ ăn loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa,… Đồng thời, tăng cường bổ sung những thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn để giúp con cân bằng hệ vi sinh đường ruột, trẻ sẽ tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn thuận lợi hơn.

Với những bệnh do thay đổi thời tiết như sốt, ho, viêm tiểu phế quản, dị ứng,… làm ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của trẻ bố mẹ nên cho bé đến bệnh viện uy tín để điều trị bệnh lý dứt điểm, tránh tình trạng kéo dài gây ra hệ lụy sức khỏe không mong muốn.

2. Những điều ba mẹ không nên làm khi trẻ biếng ăn

Khi trẻ biếng ăn, bố mẹ tuyệt đối không ép con ăn, không dọa nạt gây ra tâm lý sợ hãi ở trẻ

Khi trẻ biếng ăn, bố mẹ tuyệt đối không ép con ăn, không dọa nạt gây ra tâm lý sợ hãi ở trẻ

Ngoài việc trên, khi trẻ biếng ăn mẹ cần lưu ý những việc sau:

– Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh và ăn đồ lạnh, vì dễ ảnh hưởng đến họng của trẻ, gây khó chịu và dẫn đến việc trẻ ăn không ngon miệng.

– Trong bữa ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa uống vì như vậy sẽ tạo cảm giác no giả, trẻ ăn ít lại. Thay việc cho bé uống nước lọc hoặc các loại nước khác, hãy cho bé uống nước canh, nước xương hầm để cung cấp thêm dưỡng chất.

– Không cho trẻ ăn bữa phụ quá gần bữa chính, ít nhất nên cách khoảng 1 tiếng. Thêm vào đó, nhiều mẹ có thói quen cho bé uống sữa ngay khi ăn xong, việc này sẽ khiến dạ dày khó tiêu hơn.

– Tuyệt đối không ép trẻ ăn, không dọa nạt mắng con trong bữa ăn sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, nôn trớ nhiều hơn. Nếu bé không thích ăn thịt gà mẹ có thể thay bằng thịt lợn, thịt bò, hải sản, nếu bé không thích ăn rau mẹ tìm cách chế biến như xay nhuyễn để bổ sung vào khẩu phần ăn cho trẻ. Việc bé cảm thấy hứng thú với bữa ăn là yếu tố quan trọng để cơ thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Trên đây là danh sách những việc ba mẹ nên làm và không nên làm khi trẻ biếng ăn. Bé lười ăn, chậm tăng cân là hiện tượng rất phổ biến nên ba mẹ đừng quá sốt ruột, hãy kiên trì thay đổi nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục cho con hiệu quả. Bên cạnh đó, các bố mẹ nên chú ý sự thay đổi của cơ thể trẻ, nếu ngoài hiện tượng biếng ăn trẻ có dấu hiệu bất thường khác thì nên cho bé đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital