Là một trong 4 loại ung thư tiêu hóa phổ biến, u dạ dày gây nên hơn 15.000 ca tử vong mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu do phát hiện và điều trị bệnh quá muộn. Khi y học đề cao vấn đề sàng lọc để phát hiện bệnh sớm, thì xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày cũng được quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn.
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày là gì?
Danh mục xét nghiệm trong gói tầm soát ung thư thường gồm hai phần: xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm chuyên sâu. Xét nghiệm máu và nước tiểu cơ bản nhằm đánh giá chức năng hoạt động của máu và gan, thận. Đồng thời cũng sàng lọc chứng thiếu máu và dấu hiệu bất thường của hệ bài tiết.
Xét nghiệm tầm soát ung thư thường để chỉ những xét nghiệm chuyên sâu hơn. Mục đích chính của phương pháp này nhằm phát hiện các chất mang nguy cơ ung thư.
1.1. Phương pháp xét nghiệm trong tầm soát K dạ dày có quan trọng không?
Trong gói sàng lọc ung thư dạ dày, người ta thường chủ yếu quan tâm tới các phương pháp nội soi đường tiêu hóa, siêu âm ổ bụng, sinh thiết. Nó giúp bác sĩ quan sát trực tiếp vị trí, kích thước các khối u, chẩn đoán giai đoạn phát triển và di căn của bệnh.
Trên thực tế, xét nghiệm cũng là một trong những phương pháp thiết yếu tầm soát ung thư dạ dày nói riêng, ung thư đường tiêu hóa nói chung. Bằng việc đo lường nồng độ các chất đặc biệt trong máu, bác sĩ có thể tiên lượng được nguy cơ gây ung thư. Chẩn đoán này là tiền đề để bệnh nhân thực hiện các bước tầm soát bằng hình ảnh khác. Nếu thiếu đi danh mục xét nghiệm, bác sĩ khó có thể thực hiện danh mục sau, cũng như kết quả sàng lọc không đủ cơ sở để kết luận.
1.2. Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày gồm những gì?
Có 2 loại xét nghiệm để phát hiện sớm ung thư dạ dày thường thấy: Đo lường chất chỉ điểm và đo lường nồng độ pepsinogen huyết thanh.
Đo lường chất chỉ điểm
Đa số các bệnh ung thư khi xuất hiện đều khiến nồng độ một chất riêng biệt trong máu tăng cao. Bác sĩ sẽ xét nghiệm để đo lường nồng độ chất này, nhằm chẩn đoán khả năng mắc bệnh, hoặc giai đoạn tiến triển của bệnh. Chúng được gọi là chất chỉ điểm khối u hay dấu ấn ung thư.
Chất chỉ điểm khối u dạ dày thường là CA72-4, CA19-9, CEA. Kỹ thuật đo nồng độ chất chỉ điểm rất hiệu quả khi theo dõi quá trình phát triển và di căn của khối u.
Đo lường nồng độ pepsinogen huyết thanh
Đây là phương pháp khá mới nhưng được đặt kỳ vọng đem lại kết quả cao. Pepsinogen là tiền enzyme của pepsin, bao gồm:
– Do các tế bào niêm mạc vùng đáy dạ dày tạo ra, gọi là Pepsinogen I (PGI)
– Do các tế bào niêm mạc của tất cả vùng trong dạ dày tạo ra, gọi là Pepsinongen II (PGII)
Nồng độ của PGI và PGII phản ánh tình trạng và chức năng hoạt động của niêm mạc dạ dày. Khi tỷ lệ PGI/PGII giảm dần, tức bệnh nhân có nguy cơ viêm teo dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
Ở người bình thường, mức độ PGI là >70 ng/mL, PGII là 7,5 ng/mL, tỷ lệ PGI/PGII là >3. Nếu kết quả cho ra PGI ≤ 70 ng/mL, tỷ lệ PGI/PGII ≤ 3, khả năng cao người bệnh có nguy cơ ung thư dạ dày. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm chỉ điểm khối u và các biện pháp chuyên sâu khác.
2. Giải đáp các thắc mắc phổ biến
Không chỉ giải nghĩa vấn đề, nhiều người còn thắc mắc và đắn đo khi chọn tầm soát sớm K dạ dày.
2.1. Những ai nên thực hiện tầm soát sớm ung thư dạ dày?
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, cần tầm soát định kỳ ung thư dạ dày như:
– Những người độ tuổi trên 40
– Người có tiền sử bệnh lý viêm dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP
– Người thân trong gia đình có bệnh sử mắc các bệnh dạ dày, các bệnh ung thư đường tiêu hóa
– Người nghiện rượu, bia, thuốc lá
– Người làm việc trong môi trường bức xạ, cao su hoặc than
Những người có dấu hiệu sau nên nhanh chóng tới gặp bác sĩ để kiểm tra:
– Viêm dạ dày mạn tính
– Trào ngược axit, khó tiêu, đầy hơi kéo dài
– Mệt mỏi, choáng váng kéo dài
– Đau bụng dưới, sốt, tiêu chảy kéo dài
– Có máu trong phân
2.2. Rủi ro nào khi xét nghiệm tầm soát K dạ dày?
Trước tiên cần phải khẳng định, không có phương pháp tầm soát ung thư nào cho kết quả đúng 100% khi thực hiện riêng lẻ. Do nhiều nguyên nhân, kết quả sàng lọc sẽ có sự sai lệch, hay rủi ro nhất định.
Đối với xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày, nguyên nhân chính gây sai sót trong kết quả thường là nồng độ chất chỉ điểm không thể hiện 100% bản chất ung thư. Một chất trong máu tăng có thể do các bệnh ung thư khác nhau như:
– CA72-4: Ung thư dạ dày, buồng trứng, đại trực tràng
– CA19-9: Ung thư tụy tạng, đường mật, đại trực tràng, dạ dày,…
– CEA: Ung thư đại tràng, thực quản, vú, tử cung, dạ dày, tuyến giáp,…
Vì lẽ đó, chỉ xét nghiệm đơn lẻ không thể biết chắc chắn người bệnh có mắc ung thư dạ dày hay không. Ngoài ra, khi bệnh ở giai đoạn đầu không có biểu hiện, nồng độ chất không tăng. Nó khiến kết quả xét nghiệm dương tính giả hoặc âm tính giả, ảnh hưởng tới việc chẩn đoán và điều trị sau này.
Dù vậy, người bệnh không nên quá lo lắng. Bác sĩ sẽ tổng hợp kết quả các bước khám để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Hãy vững tin vào bác sĩ và vào cơ sở y tế bạn đã chọn.
2.3. Lưu ý khi xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày
Để có buổi xét nghiệm sàng lọc bệnh thành công, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
– Nhịn ăn sáng trước buổi xét nghiệm
– Uống đủ nước
– Không uống rượu, bia, không dùng chất kích thích trước buổi xét nghiệm
– Không ăn đồ quá ngọt, đồ nhiều chất béo trước khi xét nghiệm
Chi tiết hơn, bạn nên trao đổi với nhân viên bệnh viện để có sự chuẩn bị tốt nhất. Kết lại, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong tầm soát sớm ung thư dạ dày. Hãy hiểu biết và sáng suốt để lựa chọn chính xác cho sức khỏe của bạn.