Mất ngủ buổi trưa có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Khó ngủ hoặc mất ngủ buổi trưa là hiện tượng rất nhiều người gặp phải. Mặc dù tình trạng này không phải là một bệnh lý nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là nguyên nhân, hậu quả và biện pháp cải thiện giấc ngủ trưa của bạn.

1. Tác dụng của giấc ngủ trưa

Quá trình bài tiết trong cơ thể chia làm hai thời điểm là 2 đến 4 giờ sáng và 13 đến 15 giờ chiều. Vì vậy giấc ngủ trưa và giấc ngủ đêm đều quan trọng đối với cơ thể. Dưới đây là tác dụng của giấc ngủ trưa:

– Ngủ trưa giúp cơ thể được nghỉ ngơi sau một buổi sáng làm việc mệt mỏi.

– Duy trì thói quen ngủ trưa giúp bạn phòng ngừa được nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, mất ngủ, đau đầu và các bệnh lý về não.

– Đối với trẻ em, giấc ngủ trưa có tác dụng giải tỏa đầu óc, giúp não bộ của trẻ phát triển tối hơn. Đối với người lớn, ngủ trưa giúp xua tan mệt mỏi và bổ sung năng lượng, lấy lại tinh thần để phục vụ cho công việc buổi chiều.

– Nếu bạn bị mất ngủ hoặc ngủ ít vào buổi đêm thì ngủ trưa có thể giúp bạn bổ sung giấc ngủ vào buổi tối, giảm các triệu chứng buồn ngủ, mệt mỏi do thiếu ngủ.

Ngủ trưa 30 phút giúp giải tỏa áp lực và bổ sung năng lượng sau một buổi sáng làm việc

Ngủ trưa 30 phút giúp giải tỏa áp lực và bổ sung năng lượng sau một buổi sáng làm việc

2. Nguyên nhân gây mất ngủ buổi trưa

Các nghiên cứu khẳng định nếu bạn không thể ngủ trưa hoặc khó ngủ trưa thì đây là tình trạng mất ngủ. Nếu mất ngủ buổi trưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ trưa:

2.1 Mất ngủ buổi trưa do thói quen

Thói quen không ngủ trưa thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến khó ngủ hoặc không thể ngủ được vào buổi trưa. Bạn không nên duy trì thói quen này mà nên dành ra 15 – 30 phút mỗi ngày để tập và tạo thói quen ngủ trưa. Ban đầu sẽ khó khăn nhưng về sau sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần của bạn.

2.2 Mất ngủ buổi trưa do tâm lý

Áp lực học tập, công việc khiến tinh thần bị căng thẳng và tâm trạng không thoải mái cũng là một nguyên nhân dẫn đến khó ngủ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa mà ảnh hưởng đến cả giấc ngủ tối. Nếu mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sa sút trí tuệ,…

Mất ngủ buổi trưa thường xảy ra đối với nhân viên văn phòng vì những áp lực từ công việc

Mất ngủ buổi trưa thường xảy ra đối với nhân viên văn phòng vì những áp lực từ công việc

2.3 Sinh hoạt thiếu lành mạnh

Sử dụng các chất kích thích để giúp tinh thần tỉnh táo (cà phê, trà, thuốc lá,…), ngủ quá nhiều hoặc thức dậy muộn vào buổi sáng, di chuyển đến một nơi lệch múi giờ, đi du lịch, ăn bữa trưa quá nó,…là những nguyên nhân khiến bạn khó đi vào giấc ngủ trưa. Các hoạt động trên còn làm giảm vận động của hệ vi mạch, khiến quá trình lưu thông máu và oxy đến não bị cản trở gây ra tình trạng khó ngủ.

2.4 Do ảnh hưởng từ không gian ngủ

Không gian ngủ cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ trưa. Chúng ta sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn nếu phòng quá sáng hoặc nhiều tiếng ồn. Ngoài ra, nhiệt độ, phòng không sạch sẽ, gối đầu quá cao hoặc ngủ ở tư thế gục đầu cũng làm bạn khó đi vào giấc ngủ trưa.

2.5 Do ảnh hưởng của bệnh lý

Một số bệnh lý như viêm xoang, đau dạ dày, viêm mũi dị ứng, trầm cảm,…sẽ gây ra các triệu chứng khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cũng khiến người bệnh bị mất ngủ.

Các triệu chứng của viêm xoang, đau dạ dày, viêm mũi dị ứng, trầm cảm,... là nguyên nhân khiến bạn ngủ không ngon

Các triệu chứng của viêm xoang, đau dạ dày, viêm mũi dị ứng, trầm cảm,… là nguyên nhân khiến bạn ngủ không ngon

3. Biện pháp để có giấc ngủ trưa ngon

Ngủ trưa đúng giấc sẽ giúp tăng cường sức khỏe và nâng cao chức năng hoạt động của não bộ.

3.1 Ngủ trưa vào khoảng thời gian thích hợp

Theo các chuyên gia thời gian thích hợp nhất để ngủ trưa là sau khi ăn bữa trưa. Tuy nhiên , không phải ngay sau khi ăn mà bạn nên nghỉ ngơi 30 phút rồi hãy đi ngủ. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ gây nên các bệnh về tiêu hóa và dạ dày. 

Nếu trước đây bạn không ngủ trưa thì bạn nên tập thói quen ngủ trưa và thức dậy đúng giờ. Điều này sẽ giúp tinh thần tỉnh táo hơn và ngủ ngon giấc hơn vào buổi đêm. Nếu thói quen được duy trì sẽ tạo thành một đồng hồ sinh học, tạo phản xạ buồn ngủ hàng ngày mỗi khi đến giờ ngủ trưa.

3.2 Tạo không gian ngủ thoải mái

Nơi thích hợp nhất để ngủ trưa là nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Bởi vì ánh sáng mặt trời gây kích thích cho đồng tử dẫn đến bạn không muốn ngủ. Ngoài ra bạn nên chọn một không gian yên tĩnh, điều này sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn. Nếu khó đi vào giấc ngủ bạn hãy thử nghe một bài nhạc nhẹ, chúng sẽ giúp đầu óc bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.

3.3 Đặt đồng hồ báo thức

Khoảng thời gian ngủ trưa tốt nhất là 20 – 30 phút. Vì vậy, bạn nên đặt báo thức để tránh ngủ quá nhiều dẫn đến mệt mỏi, đầu óc mơ màng. Ngoài ra, áp lực thời gian ngủ trưa ngắn sẽ khiến bạn lo lắng vì sợ ngủ quên. Điều này cũng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và ngủ chập chờn. Hãy đặt báo thức để bạn yên tâm đi ngủ và ngủ ngon nhé.

Các chuyên gia khuyên rằng: Bạn nên ngủ trưa khoảng 20 đến 30 phút. Ngủ nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc mơ màng

Các chuyên gia khuyên rằng: Bạn nên ngủ trưa khoảng 20 đến 30 phút. Ngủ nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc mơ màng

3.4 Uống cà phê trước khi ngủ trưa

Cà phê có tác dụng là kích thích não bộ trở nên tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, cà phê chỉ có tác dụng sau khi uống 40 phút, vì vậy bạn nên uống cà phê trước khi đi ngủ trưa. Điều này còn giúp tinh thần và đầu óc bạn tỉnh táo hơn sau khi thức dậy.

3.5 Hạ nhiệt độ phòng

Theo các nhà nghiên cứu, khi ngủ say thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu ngủ ở nơi có nhiệt độ phòng cao thì sẽ gây ra cảm giác khó chịu, nóng và dễ bị tỉnh giấc. Tùy vào thói quen và tình trạng cơ thể để bạn điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho hợp lý. Mức nhiệt độ phòng lý tưởng là 18 – 22 độ.

3.6 Thư giãn đầu óc

Hầu hết những người khó ngủ là do họ gặp các vấn đề trong cuộc sống, lo âu, suy nghĩ nhiều,… Khi đó, tâm lý họ trở nên căng thẳng và khó đi vào giấc ngủ. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên thả lỏng đầu óc, thư giãn cơ thể và hít thở chậm. Ngoài ra, bạn có thể nghĩ đến những niềm vui hoặc nghe một bài nhạc nhẹ trước khi ngủ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital