Những lưu ý cần biết sau khi tiêm vắc xin viêm gan B là chủ đề nhiều người quan tâm với mong muốn quá trình tiêm chủng của mình được đảm bảo an toàn và có hiệu quả phòng bệnh tối ưu. Trong bài viết dưới đây, TCI sẽ giúp bạn tìm hiểu về những việc cần làm sau khi tiêm vắc xin để bạn tự tin và chủ động hơn. Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiêm viêm gan B?
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Hepatitis B (HBV). Bệnh này rất phổ biến, dễ lây lan và nó có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng đối với gan như suy giảm chức năng gan, xơ gan, ung thư gan.
Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus viêm gan B, đồng thời bảo vệ con người khỏi những tổn thương nghiêm trọng ở gan.
Vắc xin ngừa viêm gan B đã được chứng minh hiệu quả và an toàn qua nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng. Vắc xin được khuyến nghị cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 18 tuổi, giúp trẻ phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh từ giai đoạn đầu đời đến khi trưởng thành. Ngoài ra, những người lớn thuộc nhóm nguy cơ cao do môi trường làm việc, lối sống, hoặc các tình huống đặc biệt khác cũng được khuyến nghị nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B để bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B cần đảm bảo tiêu chí đầy đủ, đúng lịch và chăm sóc an toàn để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa và an toàn tiêm chủng.
2. Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B cần làm gì?
2.1. Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe sau tiêm viêm gan B tại cơ sở tiêm chủng
Sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, tại cơ sở tiêm chủng bạn cần chú ý đến một số điều dưới đây để giúp quá trình tiêm phòng diễn ra an toàn và đạt hiệu quả phòng ngừa viêm gan B tối ưu.
– Sau khi tiêm vắc xin, bạn cần ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để quan sát tình trạng sức khỏe sau tiêm chủng. Trong thời gian này, những người có tình trạng nhạy cảm với vắc xin, có thể gặp phải các phản ứng phản vệ như phát ban, nghẹt thở, đánh trống ngực, chóng mặt,… Một khi gặp phản ứng này, người tiêm chủng cần được cấp cứu ngay để bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Tai các cơ sở tiêm chủng uy tín thường có ekip cấp cứu túc trực, sẵn sàng xử trí trong trường hợp cần thiết.
– Sau tiêm bạn có thể cảm thấy đau nhức ở vùng tiêm, điều này thường là phản ứng bình thường và không gây nguy hiểm gì nên không cần quá lo lắng.
– Nếu trong quá trình theo dõi sức khỏe có bất kỳ tác dụng phụ hoặc vấn đề về sức khỏe nào khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy thông báo cho nhân viên y tế. Họ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên hoặc sự chăm sóc y tế nếu cần thiết.
– Trước khi ra về, bạn cần được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo rằng bạn hoàn toàn bình thường sau khi tiêm vắc xin.
– Trước khi ra về bạn có thể thảo luận với bác sĩ về biện pháp xử trí phù hợp với bản thân nếu về nhà gặp các tác dụng phụ như sốt, sưng, đau tại vị trí tiêm.
2.2. Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe sau tiêm viêm gan B tại nhà
Việc chú ý đến chăm sóc sức khỏe tại nhà cũng rất quan trọng để đảm bảo sự thoải mái và an toàn trong thời gian hồi phục sau khi tiêm vắc xin. Dưới đây là những lưu ý:
– Dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh các hoạt động vận động nặng để tạo điều kiện cho cơ thể hồi phục một cách tốt nhất.
– Uống đủ nước sau khi tiêm vắc xin có thể giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn và nước cũng rất tốt cho quá trình hình thành kháng thể và hồi phục sau tiêm.
– Tránh rượu và chất kích thích trong vòng 3 ngày sau khi tiêm vắc xin. Những chất này có thể tăng cường cảm giác không thoải mái và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi cũng như hình thành kháng thể.
– Nếu bạn sốt nhẹ dưới 38,5 độ, có thể thực hiện giảm nhiệt bằng cách mặc quần áo thoáng, chườm ấm.
– Nếu bạn sốt trên 38,5 độ , có thể cân nhắc sử dụng paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Vết tiêm có thể bị sưng và đỏ nhưng bạn không cần quá lo lắng vì chúng sẽ tự thuyên giảm. Việc cần làm là giữ vệ sinh sạch sẽ cho vết tiêm, không bôi hoặc đắp thứ gì lên để tránh tình trạng nhiễm trùng.
– Theo dõi tác dụng phụ nhỏ như đau ở vị trí tiêm hoặc đau cơ, nếu chúng kéo dài hoặc trở nên nặng hơn cần lưu tâm và thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn.
– Phần lớn các phản ứng phụ sau khi tiêm viêm gan B là nhẹ và tự thuyên giảm. Tuy nhiên nếu bạn trải qua bất cứ tác dụng nào không bình thường và khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ.
3. Khi nào cần đến bệnh viện ngay sau khi tiêm viêm gan B?
Mặc dù phần lớn mọi người sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B đều không gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng, nhưng vẫn có một số trường hợp cần chú ý và đến viện ngay nếu:
– Trải qua phản ứng nặng như khó thở, tím tái, li bì
– Sốt cao, đã dùng hạ sốt nhưng không giảm
– Sốt kéo dài nhiều ngày
– Sưng đau đột ngột ở vị trí tiêm
– Nôn, tiêu chảy
– Hoặc bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào khiến bạn cảm thấy lo lắng.
Bạn cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám và xử trí kịp thời nếu gặp phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B.
Tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, sau khi tiêm vắc xin, nếu bạn gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào có thể tới Phòng tiêm chủng để được xử trí cấp cứu ngay tại phòng khám với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. .
Trên đây là hướng dẫn chi tiết sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ những việc cần làm và tự tin hơn trong chăm sóc sức khỏe sau tiêm chủng. Nếu như cần được tư vấn bất cứ thông tin nào về viêm gan B hay các vắc xin khác, bạn có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.