Mất ngủ tiền mãn kinh ở phụ nữ xảy ra do đâu?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Những rối loạn nội tiết tố xuất hiện khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh khiến phụ nữ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như khó chịu, dễ nổi cáu, bốc hỏa và đặc biệt là chứng mất ngủ tiền mãn kinh. Tình trạng này đang diễn ra ngày càng phổ biến và làm suy giảm nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của nữ giới.

1. Mất ngủ tuổi tiền mãn kinh là hiện tượng gì?

Tiền mãn kinh là giai đoạn rối loạn nội tiết ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 – 53 tuổi. Ở giai đoạn này, phụ nữ sẽ thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi và xuất hiện những triệu chứng như: dễ nổi cáu, bốc hỏa, khó chịu… Trong đó, nổi bật là tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc…

Hiện nay, mất ngủ độ tuổi tiền mãn kinh đang là tình trạng khá phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Tùy từng trường hợp mà tình trạng mất ngủ có thể xảy ra khác nhau, có người khó vào giấc ngủ, một số  khác hay tỉnh giấc, tỉnh dậy lúc nửa đêm và không thể ngủ lại. Thậm chí, nhiều người chia sẻ mỗi ngày họ chỉ ngủ được khoảng 2 – 3 tiếng.

Mất ngủ tiền mãn kinh là tình trạng mà rất nhiều phụ nữ gặp phải

Phụ nữ bước vào giai đoạn ở tuổi 45 – 53 thường gặp tình trạng mất ngủ.

2. Nguyên nhân gây mất ngủ ở tuổi tiền mãn kinh

Mất ngủ là triệu chứng mà hầu như ai cũng có thể gặp phải khi bắt đầu bước vào độ tuổi tiền mãn kinh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do những yếu tố sau:

2.1 Mất ngủ tiền mãn kinh do suy giảm sản xuất lượng hormone Melatonin

Một trong những nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh đó là do suy giảm lượng hormone Melatonin trong cơ thể. Melatonin là loại hormone có tác dụng điều hòa trạng thái thức và ngủ ở mỗi người. Hormone này sẽ từ từ suy giảm sau 35 tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Sự thiếu hụt loại hormone này sẽ gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ và làm phụ nữ mệt mỏi, suy kiệt.

2.2 Rối loạn nội tiết tố Estrogen

Cơ chế đi vào giấc ngủ của cơ thể đó là cần có sự phối hợp giữa hệ thống thần kinh và nội tiết. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, sự suy giảm nội tiết tố Estrogen dễ khiến cơ thể bị bốc hỏa. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ. Bên cạnh đó, những biến đổi về tâm sinh lý như: căng thẳng, thường xuyên lo lắng, đổ mồ hôi… ở thời kỳ tiền mãn kinh cũng có thể làm tình trạng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn.

2.3 Mất ngủ tiền mãn kinh do các bệnh lý

Phụ nữ tiền mãn kinh thường có nguy cơ cao mắc các bệnh về cơ xương khớp, điển hình như: viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… hay các bệnh về thiếu máu não, đau đầu, tim mạch, các bệnh lý hô hấp, tiết niệu. Tất cả những yếu tố này đều là nguyên nhân tác động trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh.

2.4 Stress, căng thẳng, mệt mỏi

Sự thay đổi nội tiết tố cùng với các vấn đề từ gia đình, xã hội, áp lực trong công việc, cuộc sống khiến nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng stress, căng thẳng, lo âu. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ, dẫn đến triệu chứng mất ngủ ở tuổi tiền mãn kinh.

2.5 Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh

Thói quen ngủ nghỉ không hợp lý, cùng với việc thường xuyên thức khuya, dậy sớm, ít vận động, hạn chế thể dục thể thao… rất dễ tác động xấu tới chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cacao, cà phê hay các loại đồ uống có gas, ăn nhiều đồ ngọt… đều là những nguyên nhân gây mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh.

2.6 Môi trường sống

Một nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ ở phụ nữ ở độ tuổi này phải kể đến đó là ảnh hưởng từ môi trường sống. Một môi trường sống nhiều tiếng ồn, không vệ sinh cũng gây ra chứng mất ngủ. Tình trạng này đặc biệt thường gặp ở đối tượng phụ nữ sống tại thành thị.

Mất ngủ tiền mãn kinh do rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố ở thời kỳ tiền mãn kinh dễ khiến phụ nữ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và gây ra mất ngủ

3. Tác hại của chứng mất ngủ tuổi tiền mãn kinh

Tình trạng mất ngủ do tiền mãn kinh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như:

– Mệt mỏi, lừ đừ do thiếu năng lượng vào ban ngày, luôn có cảm giác buồn ngủ, thèm ngủ.

– Nhận thức kém, khó tỉnh táo và phản xạ chậm chạp.

– Rối loạn trong sinh hoạt và công việc.

– Tâm lý dễ căng thẳng, chán nản, suy nhược thần kinh hay thậm chí là trầm cảm.

– Làm gia tăng các triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh như: giảm ham muốn, khó kiểm soát cảm xúc, khô âm đạo…

– Da nhanh bị lão hóa, bị mụn, viêm, chảy xệ và kém tươi tắn.

– Gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch…

4. Cần làm gì để cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ tuổi tiền mãn kinh

Mất ngủ tuổi tiền mãn kinh dễ khiến cho phụ nữ bị mệt mỏi, khó chịu, khó kiểm soát tâm lý. Để cải thiện đáng kể tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau:

4.1 Xây dựng thời gian biểu cho các hoạt động trong ngày

Lên rõ thời gian cho từng hoạt động sẽ giúp cân bằng lại thời gian làm việc và nghỉ ngơi trong ngày. Từ đó, cơ thể cũng sẽ xây dựng được nhịp sinh học hợp lý và làm người bệnh dễ ngủ hơn.

4.2 Luyện tập thể dục thể thao

Ở độ tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ nên tập luyện những môn thể thao như: chạy bộ, bơi lội, yoga… sẽ giúp tiêu hao những năng lượng dư thừa. Mặt khác, việc tập luyện thể dục thể thao cũng sẽ giúp đầu óc thư giãn, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực để có một giấc ngủ ngon hơn.

4.3 Giữ phòng luôn sạch sẽ, thoáng mát

Một không gian phòng ngủ đủ sạch sẽ, thoáng mát sẽ khiến người bệnh thoải mái, dễ chịu hơn, từ đó giấc ngủ sẽ đến dễ dàng hơn.

4.4 Hạn chế cảm xúc mạnh

Trước khi đi ngủ, nên tránh những cảm xúc mạnh như quá phấn khích, vui vẻ hay quá buồn. Những cảm xúc này là nguyên nhân khiến phụ nữ khó ngủ, ngay cả khi không ở độ tuổi tiền mãn kinh.

4.5 Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp phụ nữ bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết và nâng cao sức khỏe, đồng thời giảm bớt những triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh.

Cải thiện tình trạng mất ngủ tuổi tiền mãn kinh nhờ duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng khó ngủ tuổi tiền mãn kinh

Mất ngủ tiền mãn kinh là triệu chứng điển hình mà phần lớn phụ nữ đều phải trải qua. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan mà hãy nhanh chóng thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ điều trị sớm, tránh gây hậu quả nặng nề cho cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital