Hen phế quản khi mang thai không phải là trường hợp hiếm gặp. Đây là bệnh lý nội khoa có khả năng nguy hiểm cho khoảng 4 – 8% phụ nữ mang thai. Vì vậy, thai phụ mắc hen phế quản cần được khám theo dõi đều đặn để kiểm soát tốt bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi
Hen phế quản là một loại bệnh ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi (phế quản) và gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Nếu phụ nữ mang thai bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: thở khò khè, tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra. Tuy nhiên cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào, không thở được, co nặng ngực, ho và nói khó… Phụ nữ mang thai bị hen phế quản thì sẽ gặp nguy hiểm vì có thể sẽ không cung cấp đủ oxy cho thai nhi.
Menu xem nhanh:
Hen phế quản khi mang thai
Mức độ ảnh hưởng của hen phế quản trong thai kỳ tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh. Mức độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống như những lần mang thai tiếp theo. Những người hen phế quản mức độ nhẹ, bệnh thường ít có những diễn biến đáng lo ngại trong thời kỳ mang thai. Ngược lại, những trường hợp hen phế quản nặng, bệnh thường diễn biến xấu đi trong thời kỳ này.
Ảnh hưởng của hen phế quản trong thai kỳ và thai nhi
Hầu hết các bệnh nhân hen phế quản có thể mang thai và sinh nở một cách bình thường. Tuy nhiên, những trường hợp hen nặng, không được kiểm soát tốt có thể gây ra những tác động tiêu cực trên thai do tình trạng thiếu oxy máu kéo dài. Phụ nữ mang thai bị hen phế quản có một sự gia tăng nhỏ nguy cơ gây một số biến chứng trong thai kỳ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ bị hen phế quản có nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết…) cao hơn so với những bà mẹ không mắc bệnh.
Điều trị hen phế quản khi mang thai
Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu oxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp oxy đầy đủ cho thai nhi. Các bà bầu cần tìm đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể, tránh trường hợp tự ý điều trị sai phương pháp sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen, tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường.
Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, phụ nữ mang thai cần phải chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: khói thuốc lá, thuốc lào, lông vật nuôi chó, mèo…; khói bếp, đặc biệt là khói bếp than; các loại mùi hương mạnh như: phấn hoa, nước hoa, thuốc xịt côn trùng; tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng; luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô.
Chế độ dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Phụ nữ mang thai nên ăn đồ ấm, hạn chế tối đa đồ để lâu trong tủ lạnh. Đồng thời cũng phải giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm cúm, cảm lạnh thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh các tác nhân bất ngờ gây các cơn hen.
Đối với những phụ nữ khi biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị bệnh, trước khi có ý định mang thai cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị và dự phòng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, cần tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mang thai để ngăn chặn tăng nguy cơ hen phế quản vì viêm hô hấp do virut cúm.