Tại Việt Nam, khoảng 2 – 3% dân số bị lác. Đây là bệnh lý mà khi mắc, cả thị lực lẫn diện mạo của người bệnh đều bị ảnh hưởng. Hiện tại, chúng ta có thể điều trị lác nhưng hiệu quả điều trị như thế nào, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tuổi tác người bệnh, thời gian tồn tại lác. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ toàn bộ thông tin cơ bản bạn cần biết về lác mắt, đọc ngay để có cái nhìn tổng quan về bệnh lý này, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Lác mắt là gì?
Lác hay lé là bệnh lý nhãn khoa có tình trạng hai mắt nhìn hai hướng khác nhau là biểu hiện đặc trưng.
Ở người bình thường, hai mắt nhìn cùng một hướng và tế bào que của cả hai mắt thu được cùng một hình ảnh. Hình ảnh đó được dẫn truyền qua dây thần kinh thị giác đến trung khu thần kinh thị giác tại não. Tại trung khu thần kinh thị giác, hình ảnh từ hai mắt được tổng hợp thành một hình ảnh ba chiều duy nhất. Ở người bệnh lác, hai mắt nhìn hai hướng khác nhau, tế bào que của hai mắt thu được hai hình ảnh khác nhau. Hai hình ảnh đó cũng được chuyển đến não. Nếu người bệnh lác là trẻ em, não sẽ loại bỏ hình ảnh thu được bởi mắt lác. Theo thời gian, mắt lác của trẻ sẽ bị nhược thị. Nếu người bệnh lác là người trưởng thành, não sẽ giữ cả hai hình ảnh và ở họ xuất hiện hiện tượng nhìn đôi. Đây là cách bệnh lý lác ảnh hưởng đến thị lực người bệnh.
2. Đâu là nguyên nhân phát sinh lác mắt?
Hai mắt của chúng ta có thể di chuyển tùy ý để quan sát một điểm bất kỳ nhờ hoạt động của nhóm 6 cơ xung quanh chúng. Nếu một vài cơ có vấn đề hoặc chúng phối hợp hoạt động thiếu trơn tru, mắt có thể không di chuyển tùy ý được như mong muốn, dẫn đến tình trạng dù hai mắt cố gắng quan sát một điểm nhưng một trong hai hoặc cả hai mắt lại không thể quan sát được điểm đó.
Ở trẻ em, tình trạng một vài cơ xung quanh mắt có vấn đề hoặc chúng phối hợp hoạt động thiếu trơn tru chủ yếu là bẩm sinh hoặc là biến chứng của các bệnh lý nhãn khoa.
Ở người trưởng thành, tình trạng này thường là biến chứng của các đột quỵ, đái tháo đường, các chấn thương cơ học ở mắt…
3. Nhận biết lác mắt như thế nào?
Lác là bệnh lý dễ nhận biết. Người bệnh có thể dễ dàng phát hiện tình trạng hai mắt nhìn hai hướng khác nhau của mình qua gương. Ngoài ra, lác thường đi kèm với một số triệu chứng khác. Ví dụ như người bệnh thường nghẹo cổ, để khắc phục khó khăn của não trong điều chỉnh hình ảnh không cân xứng từ hai mắt. Người bệnh cũng thường xuyên mỏi mắt, nhức mắt, khả năng tập trung kém…
Trường hợp lác ẩn, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ mới có thể phát hiện.
4. Chẩn đoán và điều trị lác mắt ra sao?
4.1. Chẩn đoán lác mắt
Tại các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt, người bệnh được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý lác mắt. Các khu vực được thăm khám bao gồm của thần kinh và võng mạc, để loại trừ nguyên nhân suy giảm thị lực là do các vấn đề ở hai vùng này.
4.2. Điều trị lác mắt
Lác ở trẻ em dưới 3 tuổi nếu điều trị tích cực thì tỷ lệ thành công lên đến 92%. Lác ở người trưởng thành thường là do bệnh lý tiến triển nên điều trị khó khăn hơn.
Mục tiêu điều trị lác là cải thiện thị lực mắt lác, đưa nó về tương đương thị lực mắt lành. Với mục tiêu này, phương pháp điều trị lác được bác sĩ chỉ định tùy thuộc tình trạng lác và tuổi tác người bệnh.
Thường thì lác sẽ được điều trị bằng cách che mắt lành, buộc cơ thể sử dụng mắt lác và hình ảnh thu được từ mắt lác, từ đó khôi phục hoạt động của nó.
Trường hợp lác nặng, mắt lác quá yếu, không thể tăng cường bằng phương pháp trên thì phẫu thuật sẽ được xem xét. Theo đó, bác sĩ sẽ can thiệp ngoại khoa vào cơ xung quanh mắt để khôi phục hoạt động của nó, giúp cần bằng hướng nhìn của mắt lác với mắt lành. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể cải thiện khả năng di chuyển của mắt lác chứ không thể cải thiện thị lực của mắt này. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn cần tập luyện mắt lác theo phương pháp trên để đạt được mục tiêu cải thiện thị lực.
5. Dự phòng lác mắt
5.1. Dự phòng lác mắt tái phát
Điều trị lác thành công không phải là tất cả. Trong sinh hoạt mắt, nếu người bệnh không điều độ, bệnh lý này vẫn có thể tái phát. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong sinh hoạt, hãy áp dụng chúng một cách nghiêm túc để bảo tồn hiệu quả điều trị lác:
– Che mắt lành thường xuyên, ngay khi có thể, để tập luyện liên tục cho mắt lác
– Tái khám theo lịch để kiểm soát chặt chẽ tình trạng lác và có phương pháp điều trị phù hợp ngay khi cần.
5.2. Dự phòng lác mắt phát sinh
Cách tốt nhất để dự phòng lác phát sinh là thăm khám định kỳ với bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín, nhất là khi tiền sử gia đình có bệnh lý lác hoặc tình trạng suy giảm thị lực, cận thị nặng, từng chấn thương cơ học tại mắt, có các bệnh lý toàn thân như đột quỵ, đái tháo đường.
Phía trên là nguyên nhân và cách điều trị lác mắt. Theo đó, vấn đề ở các cơ xung quanh mắt là nguyên nhân phát sinh lác. Điều trị lác càng hiệu quả khi càng được tiến hành sớm, ở người bệnh càng nhỏ tuổi. Mục tiêu điều trị lác là phục hồi thị lực mắt lác. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể sẽ được bác sĩ hướng dẫn tập luyện mắt lác bằng cách bịt mắt lành. Trường hợp nặng, có thể sẽ được xem xét phẫu thuật thêm. Với những thông tin đó, hy vọng rằng bạn sẽ sớm thoát khỏi tình trạng lác.