Làm gì khi trẻ bị tay chân miệng, chăm sóc trẻ thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Làm gì khi trẻ bị tay chân miệng, chế độ chăm sóc trẻ thế nào, những thắc mắc về điều trị và chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Sơ lược về tay chân miệng ở trẻ

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi tác nhân chính là virus, trong đó phổ biến hơn cả là 2 loại virus Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71.

Nếu như chủng A16 hầu như ít gây biến chứng và có thể tự chữa lành sau khoảng từ 5 đến 7 ngày thì ngược lại, virus EV71 lại vô cùng nguy hiểm với nguy cơ dẫn đến những biến chứng như: Viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, nặng nhất là tử vong.

Ngoài 2 chủng virus kể trên thì tay chân miệng cũng có thể được hình thành bởi một số loại virus khác. Chúng thường sống trong đường tiêu hóa và lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, nước bọt hay phân của người bệnh. Về hình dạng, virus tay chân miệng thường có hình cầu, với đường kính trung bình nằm trong khoảng từ 27 đến 30mm. Sau khi thành công xâm nhập vào bên trong cơ thể, thường là ở những vị trí niêm mạc má hay niêm mạc ruột, chúng sẽ tiếp tục di chuyển đến các hạch bạch huyết, sau đó xâm nhập vào máu và gây nguy cơ nhiễm trùng máu. Ngoài ra, virus có thể tấn công một số vị trí khác như niêm mạc miệng và da.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi tác nhân chính là virus

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi tác nhân chính là virus

2. Nhận biết tay chân miệng qua những triệu chứng điển hình

Tay chân miệng ở trẻ hình thành và phát triển qua 4 giai đoạn với những biểu hiện cụ thể như sau:

2.1. Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3 đến 6 ngày

Nhìn chung, đây là giai đoạn virus mới xâm nhập vào cơ thể trẻ nên thường chưa có triệu chứng rõ rệt

2.2. Giai đoạn khởi phát: 1 đến 2 ngày

Ở giai đoạn này, nhìn chung những dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ em tương đối dễ nhận biết, phụ huynh có thể xác định tay chân miệng qua một số triệu chứng dưới đây:

– Sốt nhẹ (khoảng từ 37,5 đến 38 độ C), kèm theo mệt mỏi, đau họng

– Trẻ biếng ăn, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày

– Đau nhức, khó chịu ở răng, miệng

– Chảy nước bọt nhiều

2.3. Giai đoạn toàn phát: Từ 3 đến 10 ngày

Giai đoạn toàn phát thường bắt đầu sau khoảng từ 1 đến 2 ngay sau giai đoạn khởi phát và kéo dài trong 3 đến 10 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ xuất hiện những triệu chứng như:

– Lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc mông xuất hiện phát ban dạng phỏng nước. Các bọng nước màu xám hình bầu dục với đường kính từ khoảng 2 đến 10mm, mọc lồi hoặc mọc ẩn ở dưới da, khi chạm vào thì cảm giác cộm, tuy nhiên không đau và ngứa.

– Mông của trẻ xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da

– Một số triệu chứng không điển hình như buồn nôn, sốt nhẹ. Ở trường hợp trẻ sốt cao hoặc nôn nhiều có nguy cơ cao gặp biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp

2.4. Giai đoạn khỏi bệnh: Từ 3 đến 5 ngày

Nếu như không có biến chứng nguy hiểm, sau giai đoạn toàn phát từ 3 đến 5 ngày, bệnh tay miệng có thể phục hồi hoàn toàn. Riêng với trường hợp bé sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài hơn 48 giờ đi kèm những biểu hiện như: Nôn, co giật, tim đập nhanh, khó thở, tay chân run rẩy… thì phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.

3. Làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?

Mặc dù không phải bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên phụ huynh cũng không nên tự ý điều trị tay chân miệng cho trẻ bởi nếu như điều trị sai cách thì rất dễ xảy ra biến chứng. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ thì phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như tư vấn lộ trình điều trị phù hợp.

Hiện nay thì tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thay vào đó, bác sĩ chủ yếu tập trung sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng. Cụ thể, với trường hợp tay chân miệng nhẹ, bệnh có khả năng tự phục hồi, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng đau do lở, loét miệng.

Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển biến nặng thì cần lập tức đưa đến bệnh viện để được điều trị càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ nguy hiểm khi đó, bác sĩ sẽ thực hiện những phương pháp điều trị khác nhau như: Chống co giật, phù não, suy hô hấp…

Kết hợp với việc sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh cũng nên áp dụng một số biện pháp chăm sóc cho trẻ tại nhà như dưới đây:

– Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, hạn chế để trẻ ăn thức ăn cứng, hoặc các loại thực phẩm có vị chua, cay

– Khi sốt cao bé rất dễ bị mất nước, do đó lúc này cần bổ sung nhiều nước cho trẻ bằng các dung dịch bù nước

– Vệ sinh miệng cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn, tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Ngoài ra cũng nên vệ sinh qua các vết thương hở ngoài da do phỏng nước để tránh bội nhiễm

– Tay chân miệng có tốc độ lây lan vô cùng nhanh, do đó cần cách ly trẻ với những trẻ chưa bị nhiễm bệnh

– Tắm rửa cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn

– Quan trọng hơn cả, bố mẹ cần lưu ý theo dõi sát sao diễn biến tay chân miệng ở trẻ để khi có dấu hiệu bất thường có thể ứng biến kịp thời.

Với thắc mắc cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng, trước tiên, bố mẹ nên chú ý đến việc vệ sinh của trẻ

Với thắc mắc cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng, trước tiên, bố mẹ nên chú ý đến việc vệ sinh của trẻ

4. Chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng từ sớm cho trẻ

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ một cách toàn diện, phụ huynh nên chủ động thực hiện một số biện pháp dưới đây từ sớm:

– Duy trì thói quen ăn chín uống sôi, cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống đảm bảo hợp vệ sinh, khâu chế biến cũng cần phải đảm bảo

– Rửa sạch sẽ dụng cụ ăn uống, ngâm nước sôi trước khi sử dụng

– Hạn chế không nhai, mớm thức ăn khi đút cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm đồ chơi

– Cách ly trẻ với trẻ khác có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh

– Vệ sinh kỹ bề mặt tiếp xúc hàng ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch tẩy rửa

Cần lưu ý tay chân miệng có tỷ lệ tái phát rất cao. Nguyên do là bởi sau khi khỏi bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể đặc hiệu với một số loại virus nhất định. Trong trường hợp ở lần tiếp theo, nếu virus gây bệnh thuộc loại khác thì vẫn có nguy cơ tái phát cao. Dễ tái phát, đồng thời cũng dễ lây lan, do đó, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ để ngăn ngừa tay chân miệng từ sớm. Trường hợp trẻ mắc bệnh thì cần đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ tại Thu Cúc TCI không chỉ có chuyên môn, trình độ cao mà còn vô cùng tận tâm, yêu trẻ

Các bác sĩ tại Thu Cúc TCI không chỉ có chuyên môn, trình độ cao mà còn vô cùng tận tâm, yêu trẻ

Khoa Nhi- Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI hiện đang tiếp nhận thăm khám và điều trị các bệnh lý về Nhi thường gặp ở trẻ, trong đó có tay chân miệng. Quy tụ đội ngũ bác sĩ Nhi khoa đầu ngành cùng sự trợ giúp đắc lực của hệ thống máy móc hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, Thu Cúc TCI luôn là một trong những địa chỉ thăm khám tin cậy được nhiều khách hàng lựa chọn để “gửi gắm” con yêu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital