Mách bạn cách trị bệnh mất ngủ đơn giản, hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Việc bị mất ngủ dù là cấp tính hay mạn tính đều có thể gây ra những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe và công việc của mỗi chúng ta. Vì thế tìm ra cách trị bệnh mất ngủ là rất cần thiết để chúng ta có cuộc sống chất lượng hơn. 

1. Cách chữa mất ngủ bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ gồm:

1.1 Thuốc bình thần

Khi sử dụng các thuốc này, người bệnh thường đi vào giấc ngủ gần như ngay lập tức. Phổ biến nhất là Diazepam, Bromazepam, Clonazepam, Rotunda,… Tuy nhiên, các thuốc này chỉ nên dùng trong các trường hợp mất ngủ ngắn và bệnh chưa trầm trọng. Không nên sử dụng nhiều quá 3 ngày bởi việc dùng thuốc bình thần lâu ngày sẽ gây quen thuốc. Nếu tình trạng quen thuốc xảy ra thì dù tăng liều thuốc, người bệnh vẫn bị mất ngủ. Ngoài ra, thuốc này còn có tác dụng phụ là làm suy giảm trí nhớ. 

Thuốc trị bệnh mất ngủ

Một số loại thuốc có tác dụng gây ngủ có thể giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

1.2 Thuốc ngủ

Tương tự thuốc bình thần, nhóm thuốc ngủ gồm Phenobarbital, Zolpidem,… có tác dụng mạnh, tuy nhiên cũng chỉ nên sử dụng trong trường hợp mất ngủ ngắn, không trầm trọng và không quá 3 ngày. Nếu dùng ngắn ngày thì các tác dụng phụ của thuốc cũng nhanh chóng hết khi ngưng dùng thuốc. Nhưng nếu uống thuốc trong thời gian dài rất dễ gây ra tình trạng “nhờn” thuốc. 

1.3 Thuốc kháng histamin

Tiêu biểu như Promethazine, Dimedrol, Clorpheniramin,… Các thuốc này có tác dụng chống dị ứng và gây ngủ khá mạnh, thường được dùng cho các bệnh nhân mất ngủ do ngứa, gãi nhiều ở những người bị hắc lào, eczema, tổ đỉa,… 

1.4 Thuốc an thần kinh mới

Thuốc an thần kinh mới gồm có các thuốc như Quetiapine, Olanzapine, Amisulpride,… Đây là các thuốc có tác dụng gây ngủ mạnh, thường được chỉ định cho các trường hợp mất ngủ do chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa. 

1.5 Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng

Clomipramine, Mirtazapine,… là các loại thuốc phổ biến thuộc nhóm này. Chúng tác động đúng cơ chế của giấc ngủ là hệ serotonin trong não, do vậy, thích hợp cho các bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài. Thuốc thường không có tác dụng ngay lập tức mà sau 3 – 4 tuần điều trị, giấc ngủ mới được cải thiện rõ ràng.

Để tăng tác dụng của thuốc và hạn chế tác dụng phụ, thông thường, các bác sĩ sẽ kết hợp 2 đến 3 thuốc khác nhóm khác nhau. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc được kê bởi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, không tự ý đổi loại thuốc hoặc thay đổi liều dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. 

2. Cách trị bệnh mất ngủ không cần dùng thuốc

2.1 Vệ sinh giấc ngủ

Không chỉ thân thể mà giấc ngủ cũng cần được vệ sinh đúng cách. Vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene) là tổ hợp những hành vi được khuyến nghị nhằm mục đích thúc đẩy chất lượng giấc ngủ. Thực tế cho thấy việc vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ tiên phát. Do vậy, cần chú ý các phương pháp vệ sinh giấc ngủ sau: 

– Cố định thời gian thức dậy, thức giấc cùng một giờ trong ngày

– Giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, giờ ngủ được khuyến cáo là 9-10 giờ tối, sau đó khoảng 1-2 tiếng cơ thể sẽ chìm vào giấc ngủ

– Hạn chế các chất kích thích thần kinh trung ương như cà phê, thuốc lá, rượu…

– Tập các bài thể dục để tăng hứng khởi vào buổi sáng sớm

– Nghe đài, xem tivi, đọc sách, tập luyện nhẹ nhàng để thư giãn trước khi ngủ

– Massage hoặc ngâm chân nước ấm khoảng 10-15 phút trước khi đi ngủ

– Ăn vào những khung giờ cố định trong ngày, không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ

– Tạo cho người bệnh một không gian phòng ngủ thoải mái

– Hạn chế ngủ trưa quá lâu

Cách trị bệnh mất ngủ không dùng thuốc

Ngâm chân trước khi ngủ có thể giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.

2.2 Liệu pháp tâm lý là một trong những cách trị bệnh mất ngủ không không dùng thuốc

Liệu pháp tâm lý có vai trò rất quan trọng trong điều trị mất ngủ mạn tính. Đây là một cách trị mất ngủ không cần dùng đến thuốc. Thay vào đó người bệnh có thể được tư vấn bởi các chuyên gia tâm lý, từ đó tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ và đưa ra những giải pháp giải quyết phù hợp.

2.3 Các biện pháp thư giãn 

Với những trường hợp mất ngủ do căng thẳng, áp lực tâm lý quá lớn, bạn có thể áp dụng các cách trị chứng mất ngủ thông qua các biện pháp thư giãn như: 

– Làm những điều mình thích.

– Tập cách chia sẻ mọi vấn đề với người thân, bạn bè để giải tỏa căng thẳng,… 

– Thiền, khí công, yoga, tập dưỡng sinh,… Theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia Mỹ, khoảng 85% người tập yoga cảm thấy bớt căng thẳng và có 55% ngủ ngon hơn sau khi tập. 

2.4 Cách trị bệnh mất ngủ bằng chế độ ăn uống

Một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ chữa mất ngủ, giúp bạn nhanh đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn có thể kể đến như:

– Sữa chua: Thành phần sữa axit tryptophan trong sữa chua được chuyển hóa thành chất dẫn truyền thần kinh serotonin và melatonin giúp duy trì giấc ngủ tự nhiên vào ban đêm.

– Chuối: Chuối cũng là thực phẩm có chứa lượng tryptophan dồi dào. Trong chuối còn co magie và kali, giúp não thư giãn, đẩy lùi stress, giúp người bệnh ngủ ngon hơn.

– Cá: Cá có hàm lượng protein vô cùng dồi dào, tốt cho sức khỏe não bộ.

– Hạt sen: Hạt sen, tâm sen có tác dụng an thần, giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. 

– Cải bó xôi: Thực phẩm này cung cấp một lượng kali lớn để bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ.

– Trứng: Hàm lượng protein dồi dào trong trứng có tác động tích cực đến giấc ngủ, giúp bạn ngủ sâu giấc hơn.

Ngoài ra, sử dụng một số loại thực phẩm như trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ,…. cũng giúp khắc phục bệnh mất ngủ mạn tính hiệu quả.

Cách chữa bệnh giấc ngủ bằng chế độ sinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng khoa học có thể giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Như vậy, cách trị bệnh mất ngủ rất đa dạng, tuy nhiên bạn cần lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh của mình để đem lại hiệu quả rõ rệt và hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital