Mất ngủ triền miên có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Trong khi có người chỉ bị mất ngủ trong một thời gian ngắn thì rất nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ triền miên. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh, đồng thời làm dấy lên những băn khoăn liệu mất ngủ kéo dài như vậy có gây nguy hiểm tới sức khỏe hay không? Cùng giải đáp ngay trong bài viết dưới đây. 

1. Thế nào là mất ngủ triền miên?

Mất ngủ triền miên hay còn gọi là mất ngủ mạn tính, mất ngủ kinh niên là tình trạng người bệnh bị mất ngủ ít nhất 3 đêm/tuần, diễn ra liên tục trong 1 tháng hoặc lâu hơn. Các biểu hiện của mất ngủ kéo dài gồm:

– Không ngủ 1 mạch cả đêm, thường xuyên thức dậy nhiều lần trong đêm

– Gặp khó khăn trong việ bắt đầu giấc ngủ

– Buồn ngủ nhưng khi nằm xuống lại không thể ngủ được

– Tính tình có sự thay đổi, hay cáu gắt hơn

– Suy giảm trí nhớ

– Mệt mỏi thường xuyên, buồn bã khó tập trung

– Luôn cảm thấy chán nản về cuộc sống, thường xuyên u sầu

mất ngủ triền miên là gì?

Rất nhiều người bị mất ngủ liên tục từ 1 tháng trở lên.

2. Tình trạng mất ngủ kéo dài có gây nguy hiểm không?

Bởi giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sự nghỉ ngơi và phục hồi của cơ thể nên nếu thời gian ngủ ít, chất lượng giấc ngủ kém do mất ngủ kéo dài thì người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc.

Khác với mất ngủ cấp tính thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi, mất ngủ mạn tính sẽ kéo dài và rất khó để điều trị. Bên cạnh đó, mất ngủ trong một thời gian dài còn có thể cảnh báo những rối loạn và nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, ung thư. 

Vì vậy, ngay khi nhận thấy những biểu hiện mất ngủ, hãy thăm khám sớm với các chuyên gia Nội thần kinh để được khám và điều trị sớm, ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra.

3. Mất ngủ thường xuyên gây ra những nguy hiểm gì đối với cơ thể?

3.1 Mất tập trung 

Việc mất ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc liên tục trong một thời gian dài khiến chức năng xử lý thông tin và ghi nhớ của não bộ bị gián đoạn. Vì vậy, người bệnh sẽ luôn cảm thấy chậm chạp, khó tập trung vào công việc và giảm khả năng ghi nhớ mọi thứ.

Thậm chí, nhiều trường hợp người bệnh gặp phải tai nạn do không thể tỉnh táo và tập trung khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Mất ngủ triền miên nguy hiểm như thế nào?

Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không thể tỉnh táo vào ban ngày, do đó dễ gặp tai nạn khi tham gia giao thông.

3.2 Tăng cân nhanh và mất kiểm soát

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mất ngủ liên tục khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng. Khi đó, các cơ quan trong cơ thể không đảm nhiệm các chức năng của nó. Lượng calo không được tiêu hao sẽ tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây tình trạng tăng cân.

Ngoài ra, việc mất ngủ có thể kích thích vùng não điều khiển việc ăn uống, kích thích thèm ăn, đặc biệt là thức ăn giàu chất béo. Điều này khiến cơ thể dung nạp nhiều chất dinh dưỡng hơn. Calo, mỡ được không được tiêu hao cũng từ đó tích tụ nhiều hơn khiến trọng lượng tăng lên nhanh chóng.

3.3 Rối loạn lo âu do mất ngủ triền miên

Mất ngủ thường xuyên sẽ khiến não bộ và hệ thần kinh không được nghỉ ngơi, gây ra tình trạng rối loạn cảm xúc, lo âu, khiến người bệnh dễ cáu gắt, uể oải… Ngoài ra mất ngủ cũng là nguồn gốc của nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự kỉ… 

3.4 Ảnh hưởng đến tim mạch

Tình trạng mất ngủ diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến hệ thần kinh giao cảm phải hoạt động nhiều hơn. Lúc này, các mạch máu dễ co lại gây tăng huyết áp và áp lực lên hệ tim mạch nói chung. 

Bên cạnh đó, mất ngủ cũng gây rối loạn insulin trong máu. Tình trạng tăng cân và tích tụ mỡ thừa cũng là những yếu tố nguy cơ gây khởi phát các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, đột quỵ…

3.5 Tiềm ẩn nguy cơ ung thư do mất ngủ triền miên

Các nghiên cứu cho thấy, các bệnh nhân bị mất ngủ có nguy cơ cao mắc các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa. Nguyên nhân bởi tình trạng mất ngủ thường xuyên có thể làm hạn chế sản sinh hormone melatoin – loại chất được sản xuất trong khi ngủ có thể chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u. 

Cụ thể, theo nghiên cứu tại Anh năm 2008, những phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng/ đêm có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người có giấc ngủ bình thường. Một nghiên cứu khác tại trường Đại học Harvard Mỹ cũng đã chỉ ra, nếu ngủ ít hơn 6 tiếng/ đêm, người bệnh có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng dẫn tới ung thư ruột kết. 

3.6 Ảnh hưởng đến làn da

Mất ngủ thường xuyên có thể khiến da khô hơn và nhạy cảm hơn, từ đó dễ hình thành viêm mụn và nếp nhăn sớm.

Các chuyên gia da liễu lý giải tình trạng này xảy ra là do việc thiếu ngủ có thể gây ức chế cơ thể sinh ra hormone sinh trưởng trên da. 

tác hại của việc mất ngủ trong thời gian dài

Mất ngủ kéo dài có thể gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột kết.

Như vậy, mất ngủ triền miên là tình trạng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Càng chẩn đoán và điều trị sớm, đúng hướng thì cơ hội chữa khỏi bệnh và hạn chế được những biến chứng càng cao. Vì vậy, người bệnh nên chủ động đi khám khi có các triệu chứng đầu tiên để được hỗ trợ điều trị và cải thiện hiệu quả. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital