Không thể chủ quan trước sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Một trong rất nhiều bệnh lý đi kèm với sự lão hóa của tuổi già đáng lo ngại nhất phải kể đến bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi (người già). Theo thống kê, ước tính cứ mỗi 3 giây trên thế giới lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Chi phí chăm sóc và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người già là rất tốn kém, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Những con số đáng lo ngại về sa sút trí tuệ ở những người cao tuổi

Sự lão hóa theo tuổi tác và thời gian là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh lý. Sa sút trí tuệ ở người già là một trong các bệnh lý điển hình tại Việt Nam hiện nay, khi chúng ta đang sống trong một quần thể dân số có tỷ lệ người già chiếm tỷ lệ cao.

Theo ước tính năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi trên toàn cầu chiếm khoảng 8% dân số, tại Việt Nam tỷ lệ này khoảng 5,73% dân số. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên theo các năm. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ lệ người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng các ca bệnh ở đối tượng này và bệnh sa sút trí tuệ là một điển hình.

suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi

Theo thống kê, ước tính cứ mỗi 3 giây trên thế giới lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ.

2. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi không đơn giản là suy giảm trí nhớ

Nhiều người vẫn hay thường nhầm lẫn giữa sa sút trí tuệ và hội chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già. Mặc dù các biểu hiện ban đầu của bệnh sa sút trí tuệ có thể dễ nhầm lẫn với chứng suy giảm trí nhớ nhưng ở giai đoạn nặng, bệnh sa sút trí tuệ ở người già không đơn thuần chỉ gây suy giảm trí nhớ, mà nó còn làm suy giảm nhiều chức năng quan trọng của não bộ và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Theo các nhà khoa học, sa sút trí tuệ là hội chứng gây ra bởi tình trạng tổn thương não. Biểu hiện bởi sự suy giảm nhiều chức năng quan trọng của não bộ như: suy giảm lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, ngôn ngữ, tri giác, định hướng, khả năng lập luận và phán đoán, khả năng thực hiện các nhiệm vụ,….

Bệnh sa sút trí tuệ ở tuổi già gồm nhiều dạng khác nhau gồm: Alzheimer, sa sút trí tuệ do mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy, … Trong đó, bệnh Alzheimer chiếm hơn 50% các trường hợp người bệnh sa sút trí tuệ.

sa sút trí tuệ ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào

Bệnh Alzheimer chiếm hơn 50% các trường hợp người bệnh sa sút trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh (bộ não) của con người.

3. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

3.1 Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn đầu

Các biểu hiện sa sút trí tuệ khi còn nhẹ, biểu hiện thông qua sự suy giảm trí nhớ trong ngắn hạn.

Đa số bệnh nhân và người nhà thường không nhận biết được thời gian khởi phát triệu chứng. Người bệnh sa sút trí tuệ thường quên các sự vật diễn ra gần đây trước (như ăn rồi bảo chưa ăn, …) sau đó sẽ quên cả các sự việc xa xưa đã từng diễn ra trong quá khứ.

3.2 Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn sau

Người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ rệt, liên quan đến các chức năng khác như:

– Ngôn ngữ: nói lắp, khó tìm từ để nói, không gọi được tên đồ vật,…

– Tri thức: không nhận ra người quen cũ, con cháu, đồ vật quen thuộc

– Hành động: vụng về và gặp khó khăn khi tự ăn uống, khó khăn trong vệ sinh cá nhân,…

– Tư duy và khả năng điều hành: khả năng tính toán, sáng tạo, lập kế hoạch và ra quyết định bị suy giảm.

– Ngoài ra, bệnh sa sút trí tuệ ở người già có thể kèm theo một số biểu hiện biến đổi nhân cách (mất kiểm soát trước các hành động), trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn giấc ngủ,…

4. Người cao tuổi bị sút trí tuệ có nên điều trị?

4.1 Người già bị sa sút trí tuệ có nên điều trị không?

Sa sút trí tuệ ở những người cao tuổi tạo gánh nặng cho chính bản thân họ, người chăm sóc, gia đình và toàn xã hội.

Bởi bệnh thường tiến triển âm thầm trong giai đoạn đầu, một số người có thể tự hồi phục được hoặc hồi phục khi nếu có sự chăm sóc và điều trị y tế khi nguyên nhân gây sa sút trí tuệ thuộc các nguyên nhân có thể điều trị như các bệnh nội tiết, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng – nhiễm độc, thiếu B12,… Một số khác không thể hồi phục, bệnh tiến triển nặng dần.

điều trị sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Người bệnh sa sút trí tuệ cần được phát hiện sớm. Các công tác quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh nên được tiến hành càng sớm càng tốt.

4.2 Ý nghĩa của việc điều trị sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Các phương pháp điều trị (gồm không dùng thuốc, dùng thuốc, chăm sóc toàn diện) mặc dù không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh và làm giảm quá trình tiến triển của bệnh. Đa số sa sút trí tuệ trong trường hợp này là do nguyên nhân thoái hóa thần kinh gây ra, tiêu biểu như trong các bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ do mạch máu,…

Chính vì vậy, người bệnh sa sút trí tuệ cần được phát hiện sớm, các công tác quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều này góp phần làm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm bớt phần nào gánh nặng về kinh tế lẫn tâm lý cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình và xã hội. ư

Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu thêm về căn bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Nếu thấy người thân có biểu hiện bị sa sút trí tuệ, đừng trì hoãn mà hãy đưa người bệnh đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa tâm thần để được cần tư vấn về tình trạng cũng như phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ kịp thời và hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital