Khám sức khỏe định kỳ là quyền lợi của bất kỳ người lao động nào. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn giúp bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy vậy, đối với riêng đối tượng công nhân – những lao động tay chân lại chưa có nhiều thông tin riêng về chủ đề này. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về quy định khám sức khỏe định kỳ cho công nhân.
Menu xem nhanh:
1. Quy định khám sức khỏe định kỳ cho công nhân
Khám sức khỏe cho người lao động là việc thực hiện danh mục khám với mục đích đánh giá sức khỏe người lao động có phù hợp với công việc đang làm hay không. Thông qua việc khám và theo dõi sức khỏe định kỳ, người lao động và người sử dụng lao động có thể phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là các bệnh phát sinh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp.
Công nhân là một thành phần quan trọng của lực lượng lao động, quy định khám sức khỏe cho đối tượng này cũng được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động và Thông tư 14/2013/TT-BYT. Theo đó, công nhân cũng có đầy đủ quyền lợi chăm sóc sức khỏe như những người lao động khác. Ngoài ra, tùy theo đặc thù của môi trường làm việc, đối tượng công nhân sẽ có những lưu ý riêng trong việc khám sức khỏe.
1.1. Bao lâu cần khám sức khỏe định kỳ cho công nhân?
Theo quy định của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên ít nhất một lần trong năm. Những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại được tổ chức khám sức khỏe 6 tháng/lần, tương đương với tần suất khám là 2 lần/năm. Như vậy, nếu là công nhân làm việc có tính chất nguy hiểm hoặc lao động trong môi trường độc hại, bán sẽ được khám sức khỏe ít nhất 2 lần/năm.
Trong đó, danh mục nghề nghiệp có tính chất nguy hiểm, môi trường làm việc độc hại đã được quy định cụ thể theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH. Các nghề nghiệp trong danh mục này đều được xếp loại điều kiện lao động loại IV-V-VI. có nghĩa là công việc có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại trở lên. Ví dụ một số công việc có tính chất độc hại, nguy hiểm năm trong danh mục quy định của Nhà nước là các việc làm trong ngành dầu khí, hóa chất, khoa học – công nghệ…
1.2. Nội dung khám sức khỏe định kỳ cho công nhân
Cũng tương tự như nhiều lao động khác, nội dung khám sức khỏe định kỳ đối với công nhân trong nhiều lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Thông tư 14/2013/TT-BYT. Theo đó, các danh mục khám cơ bản bao gồm:
– Thông tin về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình.
– Khám thể lực chung: Đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra mạch đập, huyết áp…
– Khám lâm sàng theo các chuyên khoa: Nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa (với nữ), khám mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, cơ xương khớp…
– Khám cận lâm sàng bắt buộc: Xét nghiệm máu và nước tiểu.
– Chẩn đoán hình ảnh: Nội dung khám thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ của khám sức khỏe định kỳ còn có một nhiệm vụ quan trọng là sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp. Vì thế, dựa trên tính chất công việc và đối tượng người lao động, các doanh nghiệp cần bổ sung thêm các danh mục khám chuyên khoa phù hợp.
2. Một số danh mục khám sức khỏe bổ sung cho công nhân
Công việc của công nhân đa số đều có tính chất nguy hiểm, môi trường làm việc độc hại. Do đó, đa số công nhân sẽ được bổ sung thêm một số danh khám sức khỏe chuyên khoa. Một số bệnh nghề nghiệp thường được áp dụng khám sàng lọc là bệnh phổi nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp và nhiễm độc nghề nghiệp. Theo đó, một số danh mục khám chuyên khoa được gợi ý là:
– Đo kiểm tra thính lực: Nên áp dụng trong khám tuyển dụng, đo kiểm tra hàng năm nếu môi trường làm việc có mức độ tiếng ồn cao.
– Chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp, chụp cắt lớp: Thường áp dụng để tầm soát nguy cơ mắc bệnh nghề bụi phổi.
– Tủy đổ: Áp dụng với bệnh nhiễm độc nghề nghiệp.
Tùy thuộc vào yếu tố môi trường làm việc, tính chất công việc người lao động phải tiếp xúc mới có thể lựa chọn các nội dung khám sức khỏe khác nhau. Do đó, việc lựa chọn các nội dung khám nên được tham khảo với các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sức khỏe nghề nghiệp.
3. Cần chuẩn bị những thủ tục và giấy tờ gì khi đi khám sức khỏe?
Để khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thì phía doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện hoạt động khám sức khỏe theo quy định Thông tư 14/2013/TT-BYT. Bên cạnh đó, vì tính chất công việc có tính đặc thù, doanh nghiệp cũng nên chú ý lựa chọn các đơn vị khám chữa bệnh đủ năng lực thực hiện khám bệnh nghề nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp người lao động hạn chế phải di chuyển nhiều, được hỗ trợ khám chẩn đoán sớm khi phát hiện những dấu hiệu bệnh nghề nghiệp trong quá trình khám sức khỏe định kỳ.
Thông thường, các cơ sở y tế thực hiện hoạt động khám sức khỏe sẽ chuẩn bị sẵn hồ sơ khám sức khỏe cho người lao động theo mẫu quy định chung. Từ phía người lao động, bạn sẽ phải chuẩn bị:
– Ảnh chân dung cỡ 04x06cm chụp trên nền trắng. Thời gian chụp ảnh không quá 6 tháng tính từ ngày thực hiện hoạt động khám sức khỏe.
– Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi bạn đang làm việc nếu bạn khám sức khỏe định kỳ đơn lẻ, không thực hiện khám cùng tập thể. Nếu người lao động không có tên trong danh sách khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức vì một lý do nào đó cũng có thể mang theo giấy giới thiệu để để xác nhận khám theo hợp đồng.
– Hồ sơ khám bệnh cũ, đây là cơ sở để cung cấp thông tin cho các kết luận chẩn đoán của bác sĩ.
Ngoài những lưu ý về hồ sơ nói trên, để đảm bảo kết quả khám phản ánh đúng tình trạng của người lao động, bạn cần thực hiện những lưu ý sau:
– Nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.
– Nên uống nhiều nước, nhịn tiểu để siêu âm cho kết quả chính xác.
– Nếu trong danh mục khám có chụp X-quang vùng ngực, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm khử mùi cho vùng nách.
– Nếu danh mục khám có nội soi, bạn cần hạn chế nạp các thực phẩm có màu bởi có thể hạn chế việc quan sát các tổn thương bên trong.
Khám sức khỏe định kỳ là hoạt động ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn đã có thể hiểu thêm về việc thực hiện hoạt động khám định kỳ dành cho đối tượng công nhân – lực lượng lao động chủ đạo và quan trọng trong quá trình phát triển hiện nay của đất nước.