Tai biến mạch máu não không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm về sau. Tùy vào thể trạng và cơ địa mà mỗi bệnh nhân sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau. Tuy nhiên, việc hiểu được thời gian trung bình và tiến trình phục hồi sau tai biến sẽ giúp bệnh nhân và người nhà chủ động hơn rất nhiều trong việc lập kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc trong giai đoạn này.
Menu xem nhanh:
1. Những di chứng nguy hiểm để lại sau cơn tai biến
Những ảnh hưởng lâu dài của bệnh tai biến mạch máu não có thể ở mức nặng hay nhẹ và khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vùng não bị ảnh hưởng. Phổ biến thường bao gồm:
– Các triệu chứng về nhận thức: kém tập trung, gặp vấn đề về trí nhớ, rắc rối về tư duy, khó hiểu và khó nói.
– Các triệu chứng về thể chất: suy nhược cơ thể, khó nhai, khó nuốt, tê liệt ở một hoặc cả hai bên cơ thể.
– Các triệu chứng về cảm xúc: phiền muộn, trầm cảm, khó kiểm soát hoặc thể hiện cảm xúc.
– Một số các triệu chứng khác: tê hoặc đau ở bàn tay và bàn chân, cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi cử động và thay đổi nhiệt độ, đại tiểu tiện không tự chủ.
2. Thời gian bệnh nhân phục hồi sau tai biến là bao lâu?
Thời gian phục hồi sau cơn tai biến trong bao lâu, tốc độ phục hồi nhanh hay chậm, có thể phục hồi hoàn toàn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể đó là:
– Mức độ nghiêm trọng của cơn tai biến
– Vùng não bộ bị ảnh hưởng
– Các biến chứng liên quan
– Hiệu quả của quá trình điều trị ban đầu và phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng ở người bệnh
Một số người có thể nhanh chóng khỏe lại sau tai biến nhưng hầu hết đều cần phục hồi chức năng lâu dài. Thời gian phục hồi sau cơn tai biến ở mỗi người là khác nhau, có thể mất vài tuần, vài tháng hay thậm chí là vài năm.
Tốc độ phục hồi thường cao nhất trong tháng đầu tiên sau khi bệnh nhân mắc tai biến. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vẫn tiếp tục cải thiện trong 12 – 18 tháng tiếp theo. Một số người phải chấp nhận sống chung với các di chứng đến suốt đời.
3. Tiến trình phục hồi sau cơn tai biến diễn ra như thế nào?
Sau khi trải qua cơn tai biến mạch máu não, bệnh nhân sẽ được áp dụng tiến trình phục hồi như sau:
3.1 Ngày đầu tiên
Bệnh nhân được cấp cứu tại các cơ sở y tế để giải quyết vấn đề lưu thông máu trong não, ổn định tình trạng và kiểm soát và triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây tai biến là do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do cục máu đông), bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc làm tan cục máu đông. Đối với trường hợp bệnh nhân xuất huyết não có thể cần phải can thiệp phẫu thuật.
Cần bắt đầu phục hồi chức năng ở bệnh nhân sau đột quỵ càng sớm càng tốt, thường là sau ngày đầu tiên. Để làm được điều này, các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa sẽ theo dõi tích cực, thảo luận tình trạng của bệnh nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
2.2 Phục hồi sau tai biến trong tuần đầu tiên
Thời gian nằm viện của người bệnh tai biến thường là 5 – 7 ngày. Trong tuần đầu tiên, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, đồng thời áp dụng các buổi trị liệu và điều chỉnh kế hoạch phục hồi cho từng bệnh nhân. Mục đích của khoảng thời gian phục hồi này chủ yếu nhằm tìm được các liệu pháp phù hợp nhất.
Sau một tuần, bác sĩ có thể cho bệnh nhân xuất viện và tiếp tục thời gian phục hồi chức năng sau tai biến diễn ra tại nhà. Khi xuất viện, bệnh nhân có thể chưa khỏe mạnh hoàn toàn mà chỉ cần thực hiện được một số hoạt động thường ngày dưới sự giúp đỡ của người chăm sóc.
2.3 Trong 3 tháng đầu – Khoảng thời gian phục hồi sau tai biến cho hiệu quả tốt nhất
Trong khoảng thời gian này, hầu hết bệnh nhân sẽ tham gia và hoàn thành chương trình trị liệu tại nhà hoặc các trung tâm phục hồi chức năng. Mục tiêu là lấy lại các chức năng cơ bản giống như trước đây.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân sẽ gặp hiện tượng phục hồi tự phát. Đây là tình trạng một kỹ năng hoặc khả năng tưởng như đã mất do tai biến lại có thể trở lại đột ngột khi não tìm ra những cách thức mới để thực hiện các nhiệm vụ đó.
Nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm phổi, cơn nhồi máu cơ tim hoặc bị tai biến lần 2 trong thời gian phục hồi sau đột quỵ. Đôi khi, họ phải tạm dừng các phương pháp trị liệu và trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án điều trị tốt hơn.
Ngoài các liệu pháp kể trên, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị bổ sung khác nhằm rút ngắn thời gian phục hồi sau đột quỵ và nâng cao khả năng phục hồi hoàn toàn. Chẳng hạn như xoa bóp, châm cứu, kích thích điện, kích thích não không xâm lấn…
2.4 Phục hồi hậu tai biến sau 6 tháng
Thời gian phục hồi sau cơn tai biến của bệnh nhân có thể kéo dài lên đến 6 tháng hoặc lâu hơn. Phần lớn các bệnh nhân đều đạt tình trạng sức khỏe tương đối ổn định ở giai đoạn này. Sau 6 tháng, quá trình phục hồi vẫn diễn ra nhưng sẽ chậm hơn rất nhiều.
Một số người có thể phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn cần thực hiện thăm khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đưa ra kế hoạch để ngăn ngừa tai biến trong tương lai.
Trong trường hợp bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc hoặc yêu cầu bệnh nhân thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và áp dụng các thói quen sống lành mạnh. Điều này sẽ giúp cải thiện thói quen ngủ, nâng cao khả năng giao tiếp, giảm thiểu nguy cơ té ngã và hạn chế cơn tai biến tái phát.
Thời gian phục hồi sau tai biến có thể kéo dài và khiến bệnh nhân dễ chán nản. Tuy nhiên, sự kiên trì và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ là điều quan trọng giúp bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, người thân và những người xung quanh hãy cố gắng tạo thêm động lực để bệnh nhân luôn lạc quan, tích cực trong suốt quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe.