Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, các cảm xúc vui buồn hờn giận đều được thể hiện qua đôi mắt. Vì vậy ngoài việc giữ đôi mắt luôn khỏe, sáng, ta còn cần phải chú ý đến tính thẩm mỹ của đôi mắt. Bạn có biết rằng có 1 tật về mắt rất dễ gặp phải đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới cả thị lực? Đó chính là mắt lác. Vậy mắt bị lác là như thế nào? Điều trị có khó không và khi nào thì cần phẫu thuật chỉnh mắt lác?
Menu xem nhanh:
1. Lác mắt là gì?
Đầu tiên cần phải biết, lác mắt hay lé mắt là tình trạng 2 đồng tử mắt không cân đối, không cùng nhìn thẳng, một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn sang hướng khác hoặc cả 2 mắt nhìn về 2 phía khác nhau (nhìn ra ngoài hoặc hướng vào trong, nhìn lên hoặc nhìn xuống). Lác mắt là tình trạng lệch của trục mắt. Bệnh có thể được phát hiện qua thăm khám hoặc quan sát các dấu hiệu thường ngày.
Bệnh mắt lác có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh xuất hiện ở 3% trẻ em và có nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 2 đến 3 triệu trẻ em Việt Nam mắc lác mắt. Nếu không được chú ý và điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây mất thị lực một phần do nhược thị. Bệnh phổ biến ở trẻ em vì khả năng kiểm soát các cơ mắt còn yếu. Lớn dần thì tình trạng lác cũng thuyên giảm và tự hết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ không tự hết lác thì cần được phẫu thuật chỉnh mắc lác.
2. Dấu hiệu lác mắt
Dấu hiệu nhận biết mắt lác rất dễ dàng. Có thể thực hiện bằng cách đứng đối diện, nhìn thẳng vào mắt có thể dễ dàng phát hiện tình trạng không đối xứng của 2 bên mắt. Nếu các dấu hiệu mờ nhạt và khó phân biệt thì bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa Mắt.
Với trẻ em, có thể kiểm tra bằng cách đưa đồ cho trẻ, nếu bé có xu hướng nhìn lệch về một bên, mắt không nhìn cùng về hướng món đồ thì rất có thể bé đã bị lác.
Với trường hợp trẻ đã lớn hoặc với người lớn, thường xuyên nghiêng đầu để quan sát cũng là một dấu hiệu. Bởi mắt lác sẽ gây ra tình trạng nhìn đôi (song thị), việc nghiêng đầu sẽ làm giảm cảm giác nhìn đôi, nhìn nhòe. Việc 1 mắt phải điều tiết quá đà dễ dẫn đến tình trạng mỏi mắt, nhức đầu.
Thời điểm vàng để phát hiện các dấu hiệu mắt lác ở trẻ nhỏ là dưới 3 tuổi. Tỷ lệ điều chỉnh thành công nếu được phát hiện sớm là 92%.
3. Nguyên nhân gây lác mắt
Một số nguyên nhân gây lác mắt có thể kể đến như:
– Di truyền: bệnh hoàn toàn có thể di truyền từ đời này sang đời sau. Do đó, hãy chú ý tới tiền sử bệnh về mắt của gia đình để phòng tránh nguy cơ.
– Bệnh nền: down, tiểu đường,… hoặc do chấn thương
– Liệt cơ vận nhãn khiến cho nhãn cầu không thể hoạt động bình thường
– Nhược thị
– Mắc các tật khúc xạ nặng
– Hiếm xảy ra trên bệnh nhân mắc u nguyên bào võng mạc
– Đục thủy tinh thể
– Tăng huyết áp
Cần biết rằng lác mắt bẩm sinh là cực kỳ hiếm, hầu hết các em bé được phát hiện lác mắt trong vòng 6 tháng đầu đời. Điều trị mắt lác có thể được tiến hành bởi nhiều cách như: chỉnh kính, điều trị nhược thị bằng bịt mắt, điều trị bằng thuốc hoặc độc tố. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào tình trạng lác và nhu cầu của bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương án phù hợp và vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người mắc mắt lác có thể lựa chọn phẫu thuật chỉnh mắt lác để đạt được hiệu quả tức thời.
4. Khi nào cần phẫu thuật
Phẫu thuật có thể đem đến hiệu quả tức thời và được ghi nhận có hiệu quả tốt nhưng không phải bất cứ bệnh nhân nào cũng phù hợp với phương pháp này. Vậy có những lưu ý gì khi tiến hàng làm phẫu thuật?
4.1. Đối tượng phẫu thuật
– Trẻ đã đủ 2 tuổi, đã thực hiện chỉnh mắt lác bằng các phương pháp khác mà không có hiệu quả (với trường hợp lác hướng về mũi)
– Trường hợp trẻ lác hướng ra ngoài thì cần khoảng 4 – 5 tuổi mới được chỉ định phẫu thuật
– Chỉ định mổ ngay lập tức khi trẻ đã trên 7 tuổi mà tình trạng lác chưa chấm dứt
4.2. Quy trình mổ lác
Nhìn chung, một ca mổ lác được tiến hành theo quy trình sau:
– Khám trước mổ: bác sĩ tiến hành đánh giá hướng nhìn của mắt bằng các bài test để định hướng kế hoạch và kỹ thuật mổ
– Tiến hành mổ: cần gây mê toàn thân (kể cả với trẻ em). Do đó, bệnh nhân cần nhịn ăn 6 – 8 tiếng trước mổ. Quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh các cơ mắt bằng một số kỹ thuật như: làm yếu cơ mắt (lùi cơ, cắt buông cơ, cố định cơ sau), kỹ thuật kéo căng cơ (rút ngắn cơ, gấp cơ, khâu cơ ra phía trước), phẫu thuật sợi chỉ điều chỉnh được (thường được sử dụng trong trường hợp khó xác định khả năng điều chỉnh lại sau mổ).
– Hậu phẫu: bác sĩ tra thuốc mỡ kháng sinh, băng mắt
Việc thực hiện phẫu thuật chỉnh lác có thể lấy lại tính thẩm mỹ cho mắt nhưng không được đảm bảo về việc hồi phục thị lực ở bệnh nhân. Hậu phẫu, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ như: thay băng hàng ngày, sử dụng kháng sinh, chống viêm. Các bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để đánh giá kết quả sau mổ và kiểm tra xem có bất cứ biến chứng nào hay không. Bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để kích thích cơ mắt hoạt động.
Nhiều người còn băn khoăn về độ an toàn của loại phẫu thuật này. Phẫu thuật chỉnh mắt lác an toàn, ít biến chứng và hoàn toàn có thể xử lý biến chứng, thị lực sau mổ vẫn được giữ nguyên nhưng trả lại tính thẩm mỹ. Thời gian phẫu thuật cũng ngắn (khoảng dưới 2 tiếng đồng hồ). Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi cho con thực hiện phẫu thuật. Chỉ cần đảm bảo lựa chọn cơ sở y tế uy tín để làm phẫu thuật và tuân thủ hướng dẫn.
Mắt lác đem đến nhiều trở ngại trong cuộc sống và làm mất đi tính thẩm mỹ cho cả khuôn mặt. Vì vậy, hãy chú ý hơn tới đôi mắt và tới gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI là địa chỉ đáng tin cậy mà bạn có thể lựa chọn để chăm sóc sức khỏe đôi mắt trọn đời.