Menu xem nhanh:
Ho dai dẳng kéo dài – coi chừng ung thư phổi
Ho là một phản xạ sinh lý bình thường nhằm tống các chất dịch, đờm hay các dị vật từ ngoài lọt vào gây tắc đường thở. Ho cũng có thể là triệu chứng của một số rối loạn trong cơ thể. Ho không đáng ngại nếu chỉ xảy ra vài ngày, điều trị bằng thuốc thuyên giảm nhưng nếu ho dai dẳng trên 2 tuần và tái phát liên tục thì bạn cần đặc biệt cảnh giác.
Một số nguyên nhân gây ho dai dẳng là:
- Viêm phổi: là tình trạng phổi bị nhiễm trùng do vi khẩn, vi rút, nấm hay kí sinh trùng. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị tích cực. Đặc điểm của ho trong viêm phổi là ho khan, ho dai dẳng và thường xuất hiện vào ban đêm nhiều hơn. Ngoài ho dai dẳng, viêm phổi còn có nhiều biểu hiện khác như sốt cao, khó thở, chán ăn…
- Lao phổi: bệnh lao được chia làm hai loại chính là bệnh lao phổi và lao ngoài phổi, trong đó lao phổi phổ biến hơn chiếm khoảng trên 80% ca mắc lao. Ho kéo dài trên 3 tuần là một trong những dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân lao phổi. Ngoài ho dai dẳng kéo dài, bệnh nhân lao phổi có có các biểu hiện khác như khạc ra đờm, đau tức ngực, sút cân, đổ mồ hôi, sốt…
- Bệnh ho gà: bệnh bắt đầu với triệu chứng giống như cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt. Sau một hoặc hai tuần, ho sẽ nhiều hơn, ho dữ dội…
- Ung thư phổi: là bệnh ung thư cực kì nguy hiểm, tiến triển nhanh và rất dễ di căn đến các cơ quan nếu không được điều trị tích cực sớm. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nam giới và thứ ba ở nữ giới. Ho là một trong những triệu chứng điển hình xuất hiện ở khoảng 70% ca mắc bệnh.
Ho dai dẳng nhiều lúc không lành như bạn tưởng. Hãy cảnh giác với bệnh ung thư phổi nếu bạn có những biểu hiện khác như:
- Thở khò khè, khó thở
- Đau tức ngực
- Ho ra máu
- Tràn dịch màng phổi…
Chẩn đoán bệnh ung thư phổi như thế nào?
Với tình trạng ho dai dẳng kèm theo nhiều biểu hiện nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
- X quang phổi: thường là phương pháp được chỉ định trước tiên khi có bất kì nghi ngờ nào tại phổi
- CT scan lồng ngực: phát hiện những tổn thương nhỏ tại phổi mà đôi khi X quang có thể bỏ sót. CT cũng là phương tiện để bác sĩ đánh giá giai đoạn ung thư. Hình ảnh khối u phổi thường là hình cầu hay bầu dục, bờ phẳng hay không đều, nhiều cung. Khi bơm thuốc cản quang, giá trị chẩn đoán chính xác lên tới 98%
- MRI: đánh giá ung thư xâm lấn màng tim, tim, các mạch máu lớn, đánh giá mức độ chèn ép cột sống của khối u
- PET: phân biệt u phổi lành tính và ác tính
- Sinh thiết qua da dưới hướng dẫn CT…
Ho dai dẳng rất nguy hiểm và có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Vì vậy, nếu ho kéo dài không khỏi bạn không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để khám chẩn đoán bệnh kịp thời.