Mất ngủ là gì và làm thế nào cải thiện tình trạng mất ngủ?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Với mức độ ngày càng phổ biến và những hệ lụy gây ra cho sức khỏe, công việc của người bệnh, mất ngủ đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu mất ngủ là gì, nguyên nhân gây mất ngủ và làm sao để cải thiện?

1. Mất ngủ là tình trạng gì?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, chiếm đến 50% các trường hợp có rối loạn về giấc ngủ. Biểu hiện của mất ngủ có thể đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh, nhưng thường gặp nhất là tình trạng:

– Khó đi vào giấc ngủ

– Ngủ không sâu giấc

– Thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ lại được

– Cảm thấy mệt mỏi mỗi khi thức dậy

Mất ngủ có 2 dạng chủ yếu là: mất ngủ cấp tính (các triệu chứng diễn ra trong thời gian ngắn, dưới 1 tháng) và mất ngủ mạn tính (tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục 3 lần/tuần hoặc trên 1 tháng).

Bệnh mất ngủ là gì?

Hiện nay rất nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc.

2. Nguyên nhân gây mất ngủ là gì?

Nếu chỉ bị mất ngủ thoáng qua thì nguyên nhân gây mất ngủ có thể do căng thẳng, stress; rối loạn giờ thức và ngủ trong ngày do lịch làm việc thay đổi hoặc chênh lệch múi giờ; lạm dụng các chất gây nghiện và chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá, rượu bia,…; ăn quá no trước giờ ngủ; không gian ngủ xung quanh có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm không thích hợp …

Nếu không phải do những nguyên nhân trên gây ra, đồng thời người bệnh bị mất ngủ trong thời gian dài mà không thuyên giảm hoặc chấm dứt thì có thể đó là mất ngủ mạn tính. Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính thường do người bệnh gặp vấn đề về sức khỏe hoặc mắc một số bệnh mạn tính. 

3. Các bệnh lý thường gặp có liên quan đến chứng mất ngủ

3.1 Bệnh dị ứng

Các chất gây dị ứng trong không khí có thể gây viêm mũi và kích hoạt sản xuất các chất gây nghẹt mũi. Tình trạng này không chỉ khiến người người bệnh khó chịu vào ban ngày mà có thể gây ảnh hưởng, làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm, gây mất ngủ nghiêm trọng.

3.2 Bệnh viêm khớp

Những người bị viêm khớp thường cảm thấy đau đớn vào ban đêm, dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Ngược lại, việc thiếu ngủ, mất ngủ cũng có thể làm tăng triệu chứng viêm, sưng, đau khớp. Vòng luẩn quẩn tiếp diễn có thể “hành hạ” người bệnh mỗi đêm.

3.3 Bệnh tim mạch

Bệnh động mạch vành hay các vấn đề khác về tim và phổi có thể gây ra tình trạng khó thở hoặc cơn đau ngực khi ngủ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ.

Nguyên nhân gây mất ngủ là gì?

Bệnh tim mạch có thể là nguyên nhân gây mất ngủ về đêm.

3.4 Bệnh tuyến giáp

Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm các hoạt động trao đổi chất khác của cơ thể tăng theo. Điều ngày khiến người bệnh luôn cảm thấy bồn chồn, tràn đầy năng lượng, vì vậy không thể thư giãn để chìm vào giấc ngủ.

3.5 Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ ở những người trong độ tuổi từ 45 đến 64. Các triệu chứng của bệnh bao gồm ợ nóng, ho và nghẹt thở khi nằm xuống, tình trạng viêm nướu, đau họng, ợ hơi, hôi miệng…chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ.

3.6 Thay đổi nội tiết tố

Ở giai đoạn mãn kinh (khoảng 50 tuổi), cơ thể phụ nữ thường có sự thay đổi nội tiết tố, dẫn đến tình trạng ngủ không ngon giấc.

3.7 Bệnh lý tâm thần

Bệnh mất ngủ mạn tính có thể liên quan đến một số bệnh lý tâm thần, điển hình như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu, stress sau chấn thương, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ… Ngoài ra, nghiện rượu và các chất dạng thuốc phiện cũng có thể gây rối loạn tâm thần kinh, khiến người bệnh mất ngủ.

3.8 Các rối loạn giấc ngủ khác

Ngoài mất ngủ, rối loạn giấc ngủ còn có các dạng khác như ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ… Các tình trạng này cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, gây ra bệnh mất ngủ.

4. Những ai dễ bị mất ngủ?

Tình trạng mất ngủ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả ở một số nhóm đối tượng sau:

– Người cao tuổi: Những người trên 60 – 65 tuổi thường dễ bị mất ngủ hơn do những thay đổi của cơ thể liên quan đến lão hóa, do các bệnh lý, các loại thuốc điều trị.

– Người mắc các bệnh lý: Người mắc các bệnh mạn tính kể trên rất dễ bị mất ngủ.

– Phụ nữ: Phụ nữ thường bị mất ngủ nhiều hơn nam giới do các vấn đề như rối loạn nội tiết tố, chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ,…

– Người thường xuyên căng thẳng, stress: Những người gặp nhiều áp lực trong công việc và các vấn đề trong cuộc sống cũng có xu hướng khó ngủ, mất ngủ nhiều hơn người bình thường.

– Người làm ca đêm/thay đổi múi giờ: Tình trạng mất ngủ dễ xảy ra ở những người làm ca đêm, giờ ngủ không cố định, đi du lịch, du học ở một quốc gia khác trái múi giờ.

– Người có lối sống thiếu khoa học: Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng,… có nguy cơ cao bị mất ngủ.

Nếu thuộc một trong các đối tượng trên, bạn cần theo dõi giấc ngủ của mình. Nếu tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục, với tần suất từ 3 lần/tuần trở lên và kéo dài trong 1 tháng hoặc việc mất ngủ gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thì người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp.

5. Điều trị mất ngủ như thế nào? 

5.1 Phương pháp không dùng thuốc chữa mất ngủ là gì? Có hiệu quả không?

Khi mới bị mất ngủ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chữa mất ngủ tức thời như:

– Thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh, massage, ngâm chân với nước ấm…

– Tập luyện, vận động nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày, các bài tập như đi bộ, thiền, yoga

– Sử dụng các loại trà thảo mộc như trà hoa đậu biếc, trà hoa cúc, trà lạc tiên, trà mộc lan,…

– Tạo không gian ngủ thoải mái, mát mẻ, yên tĩnh, nhiệt độ phòng phù hợp

– Không sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ

– Sử dụng các loại tinh dầu có thể giúp ngủ ngon, cải thiện chứng mất ngủ

Phương pháp điều trị bệnh mất ngủ là gì?

Các triệu chứng mất ngủ có thể được cải thiện hiệu quả nhờ thăm khám và điều trị với chuyên gia Nội thần kinh.

5.2 Phương pháp dùng thuốc chữa mất ngủ là gì? Cần lưu ý điều gì?

Trong trường hợp mất ngủ trầm trọng, kéo dài nhiều ngày, đã dùng các biện pháp mà vẫn không cải thiện, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc Tây. Tùy theo tình trạng mất ngủ, độ tuổi và các bệnh lý kèm theo của mỗi người mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, thường gồm một số loại sau:

– Nhóm thuốc an thần: Tiêu biểu là Clonazepam, Diazepam, Bromazepam… thường dùng trong các trường hợp người bệnh bị mất ngủ do căng thẳng, kích thích thần kinh.

– Nhóm thuốc gây ngủ: Có tác dụng ức chế trực tiếp vào hệ thần kinh, gây ra những cơn buồn ngủ tức thì, ví dụ như Phenobarbital hay Zolpidem.

– Nhóm thuốc kháng histamin: Có thể kể đến như Promethazine, Dimedrol,  Clorpheniramin,… 

– Nhóm thuốc trầm cảm 3 vòng: Loại thuốc này cũng có tác dụng tốt với những người mất ngủ, có thể kể đến như Mirtazapine, Clomipramine,…

– Nhóm thuốc bổ não: Sử dụng cho các trường hợp mất ngủ do thiếu máu lên não, thiếu sắt.

Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đơn, tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều lượng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và những tác dụng phụ không mong muốn.

Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp phần nào mất ngủ là gì và làm sao để điều trị bệnh mất ngủ. Để chữa mất ngủ một cách hiệu quả và an toàn, hãy tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia Nội thần kinh và các thiết bị chẩn đoán hiện đại. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital