Các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu, rung tâm nhĩ, các bệnh lý về tim mạch nói chung… là các tác nhân nghiêm trọng dễ gây ra đột quỵ não. Tỷ lệ người mắc những bệnh nêu trên trên rất nhiều, tuy nhiên có khá nhiều người chủ quan, bỏ qua dấu hiệu bệnh, hoặc không kiểm soát điều trị bệnh, cho đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ dẫn đến biến chứng tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Chính vì vậy, kiểm soát, điều trị tốt các bệnh lý liên quan cũng là cách phòng ngừa đột quỵ não mà bạn có thể tham khảo.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh lý nền làm tăng nguy cơ bị đột quỵ như thế nào?
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng dẫn đến đột quỵ não hay tai biến mạch máu não, trong đó yếu tố bệnh lý. Các chuyên gia y tê chỉ ra cao huyết áp, rung nhĩ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành là những yếu tố bệnh lý chính làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não.
– Huyết áp cao là yếu tố bệnh lý nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ não. Hơn một nửa số ca đột quỵ não phát hiện có tình trạng cao huyết áp. Huyết áp tăng cao làm gia tăng gánh nặng cho tim, tạo sức ép đến các động mạch, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa sẽ thúc đẩy hình thành cục máu đông, theo đó sẽ gây tắc nghẽn lòng máu, lưu lượng máu đến não bị cản trở gây đột quỵ nhồi máu não. Tăng huyết áp cũng gây sức ép khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến chảy máu, xuất huyết não.
– Cholesterol trong máu cao: Đột quỵ có liên quan đến mức cholesterol LDL cao. Lý do là bởi cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn lưu thông máu lên não.
– Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ não từ đến 6,5 lần so với người bình thường. Dư thừa đường trong máu sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ chất béo trong động mạch, từ đó hình thành các mảnh xơ vữa, dẫn đến tạo các cục máu đông, gây cản trở máu lên não.
– Người bị các bệnh lý tim mạch như rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều, suy tim, hở van tim… Các bệnh lý này sẽ khiến tim không thể bơm máu như bình thường, dễ dẫn đến tình trạng hình thành cục máu đông gây gián đoạn máu lên não…
2. Kiểm soát tốt bệnh nền giúp dự phòng đột quỵ
Đột quỵ có thể được phòng tránh bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Trong đó kiểm soát tốt các bệnh lý là nguyên nhân thúc đẩy khả năng bị đột quỵ là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
2.1 Duy trì, kiểm soát huyết áp ở mức ổn định
Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp được xác định lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg. Tăng huyết áp có thể làm tăng gấp đôi hoặc có thể gấp 4 lần nguy cơ bị đột quỵ nếu không kiểm soát được. Vì thế kiểm soát, theo dõi huyết áp là biện pháp quan trọng trong dự phòng đột quỵ não hay tai biến mạch máu não.
Người bệnh cao huyết áp nên hạn chế sử dụng muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao, hạn chế sử dụng thực phẩm, đồ ăn được chế biến sẵn. Lượng muối được khuyến nghị sử dụng là <2.300 mg/ ngày cho người bình thường và <1.500mg/ ngày cho người cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn tính và từ 51 tuổi trở đi.
Bạn cũng nên sử dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả cung cấp nhiều kali, các sản phẩm làm từ sữa ít béo, bổ sung thực phẩm chứa omega-3, nên ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ và giảm chất béo bão hòa có ở mỡ động vật, nội tạng.
Ngoài ra, những bệnh nhân cao huyết áp nên tự đo huyết áp tại nhà, sử dụng thuốc giảm huyết áp theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát huyết áp, phòng ngừa đột quỵ có nguy cơ cao xảy ra.
2.2 Quản lý tốt bệnh tiểu đường là cách giúp phòng ngừa bị đột quỵ
Khi mắc tiểu đường hay đái tháo đường bạn nên theo dõi và giữ mức đường huyết trong mức kiểm soát. Việc đầu tiên cần làm là bạn nên tuân thủ chế độ ăn kiêng, luyện tập thể dục thể thao và sử dụng thuốc để giữ mức đường huyết trong mức cho phép. Tiếp theo bạn cũng nên tái khám định kỳ để kiểm tra mức đường huyết, dự phòng đột quỵ.
2.3 Điều trị rối loạn lipid máu
Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp với việc thay đổi lối sống để giảm cholesterol trong máu. Chế độ ăn thích hợp bao gồm kiêng mỡ, các loại dầu ăn, thức ăn chứa nhiều cholesterol như: Nội tạng, bơ, thịt đỏ, các thực phẩm chiên rán, bánh ngọt, thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn… Ưu tiên các nguồn chất béo không bão hòa như omega-3, omega-6 có trong cá, dầu thực vật…
Những người có độ tuổi trên 45 cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6 đến 12 tháng/ lần để phát hiện sớm tình trạng này, từ đó cũng kiểm soát sớm phòng ngừa đột quỵ xảy ra.
2.4 Điều trị sớm các bệnh lý tim mạch là cách giúp phòng ngừa bị đột quỵ
Các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, tổn thương van tim… là những bệnh lý góp phần làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó rung nhĩ là yếu tố nguy cơ làm tăng gấp 5 lần khả năng bị đột quỵ. Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài trong điều trị rung nhĩ có thể giảm được 67% nguy cơ đột quỵ xảy ra. Hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kiểm soát tình trạng này để phòng ngừa bị đột quỵ.
Trên đây là các yếu tố bệnh lý là nguy cơ dẫn đến đột quỵ và các biện pháp để phòng ngừa đột quỵ. Đối với những người có những bệnh lý kể trên nên thực hiện điều trị, kiểm soát càng sớm càng tốt dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tình trạng đột quỵ xảy ra. Ngoài ra nhiều người mắc đột quỵ mới phát hiện ra bản thân mắc các bệnh lý là yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Vậy nên giải pháp phòng tránh sớm cho người bệnh là thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ. Thông qua quá trình tầm soát sẽ phát hiện ra các bệnh lý, hoặc tình trạng bất thường, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến cáo để người bệnh có thể nhanh chóng tiếp cận điều trị hoặc chủ động kiểm soát chúng.