Cùng tìm hiểu mắc sốt xuất huyết cần làm những xét nghiệm gì để tìm virus Dengue trong máu, chẩn đoán chính xác mắc bệnh. Có 3 chỉ số xét nghiệm bệnh sốt xuất huyết tương ứng với 3 loại xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán căn nguyên bệnh bao gồm: Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1; Xét nghiệm kháng thể IgM; Xét nghiệm kháng thể IgG.
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm sốt xuất huyết và đối tượng cần thực hiện
1.1. Khi nào cần làm xét nghiệm mắc sốt xuất huyết?
Xét nghiệm sốt xuất huyết nên được thực hiện ngay khi các triệu chứng của bệnh bắt đầu khởi phát bao gồm sốt cao, đau nhức toàn thân, đau cơ xương khớp, đau đầu, mẩn đỏ trên da (nhất là ở cổ, tay và chân), chảy máu chân răng hoặc lợi, rong kinh bất thường ở phụ nữ.
Theo khuyến cáo, kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết sẽ có độ chính xác cao khi thực hiện trong vòng 3 ngày đầu tiên của bệnh và độ chính xác giảm dần sau đó. Bởi vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết là rất quan trọng. Người bệnh cần lưu ý để không bỏ qua thời điểm làm xét nghiệm tốt nhất.
1.2. Đối tượng cần xét nghiệm test nghi ngờ mắc sốt xuất huyết
Lưu ý về các đối tượng cần thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết cần thiết bao gồm:
– Đối tượng xuất hiện các triệu chứng điển hình nghi ngờ sốt xuất huyết như: sốt cao, đau đầu, đau nhức toàn cơ thể, phát ban, chảy máu dưới da hoặc bị nôn ói.
– Đối tượng có tiếp xúc gần với người mắc sốt xuất huyết như người sống cùng khu dân cư, người làm việc hoặc học tập với người bệnh có triệu chứng sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cũng nên được xét nghiệm để đảm bảo an toàn sức khỏe của bạn và cả mọi người xung quanh.
– Đối tượng sinh sống hoặc đi du lịch đến các khu vực nơi virus dengue đang lưu hành và gần đây có xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết.
– Người thường xuyên phải tiếp xúc với muỗi như nhân viên phòng chống dịch, người dân sinh sống trong khu vực dịch bệnh đều cần tự giám sát và đi xét nghiệm nếu gặp dấu hiệu sốt xuất huyết.
2. Giải đáp: Mắc sốt xuất huyết cần làm những xét nghiệm gì?
2.1. Xét nghiệm test kháng nguyên Dengue NS1
Xét nghiệm này được chỉ định làm từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 5 của bệnh. Nếu người bệnh mắc bệnh đã hơn 3 ngày (tức là từ cuối ngày thứ 3 trở đi), thì dù thật sự bị sốt xuất huyết, nhưng kết quả xét nghiệm NS1 vẫn có thể âm tính. Nguyên nhân là vì xét nghiệm NS1 dựa trên cơ chế xác định tìm kháng nguyên của virus. Từ ngày thứ 4 của bệnh, nồng độ kháng nguyên virus trong máu giảm xuống mức thấp nên lúc này chỉ số xét nghiệm có thể sẽ âm tính.
2.2. Xét nghiệm test kháng thể IgM
Kháng thể IgM xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 5 sau sốt. Xét nghiệm IgM nhằm xác định sự có mặt của loại kháng thể chống lại virus dengue trong giai đoạn sốt cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, sẽ tùy vào mức độ sinh kháng thể của từng người bệnh mà kết quả xét nghiệm IgM có thể dương tính hoặc không.
2.3. Xét nghiệm test kháng thể IgG
Ở thể tiên phát (người bệnh lần đầu bị nhiễm dengue) kháng thể IgG xuất hiện vào ngày thứ 10 đến ngày thứ 14 và có thể tồn tại trong nhiều năm sau đó. Ở thể thứ phát (người bệnh đã từng bị dengue trước đó), IgG đã có sẵn trong máu và tăng lên trong vòng 1-2 ngày. Như vậy:
+ Từ ngày bệnh thứ 3 đến ngày thứ 5, dù người bệnh có thật sự mắc sốt xuất huyết nhưng khi xét nghiệm thì nhiều khả năng kết quả vẫn là âm tính;
+ Từ ngày bệnh đầu tiên đến ngày 3: Nếu làm xét nghiệm test IgM thì cũng sẽ ra âm tính. Nếu thực hiện xét nghiệm NS1, khả năng chẩn đoán chính xác sẽ phụ thuộc vào nồng độ virus trong cơ thể người bệnh có đủ đạt ngưỡng phát hiện hay không. Trường hợp nồng độ kháng nguyên virus thấp thì kết quả xét nghiệm NS1 có thể vẫn ra âm tính;
+ Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu mỗi ngày mới có đủ dữ kiện giúp bác sĩ khẳng định chẩn đoán.
3. Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết
Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết thường có sau vài giờ tùy từng loại xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có bị sốt xuất huyết hay không:
– Dương tính: Kết quả có nghĩa người bệnh đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong máu;
– Âm tính: Kết quả có nghĩa người bệnh nhân chưa bị nhiễm virus hoặc tại thời điểm test chưa thích hợp, hoặc tỷ lệ virus có trong máu chưa đủ ngưỡng phát hiện (tình trạng âm tính giả). Để chắc chắn, người bệnh có thể trao đổi kỹ với bác sĩ xem xét có cần kiểm tra lại hay không.
Kết luận: Khi nghi ngờ khả năng nhiễm virus sốt xuất huyết dengue, người bệnh nên thực hiện cả 3 loại xét nghiệm NS1, IgM, IgG cùng lúc sẽ giúp chẩn đoán nhiễm virus dengue tiên phát hay thứ phát.
+ Nếu kết quả NS1 hoặc và IgM dương, IgG âm: Người bệnh nhiễm dengue tiên phát.
+ Nếu kết quả NS1 hoặc và IgM dương, IgG dương: Người bệnh nhiễm dengue thứ phát.
+ Nếu kết quả cả NS1, IgM, IgG âm: Người bệnh không phải sốt do dengue.
4. Lấy máu làm xét nghiệm sốt xuất huyết
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ định cho người bệnh thực hiện xét nghiệm máu. Người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi lấy máu xét nghiệm sốt xuất huyết.
Trong quá trình lấy máu, người bệnh được yêu cầu giữ yên người. Máu làm xét nghiệm sẽ được lấy theo đường tĩnh mạch. Toàn bộ quá trình lấy mẫu diễn ra chỉ mất từ vài giây, người bệnh có thể cảm thấy hơi nhói nhẹ ngay khi nhân viên y tế đưa đầu kim đi vào tĩnh mạch.
Phần lớn các trường hợp lấy máu làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết đều không xảy ra rủi ro nghiêm trọng gì. Một số người bệnh có thể bị bầm tím tại vị trí lấy máu.
Người bệnh nghi ngờ mắc sốt xuất huyết tốt nhất nên đến cơ sở y tế uy tín để được hướng dẫn chi tiết mắc sốt xuất huyết cần làm những xét nghiệm gì và thực hiện theo đúng hướng dẫn.