Trên hành trình mang thai chắc hẳn các mẹ bầu không ai mong muốn mình sẽ bị bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, nếu không may để mắc bệnh, bạn nên tự trang bị cho mình kiến thức để đối phó nhanh với tình trạng, đảm bảo sức khỏe của cả 2 mẹ con. Vậy mang thai bị cúm uống thuốc gì? Nên làm gì để mau khỏi bệnh?
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp câu hỏi mẹ mang thai bị cúm uống thuốc gì?
Sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của người mẹ khi mang thai. Nhiều phụ nữ trong tình trạng mang thai thường lo lắng khi gặp phải triệu chứng cúm hoặc cảm lạnh. Mẹ bầu luôn mong muốn giảm cơn đau nhưng cũng không muốn gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Trước đây, khi phụ nữ mang thai bị cúm hoặc cảm lạnh, họ thường tự mua và sử dụng các loại thuốc không kê đơn (OTC). Tuy nhiên, khi mang thai, việc sử dụng các loại thuốc này gây ra nhiều băn khoăn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 12 tuần đầu của thai kỳ, tốt nhất là hạn chế việc sử dụng các loại thuốc, vì đây là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Sau 28 tuần, nhiều bác sĩ cũng khuyên các mẹ bầu nên cẩn thận khi dùng thuốc. Do đó, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc không kê đơn.
2. Những loại thuốc phụ nữ mang thai nên tránh
Bên cạnh vấn đề mang thai bị cúm uống thuốc gì thì mẹ bầu hãy ghi nhớ 1 số nguyên tắc uống thuốc trong thai kì.
Trong thời kỳ mang thai, khi bị cúm, phụ nữ nên tránh việc sử dụng các loại thuốc kết hợp để điều trị nhiều triệu chứng cùng một lúc. Thay vào đó, bạn nên sử dụng từng loại thuốc chuyên biệt để giảm từng triệu chứng cảm cúm riêng biệt.
Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng một số loại thuốc sau khi chưa được bác sĩ khuyên dùng, bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Naproxen (những loại thuốc giảm đau và hạ sốt), Codeine (loại thuốc giảm ho) và thuốc kháng sinh Bactrim. Sử dụng những loại thuốc này khi không cần thiết có thể gây hại cho thai nhi.
Đồng thời, 1 lưu ý quan trọng là mẹ bầu chỉ nên sử dụng thuốc khi đã có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo tính an toàn, phù hợp với sức khỏe của mẹ, thai nhi. Việc dùng thuốc tùy ý, kể cả thuốc đã có khuyến cáo từ nhà sản xuất là dành cho phụ nữ có thai cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của 2 mẹ con.
3. Mẹ bầu bị cúm nên làm gì để nhanh khỏi bệnh?
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao hơn phát triển các biến chứng của bệnh cúm. Trong đó, các biến chứng nghiêm trọng dễ phát triển ở mẹ bầu bao gồm: viêm phổi, viêm phế quản.
Vậy mẹ bầu khi bị nhiễm cúm càng nên cẩn trọng bảo vệ sức khỏe hơn bao giờ hết. Hãy tham khảo 1 số gợi ý dưới đây để giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm mà bạn đang gặp phải:
– Nên thường xuyên vệ sinh tay bằng dung dịch có chứa cồn hoặc nước rửa tay sát khuẩn tạo bọt để hạn chế việc truyền vi khuẩn cúm từ bề mặt tay lên mắt, mũi, miệng dẫn đến nhiễm bệnh.
– Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi thường xuyên trong ngày để cơ thể được thư giãn thoải mái, từ đó hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm cúm. Trong quá trình nằm nghỉ ngơi, phụ nữ mang thai bị cúm nên kê cao đầu giường bằng một vài chiếc gối. Biện pháp này giúp làm giảm cảm giác nghẹt mũi khi nằm ngủ do đờm trào ngược xuống, đồng thời mang lại vị thế thoải mái hơn để dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin đủ liều lượng. Dù bạn không có cảm giác thèm ăn khi bị cảm cúm tuy nhiên bạn vẫn nên cố gắng ăn uống, đặc biệt là thức ăn dạng lỏng vừa cung cấp đủ chất vừa giúp dễ tiêu hóa. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh có thể giúp giảm một số triệu chứng của cảm cúm.
– Bổ sung đủ lượng kẽm trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch tự nhiên. Phụ nữ mang thai nên bổ sung 11-15mg kẽm mỗi ngày từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả vitamin trước khi mang bầu. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, hàu hấp, trứng, sữa chua, mầm lúa mì và bột yến mạch.
– Uống đủ nước để duy trì lượng chất lỏng cần thiết cho cả mẹ và thai nhi. Nước ấm như trà gừng hoặc nước luộc gà có thể làm dịu bớt cảm giác khó chịu. Đảm bảo uống đủ nước để bổ sung chất lỏng – màu nước tiểu của bạn nên là màu vàng nhạt. Bên cạnh nước lọc thì bạn có thể lựa chọn nước trái cây tươi để bổ sung Vitamin cho cơ thể.
– Duy trì 1 độ ẩm vừa phải trong không gian sống của bạn. Nếu không khí trong nhà quá khô, có thể làm khó chịu đường mũi và họng nhạy cảm. Sử dụng máy tạo ẩm không khí trong phòng sẽ giúp mẹ bầu thư giãn tốt hơn trong quá trình điều trị cảm cúm.
– Súc miệng và rửa mắt mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch vi khuẩn, chất bẩn sau 1 ngày hoạt động.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng để tăng cường sức đề kháng, trị cảm cúm cho phụ nữ mang thai. Một số thực phẩm giàu vitamin C, chống oxy hóa như trái cây họ cam quýt, việt quất, nam việt quất, hành tây, trà xanh, gừng… sẽ hỗ trợ tốt trong việc nâng cao sức đề kháng, giảm triệu chứng bệnh.
Vậy bên cạnh vấn đề mang thai bị cúm nên uống thuốc gì, bạn nên quan tâm nhiều hơn vào những biện pháp giảm triệu chứng cúm tại nhà mà không cần dùng đến thuốc. Điều này sẽ giúp các mẹ nhanh khỏi bệnh hơn và hạn chế tối đa số lượng thuốc cần phải sử dụng trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
4. Mẹ bầu có nên tự chữa cảm cúm tại nhà?
Phụ nữ mang thai luôn đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường. Vì thế, việc mẹ bầu bị cảm cúm có thể xảy ra thường xuyên trong suốt thời gian thai kì, đặc biệt là khi thời tiết đang giao mùa, nóng lạnh thất thường.
Vì thế, nhiều mẹ bầu có tâm lý chủ quan có thể tự chữa cúm tại nhà mà không cần đến bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa TCI không khuyến khích phụ nữ có thai tự điều trị cúm tại nhà.
Như trên đã đề cập, phụ nữ có thai bị cúm nên uống thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, bạn nên có 1 chế độ ăn uống phù hợp với sức khỏe hiện tại.
Để có được sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ sản khoa, mẹ bầu bắt buộc phải đi khám và nhận tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Trên hành trình thai kì còn rất nhiều bệnh lý, vấn đề sản khoa mà các mẹ bầu có thể gặp phải. Việc đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường là rất cần thiết.
Trên đây, bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích về mang thai bị cúm uống thuốc gì? Nếu bạn đọc còn câu hỏi thắc mắc về chế độ chăm sóc sức khỏe trong thai kì, hãy để lại thông tin liên hệ để Thu Cúc TCI hỗ trợ bạn sớm nhất.