HPV ung thư cổ tử cung: Các giai đoạn bệnh và cách điều trị tương ứng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

HPV ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư ở nữ giới phổ biến thứ 2 sau ung thư vú. Bệnh phát triển theo các giai đoạn và trở nặng nhanh chóng. Điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, phát hiện càng sớm tỷ lệ điều trị thành công sẽ càng cao.

1. Ung thư cổ tử cung và các giai đoạn tiến triển của bệnh

Ung thư cổ tử cung xuất phát từ các tế bào ở cổ tử cung (phần bên dưới của tử cung). Các tế bào này bắt đầu phát triển bất thường vượt quá mức kiểm soát của cơ thể và tạo ra khối u bên trong cổ tử cung.

Bệnh HPV ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe, hạnh phúc và cả tính mạng người phụ nữ.

Các khối ung thư cổ tử cung phát triển theo các giai đoạn từ I đến IV với mức độ nguy hiểm tăng dần.

1.1. HPV giai đoạn 0 – Ung thư tại chỗ

Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh, người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nên thường chỉ được tình cờ phát hiện sớm thông qua khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư.

1.2. HPV ung thư cổ tử cung giai đoạn I

Các tế bào ung thư đã hoàn toàn khu trú tại cổ tử cung, phát triển từ bề mặt cổ tử cung xuống tới các mô sâu hơn. Ở giai đoạn này ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các cơ quan xa và được chia thành 2 giai đoạn IA và IB với mức độ tiến triển nặng dần.

Giai đoạn IA 

Xuất hiện một lượng rất nhỏ các tế bào ung thư có kích thước độ sâu nhỏ hơn hoặc bằng 5mm và có chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 7mm. Chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi, không lan tới các hạch bạch huyết lân cận, không lan tới các cơ quan xa và được chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn:

– Giai đoạn IA1: Vùng ung thư sâu dưới 3mm và chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 7mm.

– Giai đoạn IA2: Vùng ung thư sâu dưới 3-5mm và chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 7mm.

Giai đoạn IB

Khối u đã lan rộng hơn 5mm nhưng vẫn được giới hạn ở cổ tử cung, không lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các cơ quan xa và được thành 3 giai đoạn nhỏ hơn:

– Giai đoạn IB1: Ung thư sâu hơn 5mm, kích thước không quá 2cm.

– Giai đoạn IB2: Ung thư kích thước tối thiểu 2cm nhưng chưa lớn hơn 4cm.

– Giai đoạn IB3: Ung thư kích thước tối thiểu 4cm và vẫn được giới hạn ở cổ tử cung.

1.3. HPV ung thư cổ tử cung giai đoạn II

Đây là giai đoạn mà ung thư đã phát triển vượt ra ngoài vùng cổ tử cung và tử cung, nhưng chưa lan tới các thành của khung chậu hoặc phần dưới âm đạo. Không lan tới các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan xa.

Giai đoạn II bao gồm 2 giai đoạn nhỏ IIA và IIB:

– Giai đoạn IIA: Khối u đã lan tới 2⁄3 âm đạo nhưng chưa xâm lấn các mô cạnh cổ tử cung. Giai đoạn này lại được chia nhỏ thành IIA1 (với khối u nhỏ hơn hoặc bằng 4cm) và IIA2 (với khối u lớn hơn 4cm).

– Giai đoạn IIB: Tế bào ung thư đã xâm lấn vào các mô cạnh cổ tử cung nhưng chưa xâm lấn đến thành bên tiểu khung.

1.4. HPV ung thư cổ tử cung giai đoạn III

Đây là giai đoạn bệnh bắt đầu phát triển mạnh mẽ, khối ung thư đã xâm lấn tới các cơ quan lân cận khác có thể là thành bên khung chậu, 1/3 dưới âm đạo, niệu quản. Hậu quả dẫn đến giãn đường tiết niệu cao, tắc niệu quản.

Giai đoạn III tương tự cũng được chia thành 2 giai đoạn nhỏ:

– Giai đoạn IIIA: Khối u đã xâm lấn tới 1⁄3 dưới âm đạo và chưa xâm lấn tới thành bên tiểu khung.

– Giai đoạn IIIB: Khối u đã lan tới thành bên khung chậu, có thể xâm lấn tới cả niệu quản. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng thận ứ nước hoặc mất chức năng thận.

1.5. Ung thư giai đoạn IV

Các tế bào ung thư cổ tử cung ở giai đoạn IV đã xâm lấn mạnh vào các cơ quan xa khác và có mức độ cực kỳ nguy hiểm. Ung thư giai đoạn IV bao gồm 2 giai đoạn nhỏ:

– Giai đoạn IVA: Ung thư đã lan tới bàng quang hoặc trực tràng hoặc ung thư đang phát triển ra khỏi vùng chậu.

– Giai đoạn IVB: Ung thư đã lan tới các cơ quan xa vượt ngoài vùng chậu như các hạch bạch huyết xa, xương hoặc phổi.

Giai đoạn phát triển của HPV ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung phát triển theo các giai đoạn từ I-IV cùng mức độ nguy hiểm tăng dần.

2. HPV ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi không?

Hiện nay, với sự phát triển của y học, ung thư cổ tử cung đã có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và tiến hành điều trị đúng phương pháp. Bệnh càng được phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao và ngược lại nếu bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và tỷ lệ chữa khỏi cũng giảm dần. Cụ thể:

– Giai đoạn 0: Cơ hội sống trên 5 năm cao có thể lên tới 96%.

– Giai đoạn I: Tỷ lệ sống trên 5 năm giảm xuống còn 80-90%.

– Giai đoạn II: Khả năng sống sót trên 5 năm là 50-60%.

– Giai đoạn III: Cơ hội để người bệnh sống trên 5 năm là 25-35%.

– Giai đoạn IV: Con số này giảm chỉ còn dưới 15%.

– Đặc biệt lưu ý: Trên 90% người bệnh khi tái phát ung thư di căn xa sẽ tử vong trong vòng 5 năm.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không?

Ung thư cổ tử cung có thể chữa được nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách kịp thời.

3. Phương pháp áp dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung

Đối với bệnh ung thư nói chung, phẫu thuật, xạ trị và hóa trị là 3 phương pháp điều trị điển hình được áp dụng phổ biến và ung thư cổ tử cung cũng không ngoại lệ. Theo từng giai đoạn phát triển của khối u sẽ có phương pháp điều trị tương ứng được chỉ định.

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính giúp loại bỏ khối u hoàn toàn. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật phẫu thuật được thực hiện trong điều trị ung thư cổ tử cung nhưng được chia thành 2 nhóm chính như sau:

Phẫu thuật với mục đích bảo tồn khả năng sinh sản

Đối với các trường hợp vẫn muốn tiếp tục sinh con và tình trạng khối u đủ cho phép thì phương pháp này được ưu tiên hàng đầu.  Bác sĩ sẽ xem xét và lựa chọn 1 trong các phẫu thuật sau:

– Phẫu thuật khoét chóp.

– Phẫu thuật lạnh bằng Nitơ lỏng.

– Phẫu thuật cắt bằng điện.

Trường hợp có thể áp dụng: Ung thư giai đoạn 0 và giai đoạn I (nếu người bệnh có nhu cầu tiếp tục sinh con)

Phẫu thuật hoàn toàn mất đi khả năng sinh sản

Tùy vào mức độ lan rộng của tế bào ung thư mà bác sĩ sẽ chỉ định các phẫu thuật phù hợp:

– Phẫu thuật cắt đi một phần của tử cung.

– Phẫu thuật loại bỏ tử cung hoàn toàn.

– Phẫu thuật cắt hoàn toàn các cơ quan vùng chậu.

Trường hợp có thể áp dụng: Ung thư giai đoạn I (nếu người bệnh không có nhu cầu sinh con) và ung thư giai đoạn II nếu khối u chưa lan rộng khắp vùng chậu.

3.2. Xạ trị

Xạ trị có thế được tiến hành riêng lẻ hoặc kết hợp cùng lúc với hóa trị (hóa xạ trị) hoặc cũng có thể là phẫu thuật để tăng hiệu quả tiêu diệt ung thư. Xạ trị bao gồm xạ trị ngoài cơ thể và xạ trị trong cơ thể.

Trường hợp có thể áp dụng: Ung thư giai đoạn II, III và IVA (thường là hóa xạ trị kết hợp).

3.3. Hóa trị

Hóa trị cho hiệu quả tốt với ung thư giai đoạn đã di căn rộng đến nhiều cơ quan khi mà phẫu thuật và xạ trị không thể đáp ứng được mục đích điều trị. Tuy nhiên, thực hiện hóa trị điều trị ung thư gây ra nhiều tác dụng phụ như: Tiêu chảy, chán ăn, nôn, rụng tóc, mệt mỏi, nhiệt miệng, mãn kinh sớm,…

Trường hợp có thể áp dụng: Ung thư giai đoạn II, III và IVA (thường là hóa xạ trị kết hợp).

Lưu ý:

Đối với ung thư giai đoạn IV, các phương pháp như phẫu thuật, hóa xạ trị sẽ chỉ có thể giảm sự phát triển của bệnh, không thể cho hiệu quả điều trị mong muốn do tế bào ung thư đã di căn tới nhiều cơ quan. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các liệu pháp phù hợp bao gồm liệu pháp trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch để giúp người bệnh giảm đau đớn, cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.

HPV ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ. Hiện nay đã có vaccine phòng ung thư cổ tử cung song giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là thực hiện thăm khám định kỳ và tầm soát ung thư để phát hiện bệnh sớm và tiến hành điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital