Hướng dẫn bố mẹ cách xử trí hiệu quả khi bé bị tiêu chảy

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Khi bé bị tiêu chảy, bố mẹ thường cảm thấy vô cùng lo lắng và buồn phiền. Bởi vì nếu không tìm ra hướng xử trí kịp thời, tiêu chảy có thể làm ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và sức khỏe của con, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ. Thấu hiểu nỗi lo đó của các bậc phụ huynh, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản về bệnh cũng như phương pháp điều trị hiệu quả đúng cách khi con bị tiêu chảy.

1. Một số nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể là:

– Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em bị tiêu chảy. Căn bệnh này xuất hiện chủ yếu vào mùa đông và thời gian ủ bệnh khoảng 12 giờ – 5 ngày, kéo dài từ 3 – 7 ngày.

– Do trẻ bị nhiễm vi khuẩn lỵ trực tràng, E.Coli, dịch tả,…

– Do bé bị nhiễm ký sinh trùng qua nước uống hoặc thức ăn.

– Do con bị dị ứng với protein có trong các loại thịt, sữa, cá hoặc những thực phẩm khác,…

– Do bé mắc phải bệnh lý liên quan đến đường ruột như tắc ruột, viêm ruột, viêm ruột thừa,…

– Chế độ ăn uống của trẻ em không hợp lý, bé ăn quá nhiều thức ăn hoặc những loại thực phẩm được chế biến không sạch sẽ, chưa được nấu chín,…

– Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy, thậm chí là tiêu chảy cấp với những dấu hiệu như đi ngoài nhiều lần, nôn ói nên bố mẹ cần phải đặc biệt lưu ý.

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy

2. Những dấu hiệu nhận biết trẻ em bị tiêu chảy

2.1. Con đi ngoài nhiều lần trong một ngày

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, tối thiểu là 3 lần. Không chỉ vậy, phân của trẻ ở dạng lỏng, có mùi tanh hoặc chua, nhiều nước và có thể lẫn chất nhầy. Nếu diễn ra dưới 3 lần/ ngày có nghĩa là bé bị tiêu chảy cấp, còn nếu trên 2 tuần có thể trẻ bị tiêu chảy kéo dài.

2.2. Trẻ nôn trớ và ói

Trẻ bị tiêu chảy thường có biểu hiện nôn trớ do vi khuẩn tụ cầu hoặc Rotavirus gây ra. Việc nôn liên tục sẽ khiến bé dễ bị mất nước và những chất điện giải. Trong trường hợp này, con sẽ có cảm giác niêm mạc mắt bị khô, khát nước, da mất sự đàn hồi, tụt huyết áp, thậm chí là ngất xỉu. Do đó, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Nôn trớ và ói là biểu hiện cho thấy trẻ bị tiêu chảy

Nôn trớ và ói là biểu hiện cho thấy trẻ bị tiêu chảy

2.3. Trẻ biếng ăn

Biểu hiện biếng ăn có thể xuất hiện trước khi con bị tiêu chảy cấp nhiều ngày. Lúc này, trẻ thường chán ăn và bỏ bú, chỉ thích uống nước.

2.4. Trẻ đau rát hậu môn

Trẻ bị tiêu chảy thường phải đi ngoài nhiều lần, đôi khi còn có thể bị tiêu chảy ra máu, dẫn tới hiện tượng đau rát hậu môn.

2.5. Trẻ mệt mỏi và hay quấy khóc

Trẻ bị tiêu chảy thường hay quấy khóc, mệt mỏi, chán chơi, thậm chí có một vài bé còn rơi vào tình trạng hôn mê li bì do bị mất nước nặng. Vì vậy, các bố mẹ cần phải để ý những dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy để có cách xử trí kịp thời.

3. Hướng dẫn bố mẹ cách chăm sóc bé bị tiêu chảy đúng cách

3.1. Bù nước cho trẻ

Đối với những trẻ bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm là bù lại lượng mất đã mất cho bé bằng cách cho con uống thêm nước và dung dịch điện giải Oresol, cũng như các loại nước trái cây. Mục đích là để giúp bổ sung thêm nước và tăng cường sức đề kháng cho con.

3.2. Chú ý tới chế độ ăn uống hàng ngày của bé

Khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ hãy cho con ăn uống bình thường và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết giúp bé tăng cường thể lực, cũng như hồi phục thương tổn niêm mạc ruột cho trẻ. Trong trường hợp bé vẫn còn đang bú sữa mẹ, bạn nên cho con bú bình thường và tăng số lần bú cho trẻ. Đồng thời, các mẹ cũng nên bổ sung thêm sữa công thức cho con với liều lượng và độ loãng hơn so với bình thường.

Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ nên cho con ăn những loại thực phẩm ở dạng mềm, lỏng và dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh,… Tuyệt đối không cho bé ăn đồ béo, thức ăn chiên rán, thực phẩm tái sống, đồ ngọt, nước ngọt có gas,… Tốt nhất, bố mẹ nên chia đều thành những bữa nhỏ trong ngày cho trẻ.

3.3. Đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ chuyên khoa

Nếu đã áp dụng những cách trên đây mà tình trạng tiêu chảy ở trẻ vẫn không thuyên giảm. Đồng thời xuất hiện thêm những dấu hiệu như phân lẫn máu, sốt cao, bé không chịu ăn, nôn ói nhiều, mất nước nặng, bụng đau khi sờ ấn, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị kịp thời.

Bố mẹ hãy đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy

Bố mẹ hãy đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy

Có thể thấy rằng, tiêu chảy là căn bệnh khá nghiêm trọng ở trẻ em, có thể gây nguy hiểm nếu bố mẹ không có phương pháp can thiệp kịp thời. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên nắm rõ những kiến thức trên đây để nhận biết những dấu hiệu bất thường của trẻ. Từ đó có cách điều trị hiệu quả khi bé bị tiêu chảy, tránh để xảy ra những hệ lụy không mong muốn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital