Các trường hợp ho kéo dài ở trẻ ba mẹ cần đặc biệt lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Ho kéo dài ở trẻ em là trường hợp trẻ ho mãi không khỏi, kéo dài một thời gian chừng 14 ngày trở lên. Khi trẻ bị ho kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lao, ho gà, dị vật đường thở hoặc bệnh hen suyễn,… Ba mẹ tuyệt đối không nên tự ý cho bé dùng thuốc hay siro đặc trị ho nếu chưa biết rõ nguyên nhân, nên đưa con đi thăm khám với bác sĩ Nhi khoa tại các cơ sở y tế uy tín để bé được chẩn đoán đúng và có biện pháp điều trị tốt nhất.

Ho gà

bệnh ho gà gây ho kéo dài

Bệnh ho gà có thể khiến bé ho kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn. (ảnh minh họa)

Trẻ bị ho kéo dài có thể do bé mắc phải bệnh ho gà. Loại bệnh này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh khi chưa được tiêm chủng (vắc-xin phòng ngừa ho gà).

Sau giai đoạn ủ bệnh khoảng 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt, thường kèm ho và chảy mũi nên trên lâm sàng thường khó phân biệt với ho và cảm lạnh thông thường. Khoảng vài ngay sau bé bắt đầu xuất hiện những cơn ho kịch phát (ho nhiều, dữ dội, tím tái, không ngừng, hết cơn bé lại ho) kèm thở rít, lúc này ba mẹ mới dễ nhận biết trẻ bị ho gà. Cơn ho có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn và bệnh có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp (miệng).

Trẻ nhỏ bị ho gà cần đưa bé đi thăm khám sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh <6 tháng tuổi có kèm viêm phổi, co giật, mất nước, suy dinh dưỡng nặng, cơn ngưng thở kéo dài hoặc tím sau ho để tránh gây tình trạng suy hô hấp.

Lao

bệnh lao gây ho kéo dài

Trẻ bị lao có thể ho kéo dài trên 14 ngày. (ảnh minh họa)

Bệnh lao thường dễ xâm nhập vào cơ thể người lớn và trẻ nhỏ khi hệ thống miễn dịch bị suy giảm do một số bệnh lý như HIV, sởi, ho gà, suy dinh dưỡng,… Bệnh lao hầu hết thường nặng khi bị ở phổi, màng não hay thận. Các vị trí hạch cổ, xương, khớp, bụng, tai, mắt và da đều có thể bị nhiễm.

Bệnh thường khó phát hiện vì không có dấu hiệu đặc trưng, nhiều trẻ chỉ có biểu hiện duy nhất là chậm lớn, sụt cân hay sốt, kéo dài. Ở trẻ em, ho trên 14 ngày cũng có thể là dấu hiệu của bệnh.

Nếu trẻ có các biểu hiện sau, ba mẹ nên đưa con đi thăm khám:

  • Sụt cân không giải thích được hoặc chậm lớn so với tuổi
  • Sốt không giải thích được, đặc biệt khi kéo dài trên 2 tuần
  • Ho mạn tính (trẻ ho kéo dài trên 2 tuần, có hoặc không có khò khè)
  • Phơi nhiễm với người lớn có thể bị hoặc đã xác định mắc lao phổi.

Dị vật đường thở

dị vật đường thở gây ho kéo dài

Dị vật đường thở cũng là một nguyên nhân gây tình trạng ho kéo dài ở trẻ. (ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng mắc dị vật đường thở cần xử trí cấp cứu ngay. Tuy nhiên cũng có những dị vật đường thở bị kẹt lâu ngày ở cơ quan hô hấp, mà không được phát hiện nên thường bị lãng quên đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài ở trẻ.

Những loại hạt như hạt đậu, hạt giống hay các vật thể nhỏ khác có thể bị hít vào đường thở, hầu hết gặp ở trẻ < 4 tuổi. Dị vật thường kẹt ở phế quản (hay gặp ở bên phải hơn) và có thể gây ra xẹp hoặc đông đặc phần phổi bên dưới đó.

Một số dị vật nhỏ, bị kẹt sâu có thể không có triệu chứng trong vài ngày hoặc vài tuần trước khi trẻ có biểu hiện khò khè kéo dài, ho mạn tính hoặc viêm phổi mà không đáp ứng với điều trị. Những vật thể nhỏ sắc nhọn có thể kẹt ở thanh quản, gây ra thở rít hoặc khò khè. Hiếm hơn là vật thể lớn có thể kẹt ở thanh quản gây đột tử do ngạt.

Hen suyễn

Đây là tình trạng viêm mạn tính kèm tắc nghẽn đường thở có hồi phục. Bệnh đặc trưng bởi các đợt tái phát khò khè, thường kèm ho kéo dài, có đáp ứng với thuốc điều trị dãn phế quản và kháng viêm. Kháng sinh chỉ nên được cho khi có dấu hiệu của viêm phổi.

bé bị ho kéo dài do hen suyễn

Trẻ bị hen suyễn có thể gây ho kéo dài. (ảnh minh họa)

Các dấu hiệu khi khám có thể gồm:

  • Thở nhanh hoặc tăng nhịp thở
  • Lồng ngực căng phồng
  • Thiếu oxy (SpO2 ≤ 90%)
  • Rút lõm lồng ngực
  • Sử dụng các cơ hô hấp phụ (đặc biệt chú ý các cơ cổ)
  • Thì thở ra kéo dài kèm khò khè nghe được
  • Thông khí giảm hoặc không có khi tắc nghẽn nặng dọa tử vong
  • Không sốt
  • Đáp ứng tốt với điều trị với thuốc dãn phế quản.

Như vậy, khi thấy trẻ bị ho kéo dài ba mẹ không nên chủ quan mà nên cho con đi thăm khám sớm để loại trừ các bệnh lý nêu trên. Đồng thời trẻ cũng được thăm khám với các bác sĩ Nhi khoa, điều này giúp con được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây tình trạng ho kéo dài ở trẻ và có biện pháp điều trị tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital