Hở và hẹp van tim đều là những dạng bệnh lý van tim nguy hiểm. Ở những người mắc bệnh van tim, cấu trúc bất thường khiến van tim không thể thực hiện được nhiệm vụ kiểm soát máu nuôi cơ tim và cơ thể đi theo một chiều. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý van tim trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Hở – hẹp van tim trong bệnh lý van tim là gì?
Trong cơ thể con người, hệ thống van tim có vai trò vô cùng quan trọng: kiểm soát lượng máu lưu chuyển giữa các buồng tim, giữa tim và các bộ phận khác như động mạch phổi, động mạch chủ… đi theo chiều nhất định, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.
Nhưng trong nhiều trường hợp, những bất thường về cấu trúc khiến tim không thể đóng – mở hoàn toàn và đúng lúc khiến chức năng này không thể thực hiện một cách trọn vẹn.
Trong đó, hở và hẹp van tim là 2 dạng phổ biến nhất của bệnh van tim.
– Hở van tim: là tình trạng vòng van bị giãn, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài… khiến van không thể đóng chặt. Điều này khiến một phần máu có thể trào ngược lại buồng tim trong thời kỳ đóng van.
– Hẹp van tim: là hiện tượng các van tim bị dày lên, xơ cứng, dính mép,… khiến van tim không thể mở hoàn toàn để tống máu qua các buồng tim, dẫn đến thiếu hụt lượng máu cung cấp cho quá trình tim co bóp.
Bên cạnh đó, một số trường tình trạng hẹp – hở van có thể xảy ra cùng lúc ở một hoặc nhiều van tim, khiến tim phải chịu nhiều áp lực, dễ dẫn tới suy tim và nhiều biến chứng khác nguy hiểm khác.
2. Nguyên nhân gây hẹp – hở van tim thường gặp
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên các bệnh lý van tim, phổ biến nhất là:
2.1 Do bẩm sinh
Van tim bị lỗi ngay trong quá trình hình thành bào thai. Hẹp – hở van tim do bẩm sinh thường gặp ở van động mạch chủ và thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.
2.2 Do bệnh cơ tim
Tình trạng cấu trúc tim thay đổi do những khiếm khuyết trong quá trình phát triển, sốt do virus hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim, làm giãn các buồng tim và là một trong những nguyên nhân gây hở van.
2.3 Nhồi máu cơ tim
Ở những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, các dây chằng van có thể bị giãn gây hở van. Van hai lá và van động mạch chủ thường dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến cố tim mạch này.
2.4 Do tuổi tác
Ở những người lớn tuổi, van tim trở nên lão hóa, kém linh hoạt, dễ bị rách hay vôi hóa canxi. Điều này làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.
2.5 Hở và hẹp van tim do bệnh thấp tim
Đây là tổn thương van tim do liên cầu khuẩn gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5-15 tuổi, là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh van tim ở nước. Sự tấn công của vi khuẩn làm cho van tim bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày gây tình trạng hẹp – hở van. Bệnh thấp tim thường gây ảnh hưởng chủ yếu đến van hai lá và van động mạch chủ.
2.6 Do sa van hai lá
Do tổn thương dây chằng van mà đôi khi van 2 lá hoặc van 3 lá có thể nằm không đúng vị trí, lồi lên vào trong tâm nhĩ, gây hở và hẹp van.
Ngoài ra hẹp, hở van tim còn có thể gây ra bởi một số yếu tố khác như bệnh động mạch vành, phình động mạch chủ, tăng huyết áp, một số thuốc, bức xạ trong quá trình điều trị ung thư.
3. Các biến chứng có thể gặp
Khi van tim có hiện tượng hở – hẹp, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt và cung cấp đủ lượng máu cho hoạt động của tim và cơ thể. Theo thời gian, tim dần trở nên suy yếu, buồng tim giãn.
Đồng thời, hiện tượng ứ trệ máu ở các buồng tim còn dễ hình thành nên các cục máu đông (huyết khối), dễ gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
Một số biến chứng khác:
– Viêm nội mạc nhiễm khuẩn
– Rung nhĩ
– Tăng áp động mạch phổi
4. Triệu chứng của bệnh
Cả hở và hẹp van tim đều gây những ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của tim ít biểu hiện thành triệu chứng ở giai đoạn nhẹ.
Các triệu chứng thường rõ ràng khi bệnh đã gây biến chứng suy tim. Đó là:
– Khó thở
– Mệt mỏi
– Choáng ngất
– Hồi hộp, đánh trống ngực
– Đau thắt ngực
– Phù mắt cá chân hoặc bàn chân
Trong đó, đau ngực, khó thở khi gắng sức là một triệu chứng điển hình của tình trạng suy tim. Khi đó, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với các trường hợp hở – hẹp van tim do thấp, các triệu chứng tổn thương van tim thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đã ở tuổi trưởng thành.
5. Cách điều trị hở – hẹp van tim
Tùy vào nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng biểu hiện của bệnh, mức độ hở – hẹp van và ảnh hưởng của van đến hoạt động của tim mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
5.1 Điều trị hở và hẹp van tim bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc không thể làm cho van tim hết hẹp, hở nhưng có tác dụng kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và làm chậm tiến triển của bệnh. Vì thế đây vẫn là biện pháp điều trị hở và hẹp van tim phổ biến hiện nay, Thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông…là những loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh van tim.
Đối với các trường hợp bệnh do liên cầu khuẩn gây ra, các loại thuốc kháng sinh được dùng đúng và đủ liều giúp điều trị viêm họng, ngăn ngừa bệnh tiến triển, dự phòng biến chứng.
Lưu ý, không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng cần dùng thuốc điều trị. Vì thế bạn không nên tự ý sử dụng thuốc. Thay vào đó, hãy đi khám để được chẩn đoán và được các bác sĩ kê đơn phù hợp. Khi đã được chỉ định loại thuốc nào với liều dùng bao nhiêu thì bạn cần tuân thủ đúng, duy trị việc uống thuốc đúng liều, không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều dùng.
5.2 Các biện pháp khác
Đối với những trường hợp tổn thương van tim nặng nề, điều trị nội không còn tác dụng thì các phương pháp can thiệp khác có thể được cân nhắc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện lối sống khoa học như giảm muối, đường, chất béo trong khẩu phần ăn; bổ sung các loại rau xanh, hoa quả; thường xuyên vận động, luyện tập vừa sức,…để cải thiện tuần hoàn, giảm các triệu chứng của bệnh. Duy trì lối sống này cũng giúp bạn hạn chế mắc bệnh hoặc phòng ngừa tái phát các bệnh lý tim mạch nói chung.
Hi vọng những thông tin về bệnh hở và hep van tim trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích. Nhưng nhớ rằng chúng không thể thay thế cho các chẩn đoán và điều trị chuyên khoa. Hãy thường xuyên thăm khám định kỳ và thăm khám khi có các triệu chứng bất thường là để phòng tránh hoặc phát hiện sớm nhằm hạn chế những rủi ro đến với sức khỏe của bạn.