Trẻ bị lây cảm cúm từ mẹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi gặp trường hợp này, nhiều mẹ vội vàng cho bé ngừng bú sữa mình vì lo con có thể mắc bệnh nặng hơn. Đây không phải là một cách xử trí đúng đắn. Lời giải đáp chi tiết sẽ có trong bài viết này. Hơn thế, nội dung bài viết còn hướng dẫn bố mẹ cách xử trí tốt khi con mắc cảm cúm.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ bị lây cảm cúm từ mẹ có thể xảy ra khi tiếp xúc lúc bú mẹ
Cảm cúm là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, thông qua giọt bắn của người bệnh. Vì thế, người khỏe mạnh khi trò chuyện hay tiếp xúc gần với người bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.
Trường hợp khác, bệnh cảm cúm còn có thể lây nhiễm gián tiếp thông qua đồ vật. Điều này đồng nghĩa rằng, người khỏe mạnh nếu dùng chung đồ cá nhân như: ly uống nước, bàn chải đánh răng, quần áo, khăn mặt… với người ốm thì khả năng bị lây bệnh cũng rất cao.
Theo cơ chế lây bệnh như trên, trẻ nhỏ với sức đề kháng còn yếu rất dễ lây bệnh cảm cúm từ những người bé tiếp xúc hằng ngày. Việc bé bị lây cảm cúm từ mẹ, bố hay các thành viên khác trong gia đình là điều dễ hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra.
2. Mẹ bị cảm cúm không cần dừng cho con bú sữa
Phụ nữ đang cho con bú là một trong những đối tượng dễ mắc cảm cúm. Vì cơ thể sau sinh còn chưa hồi phục, sức đề kháng yếu hơn bình thường.
Nhiều mẹ đang cho con bú bị mắc cảm cúm đã vội vàng dừng cho bé ti và thay bằng sữa công thức. Đây thật sự là một quyết định sai lầm của mẹ. Thậm chí, quyết định này còn có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Chưa có bất cứ một nghiên cứu nào chứng minh bệnh cảm cúm có thể lây qua đường sữa mẹ. Vậy nên, lo lắng con bị lây bệnh cảm cúm vì bú sữa mẹ là hoàn toàn vô căn cứ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào, tốt cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại tác nhân gây bệnh. Việc đột ngột cho bé dừng sữa mẹ và thay thế bằng sữa công thức sẽ đẩy bé vào tình cảnh phải thích nghi với sữa mới. Bé có thể sẽ bị stress vì vấn đề này. Khi cơ thể bé mẹ mỏi, sức đề kháng giảm đi, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cảm cúm sẽ cao hơn.
Như vậy, bệnh cảm cúm không lây truyền qua đường sữa mẹ. Các mẹ mắc cảm cúm vẫn nên duy trì cho bé bú như bình thường. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây bệnh cho con, mẹ khi cho bé bú cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây bệnh.
3. Cách để hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cảm cúm khi mẹ cho bé bú
Mẹ bị cảm cúm lây bệnh cho con nguyên nhân là do tiếp xúc gần. Do đó, để hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cúm sang con, mẹ khi cho bé bú cần áp dụng những biện pháp phòng bệnh như sau:
– Mẹ rửa sạch tay, đầu vú trước khi bế và cho bé bú. Mẹ có thể dùng dung dịch sát khuẩn hay xà bông để làm sạch tay. Rồi sau đó, mẹ dùng nước ấm để lau sạch đầu vú.
– Mẹ cần đeo khẩu trang trong suốt quá trình cho bé bú. Việc này sẽ giúp bé tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch chứa virus cúm từ mẹ. Nguy cơ lây bệnh cúm khi cho bé bú sẽ được giảm đi.
– Mẹ nên thực hiện cách ly với bé. Cụ thể, trong thời gian bị cúm, mẹ không nên ngủ chung với con để tránh tiếp xúc quá gần. Những khi vắt sữa, mẹ cần đeo khẩu trang, thực hiện vệ sinh tay, đầu vú. Mẹ cũng cần tiệt trùng dụng cụ vắt sữa, chứa sữa thật cẩn thận.
4. Cách chăm sóc và điều trị cho bé bị lây cảm cúm từ mẹ
Trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ hầu hết đều ở khoảng dưới một tuổi. Các bé ở độ tuổi này còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, nguy cơ biến chứng nặng cao. Do đó, cách điều trị khi trẻ mắc cảm cúm cũng cần hết sức cẩn thận.
Trước tiên, ngay khi phát hiện con đã mắc cảm cúm do lây từ mẹ, bố hay người lớn trong gia đình nên cho bé đi khám ngay. Đến bệnh viện, bé sẽ được bác sĩ trực tiếp thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Tiếp đó, khi mang bé về điều trị tại nhà, người chăm sóc cần cho bé uống thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Mẹ vẫn duy trì cho bé bú và tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây bệnh. Với các bé đã ăn dặm, người chăm sóc cần cho bé ăn uống đầy đủ. Các bữa ăn nên được chế biến dạng lỏng để bé dễ hấp thu hơn.
Lưu ý rằng, những ngày đầu bị bệnh, bé cần được theo dõi và đo nhiệt độ thường xuyên. Trường hợp bé bị sốt, người chăm sóc có thể chườm ấm, nhất là cách vùng nách, bẹn và trán, để hỗ trợ bé hạ sốt. Trường hợp trẻ sốt cao > 38,5 độ C, người chăm sóc cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao uống thuốc hạ sốt nhưng không có tác dụng, người chăm sóc nên đưa bé nhập viện ngay để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.
5. Bố mẹ nên tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm cho trẻ
Cảm cúm thực tế không phải bệnh nguy hiểm. Thế nhưng, biến chứng của bệnh cảm cúm thì rất nguy hiểm, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Để giúp con phòng ngừa bệnh cảm cúm, bố mẹ có thể cho bé đi tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm. Bên cạnh đó, bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình cũng nên chủng ngừa cúm mỗi năm. Mục đích để hạn chế khả năng lây bệnh cảm cúm trong phạm vi gia đình.
Lưu ý rằng, biện pháp chủng ngừa cúm hàng năm chỉ áp dụng với các bé từ 6 tháng tuổi. Đối với bác bé dưới 6 tháng, bố mẹ vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng tránh. Ví dụ như: hạn chế cho trẻ ra nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh cúm…
Bài viết trên đây đã gửi tới bạn đọc những thông tin hữu ích về trẻ bị lây cảm cúm từ mẹ. Nếu có nhu cầu tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm, bố mẹ có thể liên hệ ngay Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết.