Theo dõi các giai đoạn phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ là vô cùng quan trọng. Một trong những giai đoạn quan trọng là ba tháng đầu thai kỳ. Vậy khám thai 3 tháng đầu gồm những gì?
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của khám thai 3 tháng đầu
Ba tháng đầu của thai kỳ được tính từ lúc bắt đầu trễ kinh đến khi mang thai được 13 tuần 6 ngày. Đây là thời điểm nhạy cảm của mẹ và bé. Chính vì vậy việc khám thai 3 tháng đầu có vai trò vô cùng quan trọng:
– Giúp xác định các thông tin như: có thai hay không, số lượng thai, vị trí thai nhi, tuổi thai nhi,…
– Phát hiện sớm những bất thường mà thai nhi có thể gặp phải.
– Giúp xây dựng lộ trình chăm sóc mẹ bầu hợp lý, khoa học để thai nhi được phát triển tốt nhất.
2. Khám thai 3 tháng đầu gồm những gì?
Trong 3 tháng đầu hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu cần ghi nhớ những lịch khám thai sau đây:
2.1. Mốc khám thai từ 5 – 8 tuần tuổi
Đây là lần khám thai quan trọng đầu tiên mẹ bầu cần ghi nhớ. Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ giúp mẹ xác định được mẹ có mang thai hay không, số lượng thai và thai đã làm tổ trong tử cung hay chưa.
Thực hiện siêu âm để xác định mẹ có thai hay không. Trong lần siêu âm này, thông qua hình ảnh siêu âm bác sĩ cũng sẽ thấy được thai nhi đã làm tổ trong tử cung hay chưa. Trong trường hợp siêu âm không thấy túi thai mà các chỉ số khác vẫn cho thấy mẹ dang mang thai thì mẹ cần trở lại siêu âm một vài tuần sau đó để loại trừ tình huống mang thai ngoài tử cung.
Trong lần thăm khám đầu tiên này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định những xét nghiệm sau đây:
– Xác định chỉ số BMI của mẹ bao gồm đo chiều cao, cân nặng và tính toán thể trạng của mẹ bình thường, gầy hay thừa cân. Tùy từng thể trạng, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên khác nhau cho mẹ để đảm bảo mức tăng cân phù hợp trong từng giai đoạn.
– Đo huyết áp để đánh giá nguy cơ tiền sản giật nếu mẹ bầu bị huyết áp cao
– Thực hiện xét nghiệm nước tiểu và đo nồng độ hormone hCG để xác định sự phát triển của thai nhi.
– Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi tiêm vaccin,…
– Xác định tuổi thai nhi dựa theo kết quả siêu âm và những thông tin về ngày quan hệ, trễ kinh mà mẹ cung cấp.
Ngoài ra, trong lần thăm khám đầu tiên này, mẹ nên chủ động cung cấp các thông tin về tiền sử sức khỏe gia đình cũng như bản thân để có thể phòng ngứa sớm nhất những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
Từ kết quả thăm khám lần đầu bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên hoặc mẹ nên chủ động tham vấn lời khuyên của bác sĩ về:
– Chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi phù hợp với thể trạng của mẹ
– Thực hiện sàng lọc trước sinh cho bé
– Nếu mẹ phát hiện các bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cho mẹ phác đồ chăm sóc và điều trị để đảm bảo an toàn nhất cho thai nhi phát triển.
2.2. Mốc khám thai từ 8 đến 13 tuần 6 ngày
Đây là mốc thứ hai mẹ không được bỏ qua trong kỳ khám thai 3 tháng đầu. Ở mốc khám thai này, ngoài việc thăm khám toàn diện tương tự như ở lần khám thai trước đó, thai nhi sẽ được thực hiện các tầm soát dị tật. Các sàng lọc được thực hiện trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây là thời điểm vàng phát hiện sớm với kết quả chính xác nhất và có thể can thiệp kịp thời để giảm những hệ lụy về sau.
Các xét nghiệm, siêu âm quan trọng trong mốc khám thai này gồm:
Siêu âm đo độ mờ da gáy của trẻ
Trong trường hợp lớp mờ da gáy của trẻ dày, trẻ có nguy cơ cao mắc một số hội chứng dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, Edward, Pautau,…cụ thể:
Độ mờ da gáy bình thường:
– 11 tuần tuổi: 2mmm
– 12 tuần tuổi: dưới 2,5 mm
– 13 tuần tuổi: dưới 2,8 mm
Độ mờ da gáy bất thường khi đo được trên 3mm. Mức độ nghiêm trọng tăng dần khi độ mờ da gáy tăng lên bởi nguy cơ mắc Down và các dị tật bẩm sinh tăng.
Xét nghiệm Double Test
Song song với đo độ mờ da gáy, xét nghiệm Double Test cho biết nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Patau (Trisomy 13), Edwards (Trisomy 18) hay hội chứng Down (Trisomy 21).
Xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia
Lượng hồng cầu cung cấp đủ đảm bảo thai nhi sẽ được cung cấp đủ oxy. Ngược lại với thai nhi gặp dị tật di truyền này sẽ có nguy cơ thiếu máu, thiếu oxy ngay từ trong bụng mẹ, cần can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Đo nhịp tim thai nhi
Vào thời điểm này, nhịp tim ở cả bé trai và bé gái sẽ khoảng 140 – 170 nhịp/phút. Trong trường hợp nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường, bác sĩ sẽ kiểm tra chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân.
3. Những lưu ý cho mẹ bầu để thai kỳ được khỏe mạnh
Tam cá nguyệt đầu tiên quan trọng vì đây là thời điểm thai nhi bắt đầu hình thành và còn rất yếu ớt. Mọi tác động dù nhỏ đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ. Chính vì thế, ngoài việc khám thai đầy đủ trong ba tháng đầu, mẹ bầu cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây:
3.1. Chế độ ăn uống
Bước vào thai kỳ, mẹ cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm nhóm chất đạm, protein, đường bột và chất béo. Bên cạnh đó cần:
– Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: axit folic, sắt, canxi, magie, kẽm.
– Tránh các loại thực phẩm dễ gây kích thích và co bóp tử cung như các loại hải sản chứa thủy ngân, các loại rau như rau ngót, chùm ngây, ngải cứu, đu đủ, dứa,…
– Ba tháng đầu mẹ sẽ xuất hiện tình trạng nghén, để hạn chế tình trạng này mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn và không ăn quá no trong từng bữa.
3.2. Chế độ vận động và nghỉ ngơi
Vận động và nghỉ ngơi vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Thời gian đầu, mẹ có thể bị sốt nhẹ, đau bụng nhẹ. Tuy nhiên hiện tượng này bình thường và mẹ bầu chỉ cần nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, tập yoga,… để có một cơ thể khỏe mạnh.
Khám thai 3 tháng đầu là tiền đề để xây dựng một chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp cho mẹ và bé, đặc biệt có những sàng lọc sơ sinh vô cùng quan trọng. Chính vì thế, mẹ bầu cần cố gắng sắp xếp thời gian và công việc phù hợp để thực hiện khám thai 3 tháng đầu đầy đủ nhất.
Khám thai 3 tháng đầu gồm những gì?
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.